Bảo hiểm đầu tư ra nước ngoài: Không chạy theo trào lưu

(ĐTCK-online) "Đầu tư ra nước ngoài không phải chạy theo trào lưu, mà đều được các DN bảo hiểm cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên chiến lược phát triển dài hạn của DN, nguồn vốn, nguồn nhân lực cũng như phân tích rõ những thế mạnh tại các thị trường dự kiến đầu tư", ông Cao Minh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm CVI chia sẻ với ĐTCK về những cơ hội đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bảo hiểm.
Ông Cao Minh Sơn Ông Cao Minh Sơn

Đã có những ý kiến e ngại, thậm chí là nghi ngờ về "trào lưu" đầu tư ra nước ngoài của các DN bảo hiểm phi nhân thọ, nhất là khi thị trường trong nước còn mênh mông chưa khai phá hết. Là người trong cuộc, ông nhận định thế nào về việc đầu tư ra nước ngoài này?

Với sự phát triển khá tốt của nền kinh tế, cộng với dân số đông, môi trường hấp dẫn cho các dự án đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các DN bảo hiểm trong và ngoài nước khai phá.

Tuy nhiên, do thực trạng chung là có quá nhiều DN hoạt động trên thị trường, trình độ nhận thức của người dân về bảo hiểm chưa cao, nên sự phát triển của các DN bảo hiểm tại Việt Nam còn rất hạn chế. Tình hình cạnh tranh giữa các DN là khá gay gắt, bao gồm cả các hình thức cạnh tranh phi kỹ thuật như hạ phí, hạ mức khấu trừ, mở rộng điều khoản điều kiện… Mở rộng đầu tư ra ngoài thị trường Việt Nam là một hướng đi mới và có thể coi là một xu hướng tất yếu của các DN bảo hiểm nhằm khai thác các thị trường mới nổi, có nhiều cơ hội, và đang rộng mở đối với các NĐT.

 

Ngoài các NĐT là DN bảo hiểm Việt Nam, thị trường bảo hiểm Campuchia có hấp dẫn các NĐT nước ngoài không, thưa ông?

Hiện nay, thị trường bảo hiểm Campuchia có 6 DN bảo hiểm và 1 DN tái bảo hiểm. Ngoài Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Campuchia và Công ty Bảo hiểm Quốc gia Campuchia (Caminco) có 100% vốn trong nước, các DN còn lại đều có vốn góp nước ngoài: CVI là công ty bảo hiểm có 80% vốn đầu tư từ Việt Nam; Asia Insurance (Cambodia) có vốn góp giữa các liên doanh bảo hiểm của Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia; Campubank Longpac là công ty của Malaysia; Forte có vốn góp của Singapore; Infinity Insurance là công ty liên doanh của một tập đoàn kinh tế trong nước và nước ngoài. Điều này chứng tỏ thị trường bảo hiểm Campuchia khá hấp dẫn các NĐT nước ngoài.

Bên cạnh lĩnh vực bảo hiểm hàng không và xe cơ giới, nhóm sản phẩm bảo hiểm tài sản kỹ thuật cũng sẽ là một lĩnh vực tiềm năng đối với các DN bảo hiểm khi gia nhập thị trường Campuchia.

 

Theo ông, khó khăn lớn nhất của các DN bảo hiểm Việt Nam khi thâm nhập thị trường này là gì?

Thứ nhất, về năng lực bảo hiểm, đa phần DN bảo hiểm hiện đang hoạt động tại Campuchia đều có vốn góp của các công ty bảo hiểm nước ngoài. Do đó, họ nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ công ty mẹ ở nước sở tại trong việc cung cấp năng lực bảo hiểm để chấp nhận các rủi ro tại thị trường Campuchia. Bên cạnh đó, các DN này cũng đã có thời gian hoạt động khá lâu tại Campuchia, nên hiểu rõ đặc thù rủi ro của thị trường, từ đó có được các điều kiện điều khoản phù hợp hơn.

Đối với các DN Việt Nam, năng lực bảo hiểm chủ yếu phụ thuộc vào các công ty tái bảo hiểm nước ngoài, đặc điểm thị trường mới nên rất khó để thu xếp được chương trình bảo hiểm/tái bảo hiểm đủ sức cạnh tranh với các DN cũ, đặc biệt là đối với những dự án lớn.

Thứ hai, về việc thiết lập hệ thống mạng lưới kinh doanh. Tại Việt Nam, 1 công ty bảo hiểm có thể có nhiều chi nhánh và có mạng lưới đại lý rộng khắp cả nước. Việc khai thác các dịch vụ bán lẻ như xe cơ giới, con người chủ yếu dựa vào mạng lưới này. Nhưng ở Campuchia, để được hoạt động với tư cách là đại lý bảo hiểm, cá nhân hoặc tổ chức phải được Bộ Kinh tế Tài chính nước này cấp giấy phép hoạt động, phải đăng ký mã số thuế và phải ký quỹ 10.000 USD tại Ngân hàng Trung ương Campuchia trong suốt thời gian hoạt động. Điều này sẽ hạn chế việc mở rộng mạng lưới đại lý của các công ty bảo hiểm, ảnh hưởng đến nguồn doanh thu từ hoạt động đại lý cho các DN bảo hiểm nói riêng và doanh thu của toàn thị trường bảo hiểm nói chung.

Thứ ba, sự khác biệt về ngôn ngữ và tập quán kinh doanh cũng là một khó khăn khá lớn cho các DN Việt Nam khi bắt đầu kinh doanh tại thị trường Campuchia. Sự khác biệt giữa hệ thống luật pháp và tập quán kinh doanh cũng yêu cầu các DN Việt Nam phải có sự nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như có sự linh hoạt trong hoạt động cho phù hợp với đặc thù của thị trường.

 

CVI được trợ giúp rất nhiều từ các mối quan hệ khách hàng của BIDV. Nếu không có sự trợ giúp này thì sao, thưa ông?

Không thể phủ nhận để có những bước đi bắt đầu vững chắc như ngày hôm nay của CVI là nhờ rất lớn vào sự hậu thuẫn của BIDV và sự hỗ trợ đắc lực về mặt nghiệp vụ bảo hiểm của BIC.

CVI đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các mối quan hệ của BIDV, đó là những thuận lợi giúp CVI có nền tảng và điểm tựa mạnh trong giai đoạn khởi đầu. Nhưng tôi cho rằng, để tồn tại và trụ vững trên thị trường, đặc biệt là khi cuộc cạnh tranh đang thực sự bắt đầu, thì điểm tựa tốt không phải là tất cả.

Những dự án của các NĐT Việt Nam vào thị trường Campuchia thông qua sự hỗ trợ của ngân hàng cũng mới chỉ ở giai đoạn đầu, chưa phát sinh doanh thu cho bảo hiểm. CVI đã phải tự vận động tìm kiếm những khách hàng lớn, có quan hệ với các cổ đông góp vốn khác như Hãng hàng không Quốc gia Campuchia, Công ty Cavifoods, Ngân hàng Canadian Bank… Các khách hàng này đã lựa chọn CVI và đang tiếp tục tín nhiệm CVI cho các hợp đồng bảo hiểm tiếp sau đó. Chúng tôi đang trưởng thành và tự cạnh tranh bằng chính năng lực và chất lượng dịch vụ bảo hiểm của mình.

Ngọc Lan thực hiện
Ngọc Lan thực hiện

Tin cùng chuyên mục