Bảo hiểm “ngấm” khủng hoảng niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
Sau chuỗi dài tăng trưởng hai con số, doanh thu phí bảo hiểm đã có một quý đi lùi. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới sụt giảm đáng báo động.
Bảo hiểm “ngấm” khủng hoảng niềm tin

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy bức tranh ảm đạm của thị trường bảo hiểm quý II/2023. Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý này ước đạt 61.300 tỷ đồng, giảm 3,12% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 117.000 tỷ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ.

Kết quả trên không quá bất ngờ nếu quan sát thị trường, nhưng là một con số “lạc lõng” trong xu thế tăng trưởng hai con số đã kéo dài nhiều năm của ngành bảo hiểm, ngay cả trong đại dịch.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm lớn hoạt động lâu năm trên thị trường tiết lộ, doanh thu khai thác mới tháng 4 và tháng 5 sụt giảm xấp xỉ 50%. Đây là mức giảm lớn, chủ yếu từ kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Ngoài ra, tỷ lệ duy trì hợp đồng bao gồm khả năng tái tục và đóng phí các năm tiếp theo của khách hàng cũng bị ảnh hưởng.

Chỉ ra 2 nguyên nhân lớn khiến thị trường hạ nhiệt sốc, vị lãnh đạo cho biết, dù không còn chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, bối cảnh năm 2023 vẫn đang có những hệ lụy kinh tế tác động đến khả năng chi trả của người dân, ảnh hưởng rất lớn đến cầu bảo hiểm. Ngoài, các lùm xùm xung quanh việc khách hàng tố giác đại lý tư vấn sai, tranh chấp giữa người mua và người bán bảo hiểm gây ảnh hưởng xấu tới niềm tin thị trường.

Thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong quý I/2023 và đặc biệt vào giữa tháng 4. Số liệu từ hãng phân tích dữ liệu mạng xã hội YouNet ngay giữa tháng 4 cho thấy, số lượng thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội, về livestream của một nữ diễn viên về hợp đồng bảo hiểm và các sự kiện liên quan lớn hơn gấp đôi thảo luận của 16 cuộc khủng hoảng trước đó của ngành bảo hiểm từ năm 2020 đến 2022 cộng lại.

Không chỉ dừng lại ở các cuộc thảo luận, số kiến nghị, phản ánh của người dân về hoạt động bảo hiểm tăng vọt lên gần 500 kiến nghị. Trong đó, Bộ Tài chính phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến kênh bancassurance.

Hoạt động bảo hiểm nhân thọ cũng là chủ đề nóng tại nghị trường Quốc hội vừa qua khi đại biểu tỉnh Bắc Kạn không những chỉ ra các vấn đề, mà còn kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động này. Sau quá trình thanh tra tại Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm vừa công bố kết luận xác định các đơn vị này đều có nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. Sẽ còn 10 doanh nghiệp khác nằm trong diện thanh tra trong thời gian tới.

Với các công ty bảo hiểm, dù là thách thức, song giai đoạn này cũng là cơ hội để nhìn nhận lại hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trình bày điều khoản đơn giản hơn và cải thiện chất lượng tư vấn. Năm 2023 cũng đánh dấu Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực và sẽ có thêm các văn bản hướng dẫn. Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt nhận định, khung pháp lý mới sẽ giúp thị trường có sự minh bạch, tạo sự chủ động cho công ty bảo hiểm trong thiết kế sản phẩm, có các biện pháp chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người được bảo hiểm.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục