Tình trạng thiếu USD hồi đó không phải là vấn đề của riêng thị trường ngoại tệ mà bắt nguồn từ trạng thái cơ cấu của cả nền kinh tế. Bởi thế, Ngân hàng Nhà nước, với các công cụ cả hành chính lẫn kinh tế của mình, không đủ lực để có thể lay chuyển tình thế.
Nay thì khác, mặc dù kho dự trữ ngoại hối mà Ngân hàng Nhà nước quản lý không quá dư dả so với cách đây vài năm, nhưng nền kinh tế lại đang không cần nhiều đến USD như trước (xét tương đối). Bằng chứng là cán cân thương mại đã có xuất siêu và dù mới nhập siêu trở lại trong tháng trước, nhưng con số nhập siêu chẳng bõ bèn gì. Trong khi đó, các thành tố khác của cán cân thanh toán đều khá tích cực, đặc biệt là kiều hối - dự kiến cả năm 2013 sẽ đạt mức kỷ lục 11 tỷ USD.
Nếu không bắt nguồn từ nguyên nhân là trạng thái cơ cấu của nền kinh tế thì Ngân hàng Nhà nước giờ đây thừa sức để can thiệp có hiệu quả thị trường ngoại hối, mỗi khi nó có biểu hiện xê dịch khỏi định hướng của cơ quan này.
Với những biến động không xuất phát từ nguyên nhân mang tính cơ cấu, chẳng hạn như yếu tố tâm lý, Ngân hàng Nhà nước thậm chí chả cần động đến một đồng USD dự trữ nào, mà chỉ cần sử dụng “võ mồm” thôi, cũng có thể dập tắt ngay được.
Như thế có nghĩa, trong giai đoạn hiện nay, nếu đồng USD có tăng giá đến cả tuần đi nữa, thì đó cũng chỉ là hiện tượng ấm nhẹ của thị trường, chứ nhất định không phải là “sốt”. Sang tuần, giá ắt sẽ giảm trở lại. Diễn biến thị trường ngoại tệ tuần qua là một ví dụ.
Giá USD trên thị trường tự do và thị trường ngân hàng đã thay nhau tăng liên tục, nhưng rồi lại nối bước nhau giảm trở lại, đặc biệt sau khi có sự xuất hiện của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, với chỉ vài câu nói.
Từ giờ đến Tết, theo chu kỳ kinh tế, nhu cầu USD để nhập khẩu hàng tiêu dùng chắc chắn sẽ tăng lên, và với độ trễ nhất định, nhu cầu đó sẽ dồn tỷ giá tăng theo. Đó cũng là tín hiệu để Ngân hàng Nhà nước biết được điều gì đang xảy ra trên thị trường và trong trường hợp tỷ giá không tự điều chỉnh thì cơ quan này sẽ tiến hành can thiệp theo cách của mình, mà chắc chắn sẽ thành công.
Nói vậy không phải là thị trường ngoại tệ không còn quan ngại. Điều mà ai cũng mong đợi lúc này là kinh tế phục hồi, nhưng chính khi đó, các cơn sốt tỷ giá có thể sẽ xuất hiện trở lại.
Quan ngại là bởi, nền kinh tế hầu như vẫn chưa thực sự vặn mình để có một tư thế vững chắc hơn, nhằm đón đợi sự phục hồi của kinh tế thế giới. Một nền kinh tế còn khuyết thiếu hẳn một ngành công nghiệp phụ trợ thì khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại, chắc chắn sẽ không tránh khỏi bị thâm hụt cán cân thương mại - căn nguyên của các “cơn sốt” tỷ giá.