Bảo hiểm kỳ vọng năm 2025 sẽ tươi sáng hơn

(ĐTCK) Sau giai đoạn khó khăn đầu năm, thị trường bảo hiểm đã lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Dù mức tăng còn rất khiêm tốn, song phần nào cho thấy sự lạc quan dần quay lại với thị trường, mang đến kỳ vọng năm 2025 sẽ tươi sáng hơn.
Siêu bão Yagi tăng thêm phần “sóng gió” cho thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm qua

Theo thống kê của Bộ Tài chính, 11 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 204.109 tỷ đồng, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm trước; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.368 tỷ đồng, tăng 17,13%.

Có thể nói, năm 2024 là một năm đặc biệt đối với ngành bảo hiểm Việt Nam. Chưa kịp phục hồi sau khủng hoảng truyền thông thì cơn bão số 3 (Yagi) bất ngờ ập đến, khiến các doanh nghiệp ngành này khó chồng thêm khó.

Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 13/12/2024, trên cơ sở báo cáo của 31/31 doanh nghiệp phi nhân thọ và 19/19 doanh nghiệp nhân thọ, thiệt hại về người có 161 vụ, số tiền bảo hiểm ước tính là 25,7 tỷ đồng. Về tài sản và các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác là 14.614 vụ, ước tính thiệt hại 10.604,2 tỷ đồng. Số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường là 696,2 tỷ đồng.

Trong đó, các doanh nghiệp phi nhân thọ đã tiếp nhận 14.668 thông tin thiệt hại về bảo hiểm phi nhân thọ, sức khoẻ ước tính là 10.609 tỷ đồng do bão Yagi gây ra. Tính đến này, tổng số tiền các doanh nghiệp phi nhân thọ đã tạm ứng là 678,5 tỷ đồng.

Với khối bảo hiểm nhân thọ, tổng số vụ tử vong và thương tật thuộc phạm vi bảo hiểm là 107 vụ; số tiền bảo hiểm ước tính là 21,29 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng 17,7 tỷ đồng.

Tại lễ kỷ niệm 31 năm Ngày Thị trường bảo hiểm Việt Nam diễn ra cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, cơ quan quản lý bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), các doanh nghiệp bảo hiểm cần triển khai toàn diện, quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm như đã nêu tại Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 nói riêng, Chiến lược Tài chính đến năm 2030 nói chung.

Theo đó, để thị trường bảo hiểm phát triển an toàn và bền vững trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Tấn Cận đề nghị IAV chủ động nâng cao hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý thông qua việc tích cực, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm mời các tổ chức quốc tế, các chuyên gia có kinh nghiệm để tham gia ý kiến xây dựng chính sách bảo hiểm.

Thực tế, việc mời các tổ chức quốc tế, các chuyên gia có kinh nghiệm tham gia ý kiến xây dựng chính sách bảo hiểm từng được Báo Đầu tư Chứng khoán đề cập đến, nhưng chưa được thực hiện rốt ráo. Nhiều đơn vị kiểm toán lớn, công ty luật, đơn vị pháp lý từng giải quyết nhiều tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, cũng như nhiều chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm thực tế về bảo hiểm… cho biết, chưa được tham vấn ý kiến góp ý trong quá trình xây dựng các chính sách lớn về bảo hiểm.

Tương tự, rất hiếm khi các nhà báo viết chuyên sâu bảo hiểm được tham dự các buổi tập huấn sau khi ban hành các quy định, chính sách mới, mà chỉ có thành viên nội bộ giữa cơ quan chủ quản với các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia, trong khi đây thường là nội dung cần được truyền thông rộng rãi.

Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn - Đoàn luật sư Hà Nội, với một lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm và cần rộng đường dư luận như bảo hiểm, việc tham khảo ý kiến rộng rãi của các đơn vị, tổ chức chuyên môn, các chuyên gia hành nghề lâu năm là rất quan trọng.

“Khi xây dựng chính sách cho lĩnh vực ngân hàng, cơ quan chức năng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các tổ chức, doanh nghiệp, giới chuyên gia, người hành nghề... thông qua nhiều hình thức như hội nghị, hội thảo, trực tuyến... Tuy nhiên, lĩnh vực mảng bảo hiểm thì chúng tôi chưa thấy. Có thể cơ quan soạn thảo e ngại sự tham gia của những người hành nghề có chuyên môn thực tế, bởi càng nhiều ý kiến thì sẽ càng khiến họ mất thời gian phản biện cũng như bảo vệ quan điểm, nhưng điều đó lại rất cần thiết cho thị trường”, ông Sơn nói.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục