Bảo hiểm cháy nổ: Mất bò vẫn không lo…

(ĐTCK) Vụ cháy chợ Quảng Ngãi một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đối với công tác phòng cháy chữa cháy mà còn với cả việc triển khai bảo hiểm cháy nổ tại các chợ.
Vụ cháy chợ Quảng Ngãi vừa qua gây thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng Vụ cháy chợ Quảng Ngãi vừa qua gây thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm AAA cho biết, bảo hiểm cháy nổ là sản phẩm truyền thống và phổ thông ở bất kỳ đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ nào. Tuy nhiên, sản phẩm này trước kia hầu như không được các tổ chức và cá nhân chú ý tới, có lẽ do tâm lý chủ quan, rang không khi nào hỏa hoạn lại xảy ra với cơ quan, với tài sản của mình.

Chỉ sau khi Bộ Tài chính ban hành quy tắc và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo Quyết định số 28/2007/QĐ-BTC, sau đó được điều chỉnh, bổ sung tại Thông tư 220/2010/TT - BTC, quy định sản phẩm bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc áp dụng cho các DN, cơ quan, tổ chức, cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy nổ theo Phụ lục 1 – Nghị định 35/2003/NĐ-CP, trong đó có các chợ, thì tình hình mới được cải thiện phần nào.

Theo bà Liên, đối với các chợ có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn PCCC,  AAA vẫn triển khai bảo hiểm cháy, nổ cho nhà lồng chợ và tất cả các tiểu thương trong chợ trên địa bàn cả nước. Việc làm này được ban quản lý các chợ đồng thuận cao. Tuy nhiên, bà Liên cũng cho biết, việc thuyết phục tất cả các tiểu thương trong chợ mua bảo hiểm lại là việc làm rất khó. Vì các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ trong chợ hầu hết vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng về quyền lợi bảo hiểm khi có sự cố xảy ra.

“Tất nhiên cũng có một số tiểu thương ý thức rất cao trong việc mua bảo hiểm cháy nổ để phòng ngừa những tổn thất về tài chính. Nhưng ngay cả trong trường hợp này thì các công ty bảo hiểm cũng vẫn phải đối mặt với khó khăn, nhất là khi có sự cố bảo hiểm xảy ra. Phần lớn các mặt hàng của các tiểu thương trong chợ thường không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ rõ ràng khiến công ty bảo hiểm khó khăn trong việc tính toán giá trị tổn thất’, bà Liên chia sẻ.

Tương tự AAA, với Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, việc triển khai bán bảo hiểm cho chợ (nhà lồng, khung chợ, tài sản thuộc chợ quản lý...) diễn ra khá thuận lợi, dễ dàng vì có căn cứ là hóa đơn, chứng từ. Nhưng việc triển khai bảo hiểm cho từng sạp/tiểu thương ở trong chợ lại tương đối khó vì phải lập danh mục tài sản/hàng hóa, mà hàng hóa của các sạp ra vào liên tục... nên rất khó kiểm soát.

Trao đổi với ĐTCK, một chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng, việc khó triển khai bảo hiểm cháy chợ là “tại anh, tại ả”, tại cả hai bên bán và mua sản phẩm bảo hiểm này. Phía tiểu thương thờ ơ vì e ngại phát sinh chi phí hoặc do không nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm trong việc giảm thiểu rủi ro về tài sản của mình. Còn doanh nghiệp bảo hiểm lại không muốn bán cho đối tượng này vì rủi ro quá cao. Bởi trên thực tế, công tác an toàn phòng cháy chữa cháy ở hầu hết các cơ sở vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc theo Khoản 2, Điều 13 của Nghị định 130/2006/NĐ-CP. Các DN bảo hiểm hiện chỉ cung cấp được một số ít hợp đồng bảo hiểm cháy nổ cho khung chợ.

 “Các doanh nghiệp bảo hiểm “né” cung cấp dịch vụ bảo hiểm cháy nổ cho hàng hóa của các tiểu thương cũng là điều hợp lý vì đặc thù kinh doanh của các tiểu thương trong chợ là đầu vào đầu ra không rõ ràng, không có hóa đơn rõ ràng nên khi có rủi ro khó xác định giá trị để bồi thường, cũng như hoạt động kinh doanh quá nhiều rủi ro. Có thể nói, “lỗ hổng” trong công tác quan lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh tại các chợ đã dẫn đến nhiều hệ lụy như trên”, vị chuyên gia trên chia sẻ. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thừa nhận, với những bất cập trên đây thì với hầu hết các chợ, nơi chứa lượng hàng hóa, tài sản rất lớn và thường trực nguy cơ cháy nổ cao sẽ không được bảo hiểm.

Gia Linh
Gia Linh

Tin cùng chuyên mục