Bảo hiểm kéo giảm lợi nhuận ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái với cùng kỳ năm trước, doanh thu từ mảng bảo hiểm của nhiều ngân hàng giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, sau khủng hoảng niềm tin liên quan đến hoạt động này.
VietinBank, HDBank, ACB… kỳ vọng mảng bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng trưởng VietinBank, HDBank, ACB… kỳ vọng mảng bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng trưởng

Khi niềm tin suy giảm

Hậu quả từ cuộc khủng hoảng niềm tin trong ngành bảo hiểm có thể được nhìn thấy trong thu nhập từ bảo hiểm của một số ngân hàng nửa đầu năm 2023.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, MB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 23.490 tỷ đồng, tăng 2,7%, chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng 13,5%, đạt 19.708 tỷ đồng, bù đắp cho sự suy giảm của các lĩnh vực khác; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 12.735 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mảng đóng góp lớn thứ hai vào lợi nhuận của MB chỉ đứng sau tín dụng là dịch vụ lại giảm mạnh, với mức thu nhập lãi thuần 1.550 tỷ đồng, ít hơn 27,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm giảm 17%, tương đương giảm gần 850 tỷ đồng, trong khi chi phí hoa hồng giảm không đáng kể. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 26%, còn 695 tỷ đồng; lãi thuần hoạt động kinh doanh khác là 1.096 tỷ đồng, giảm 0,7%.

Tại SeABank, doanh thu từ bảo hiểm giảm hơn 80%, chỉ ghi nhận 46 tỷ đồng từ mảng bảo hiểm trong nửa đầu năm 2023. Tính riêng quý I, thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm của nhà băng này là hơn 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt gần 50 tỷ đồng.

Tương tự, Techcombank và TPBank ghi nhận mức giảm lần lượt 53% và 54,6% đối với doanh thu từ mảng bảo hiểm trong nửa đầu năm nay. Tính riêng quý I, thu phí dịch vụ kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn của TPBank ghi nhận hơn 116 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong các năm trước, hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) mang lại nguồn thu lớn cho không ít nhà băng. Chẳng hạn, MB ghi nhận hơn 10.000 tỷ đồng doanh thu từ bảo hiểm trong năm 2022, chiếm khoảng 72% tổng thu nhập mảng dịch vụ và dẫn đầu doanh thu về bảo hiểm trên toàn hệ thống ngân hàng, một phần nhờ MB có hai công ty con là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas. Cũng trong năm 2022, VPBank ghi nhận nguồn thu từ kinh doanh bảo hiểm 3.354 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021 và chiếm một phần ba tổng thu nhập dịch vụ.

Tuy nhiên, những lùm xùm liên quan đến bancassurance từ nửa cuối năm ngoái đã kéo giảm niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng, ngành bảo hiểm nói chung.

Trong số 29 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023, có 8 ngân hàng đưa ra thông tin chi tiết về khoản mục thu nhập từ hoạt động bảo hiểm nằm trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ và phần lớn trong số đó đều ghi nhận giảm. Theo đó, doanh thu từ bảo hiểm của 8 nhà băng là hơn 6.500 tỷ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ. Tỷ trọng thu từ bảo hiểm trên thu nhập từ dịch vụ giảm từ 39,7% xuống 29,9%.

Doanh thu bán bảo hiểm qua ngân hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến tổng doanh thu của ngành bảo hiểm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành trong quý II/2023 ước đạt 61.300 tỷ đồng, giảm 3,12% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 117.000 tỷ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 35.600 tỷ đồng, tăng 3,3% và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 81.400 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ. Chi trả quyền lợi bảo hiểm nửa đầu năm nay ước đạt 35.300 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ.

Ngân hàng vẫn kỳ vọng vào mảng bảo hiểm

Tổng doanh thu từ bảo hiểm của 8 ngân hàng công bố chi tiết khoản mục này trong 6 tháng đầu năm 2023 là hơn 6.500 tỷ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thu nhập từ bán chéo bảo hiểm (chiếm khoảng 30% thu nhập dịch vụ) của ngành ngân hàng bị ảnh hưởng do có các vụ việc lùm xùm trong hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng và các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra, trong khi thu nhập của người dân giảm sút vì kinh tế khó khăn. Trong 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu khai thác mới qua kênh bancassurance ghi nhận giảm 38% so với cùng kỳ. Lãi từ phí bảo hiểm cả năm nay được dự báo giảm 10 - 15% so với năm ngoái, mặc dù hợp đồng bancassurance của VIB được gia hạn trong quý II/2023 và không ít ngân hàng có thể tiếp tục ghi nhận một phần phí trả trước cho hợp đồng bancassurance độc quyền đã ký kết như Vietcombank, ACB, VietinBank, MSB, Sacombank, VPBank, LPBank. Theo đó, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2023 được VCBS dự báo sẽ giảm tốc, mức tăng trưởng có thể chỉ đạt khoảng 10%.

Một báo cáo của McKinsey & Company cho rằng, số hóa là yếu tố quyết định sự thành công của mô hình bancassurance trên toàn cầu. Vì vậy, các ngân hàng Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ để tăng tính chủ động cho khách hàng, tránh phụ thuộc vào các nhân viên tư vấn, vì có thể tiềm ẩn rủi ro do xung đột lợi ích.

Thực tế, nhiều ngân hàng vẫn kỳ vọng vào mảng kinh doanh bảo hiểm sẽ có đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận như VietinBank đặt mục tiêu doanh thu từ phí năm 2023 đạt 4.080 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2022, trong đó phí từ bán chéo bảo hiểm là 809 tỷ đồng, riêng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam tăng 51%.

Tại HDBank, năm 2023 được coi là năm bản lề chuyển đổi mạnh mẽ công cụ chuyển đổi số, tăng cơ sở khách hàng, khai thác các danh mục. Trong đó, mảng kinh doanh bảo hiểm được đầu tư bài bản, việc triển khai tư vấn cho khách hàng chưa có vụ việc đáng tiếc nào xảy ra, kỳ vọng Ngân hàng sẽ nằm trong Top 3 - 5 về bảo hiểm năm nay.

Hoạt động số hóa đã mang lại một số kết quả tích cực cho HDBank khi số lượng khách hàng sử dụng kênh số 6 tháng đầu năm 2023 tăng gần 70%; số lượng giao dịch trên các nền tảng số tăng 116%, giá trị giao dịch tăng 132% so với cùng kỳ năm trước. Với lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay đạt 5.484 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu đạt 22%, HDBank tiếp tục giữ vị thế ngân hàng thương mại hiệu quả hàng đầu hệ thống.

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho biết, Ngân hàng sẽ tận dụng cơ hội có nhiều khả năng phục hồi của thị trường bancassurance và trái phiếu, bất động sản trong giai đoạn cuối năm 2023, từ đó nâng cao hiệu quả về thu phí dịch vụ. Đối với hợp đồng cung cấp dịch vụ bancassurance độc quyền, HDBank vẫn đang triển khai công tác lựa chọn vòng cuối cùng những nhà tư vấn đầu tư về tài chính cho công tác mở thầu và lựa chọn đối tác độc quyền bancassurance.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Sacombank chia sẻ, sau hơn 5 năm hợp tác, Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam đã xây dựng thành công mô hình phân phối bảo hiểm chuyên nghiệp, chuẩn mực, mang đến cho khách hàng những sản phẩm bảo hiểm ưu việt, tiện ích. Sacombank đã ứng dụng công nghệ ngân hàng kết hợp với quyền lợi bảo hiểm để cho ra đời sản phẩm bảo hiểm online đầu tiên được triển khai thông qua ứng dụng Sacombank Pay.

Tổng giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner cho hay, mô hình phân phối bảo hiểm của Ngân hàng hướng tới nhu cầu của từng khách hàng, chú trọng vào khâu tư vấn để khách hàng phân biệt rõ sản phẩm bảo hiểm và tiết kiệm. Techcombank tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác với Manulife Việt Nam trong thời gian tới.

Với các thương vụ bắt tay giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng được công bố trong thời gian qua như ACB ký độc quyền với Sun Life, MSB hợp tác với Prudential, các nhà băng này kỳ vọng mảng kinh doanh bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, thương vụ ACB - Sun Life được cho là sẽ mang lại hàng trăm triệu USD cho ACB. Kế hoạch kinh doanh của ACB năm 2023 là đạt 20.058 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 17,2% so với năm 2022, trong đó có đóng góp đáng kể từ mảng dịch vụ, bao gồm cả phí từ mảng bảo hiểm.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục