Liên tiếp đạt các kỷ lục mới...
Hôm 23/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó thủ tướng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 12 bàn thảo về tình hình kinh tế-xã hội, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Số liệu do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đưa ra trong phiên họp cho thấy, các chỉ tiêu quan trọng của năm 2007 đã đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu mà Quốc hội giao.
GPD năm nay ước tăng tới 8,44%, cao nhất trong 10 năm qua. Xuất khẩu cả năm đạt tới 48,3 tỷ USD, vượt 3,4% kế hoạch năm, nâng mức xuất khẩu bình quân mỗi tháng đạt trên 4 tỷ USD. Đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Cũng trong năm 2007, Mỹ đã vượt qua EU về thị trường xuất khẩu của Việt Nam . Hiện thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 22%, trong khi EU chỉ chiếm 19% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam .
Vốn ODA mà các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp tục đạt kỷ lục mới với 5,4 tỷ USD. Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có bước nhảy vọt, từ 12 tỷ USD năm 2006 đã lên 20,3 tỷ USD trong năm 2007, tăng gần 70% so với năm trước. Trong đó, vốn cấp phép mới đạt 17,65 tỷ USD, tăng 94%! Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của khối dân doanh cũng đạt 160.000 tỷ đồng, vượt 6,7% kế hoạch năm.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, giải quyết việc làm cũng vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. Trên cả nước cả năm đã có 1,682 triệu lượt người được giải quyết việc làm, vượt 5,1% so với kế hoạch năm 2007. Xuất khẩu lao động đạt 82.5000 người, vượt 3,1% kế hoạch năm. Ngành du lịch tuy không đạt mức tăng kỷ lục như những lĩnh vực khác nhưng cũng đã thu hút được 4,171 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,4% so với năm 2006.
Còn khách nội địa năm nay đạt 18,5 lượt triệu người. Theo đó, ngành du lịch, dịch vụ đã đóng góp trên 31% vào GDP năm nay, gần bằng với ngành công nghiệp-xây dựng. Trong khi đó, bưu chính-viễn thông đạt mức tăng kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, khi trong năm đã phát triển mới được 18,5 triệu thuê bao, tăng gần 60% so với cùng kỳ, nâng tổng số máy điện thoại trong cả nước lên hơn 46 triệu máy.
...Nhưng nhiều người dân vẫn gặp khó khăn
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu như vậy, nhưng hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ phải nghiêm túc đánh giá, chỉ ra nguyên nhân tại sao chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay tăng quá cao, nhằm đưa ra biện pháp hữu hiệu kiềm chế tăng giá trong năm tới.
Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, CPI trong tháng 12 tăng 2,91%, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm tăng cao. Cụ thể, giá thực phẩm đã tăng 4,69%. Do ảnh hưởng của đợt tăng giá xăng hồi tháng 11, CPI của nhóm phương tiện đi lại và bưu điện đã tăng 4,38%. Với diễn biến ấy, so với tháng 12/2006, CPI 12 tháng qua đã tăng tới 12,63%, tăng cao nhất trong 10 năm gần đây!
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cùng nhiều thành viên Chính phủ khác cùng có chung nhận định, biến động của thị trường thế giới là nguyên nhân khách quan làm CPI tăng cao như vậy. Nghĩa là, cơn “bão giá” đi qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kể cả nhập siêu. Chính vì vậy, năm nay, nền kinh tế đã có thêm một “kỷ lục buồn”: nhập siêu lên tới 12,4 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2006.
Đời sống của nhân dân, nhất là người dân ở những vùng vừa trải qua thiên tai, dịch bệnh và đồng bào miền núi đang chịu tác động mạnh nhất của cơn “bão giá”. So với đầu năm 2007, hiện giá gạo tẻ đã tăng bình quân từ 950 đến 1.400 đồng/kg; giá heo hơi đã tăng 11.000 - 18.500 đồng/kg; và giá phân urê cũng tăng 1.100 - 1.600 đồng/kg. Chính vì vậy, dù GDP bình quân năm nay tăng cao, đạt mức 833 USD/người/năm nhưng khoảng cách giàu nghèo đã không được thu hẹp mà còn giãn lớn hơn.
Không thể phủ nhận năm qua, dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, góp phần tích cực kiềm chế tăng giá nhưng do công tác đánh giá, dự báo của một số bộ, ngành chưa thật tốt, nên đã khiến CPI tăng quá cao. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, trong tháng 1/2008, do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán cao, nên giá nhiều mặt hàng sẽ còn tăng, dự báo CPI trong tháng 1 có thể tăng đến 1,8%. Vì vậy, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để kiềm chế tăng giá.
Một số chỉ tiêu KT-XH chủ yếu của năm 2007
GDP ước tăng 8,44% so với mức tăng 8,17% trong năm 2006.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp 17,1% so với 17% trong năm 2006.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp 4,65 so với 4,4% trong năm 2006.
Nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm 25,7%.
Thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội đạt 462,2 ngàn tỷ đồng.
GDP bình quân đạt 833 USD/người/năm so với 720 USD/người/năm trong năm 2006.
Tỷ lệ hộ nghèo còn 14,87% so với 19% của năm 2006…