“4 không…”
Sau thương vụ hợp nhất đầu tiên trong khối CTCK giữa CTCK VIT và CTCK MB, số lượng CTCK hiện còn 104 đơn vị. Tiếng là hơn một trăm CTCK được cấp phép hoạt động, nhưng đang có một hiện tượng đáng chú ý, số lượng CTCK tồn tại theo đúng nghĩa hiện dễ đếm hơn là lượng công ty đã “chết lâm sàng”.
Trong số 100 CTCK, hiện có khoảng 25 trường hợp đang trong diện xóa tên, hoặc công khai không cung cấp dịch vụ theo đúng nghề cốt lõi. Trong đó, ngoài 3 CTCK đang hoàn tất thủ tục tự nguyện giải thể, hiện có 13 CTCK đang bị kiểm soát đặc biệt (mới nhất là CTCK Artex) và kiểm soát, trong đó 3 CTCK đang hoàn tất thủ tục rút giấy phép; 11 CTCK đã tự nguyện rút nghiệp vụ môi giới và rút tư cách thành viên của hai Sở GDCK…
Toàn thị trường chỉ có tối đa 40 CTCK hoạt động có hiệu quả, để lại dấu ấn thực sự. Kết quả kinh doanh của các CTCK yếu còn lại tính đến hết quý III/2013 cho thấy, họ đang rơi vào tình trạng gần như “4 không”: không còn tiền, không doanh thu, không lợi nhuận (xem bảng thống kê), không bảo toàn được vốn.
Là một trong những CTCK gần như không phát sinh doanh thu, trong quý III/2013, CTCK Mê Kông (MSC) chỉ đạt hơn 46 triệu đồng doanh thu; lỗ 851 triệu đồng, lũy kế 9 tháng lỗ 1,3 tỷ đồng. Với mức lỗ này, MSC đã “ăn” vào vốn đầu tư của chủ sở hữu hơn 45,1 tỷ đồng, nên hiện vốn còn 56,1 tỷ đồng...
Một trường hợp khác bi bét không kém là CTCK Hoàng Gia (ROSE), khi quý III/2013, chỉ đạt hơn 48 triệu đồng doanh thu, lỗ 427 triệu đồng. Quý III/2013, với giá trị tiền mặt chỉ còn hơn 300 triệu đồng, giảm mạnh so với hơn 3,3 tỷ đồng đầu năm nay, cửa kiếm tiền của ROSE đang dần bị thu hẹp. Đáng ngại hơn, khi giải thích một trong những lý do khiến ROSE lỗ nhiều hơn trong quý III/2013 so với cùng kỳ năm ngoái, đại diện ROSE tiết lộ, tài khoản của các NĐT tại Công ty đang chạy sang các CTCK khác…
Khó… sống?
Không chỉ kết quả kinh doanh hiện tại bết bát, cửa “sống” của các CTCK thuộc diện ốm yếu đang ngày một hẹp hơn. Lý do là bởi các trường hợp này thua lỗ triền miên, dẫn đến khả năng mất vốn ngày càng lớn, thậm chí nhiều trường hợp hợp gần ăn cụt vốn đầu tư của chủ sở hữu như các CTCK: Vina, Tầm Nhìn, Thủ Đô… Thế nhưng, đến thời điểm này, ông chủ của các CTCK trên vẫn chưa công khai ý định bơm thêm vốn, nên khả năng hồi sinh ngày càng thêm mờ mịt.
Đáng chú ý, nhiều CTCK hiện gần cạn tiền mặt, khi khoản tiền và tương đương tiền quá ít ỏi so với khoản nợ ngắn hạn phải trả như: Á Âu, Toàn Cầu, Viễn Đông… Điều này khiến “sức khỏe” của các CTCK đối mặt với nguy cơ cao là mất thanh khoản, mất an toàn tài chính… Trong bối cảnh TTCK tiếp tục diễn biến bất lợi, cuộc cạnh tranh giữa các CTCK ngày một gay gắt, với tình trạng ốm yếu như hiện tại, cửa sống cho các CTCK “rỗng ruột” đang ngày một hẹp thêm.
Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán nhìn nhận, sức khỏe tài chính của các CTCK có thể còn xấu hơn những gì thể hiện trên báo cáo tài chính. Do đó, đây là điều nhà đầu tư cần lưu ý trong quá trình giao dịch với các CTCK này, để giảm thiểu rủi ro phát sinh. Việc các CTCK ốm yếu sớm bị đào thải, sẽ góp phần giúp khối CTCK, cũng như TTCK phát triển lành mạnh hơn. Trước hiện trạng “chết lâm sàng” của nhiều CTCK, chuyện xóa tên CTCK bằng hình thức tự nguyện giải thể, hoặc thu hồi giấy phép hoạt động cần được làm quyết liệt hơn.
>> Lộ diện “cái chết riêng” cho CTCK
>> Công ty chứng khoán cần được tiếp sức
>> Trí Việt và Artex bị xử phạt hành chính
>> Hàng loạt công ty chứng khoán “bốc hơi” khỏi thị trường
>> Công ty chứng khoán nào đóng thuế lớn nhất?
Số lượng CTCK tồn tại theo đúng nghĩa hiện dễ đếm hơn là lượng công ty đã “chết lâm sàng” (Ảnh minh họa)