
Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 đã đưa ra nhiều quy định về việc huỷ niêm yết đối với những công ty đại chúng không đáp được yêu cầu giao dịch. Mỗi năm, thị trường cũng chứng kiến loạt cổ phiếu phải ngậm ngùi rời sàn HOSE và HNX sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán. Năm nay không ngoại lệ, nhiều cổ phiếu đã vào danh sách “báo động đỏ” có khả năng rời sàn.
Trong đó, đa phần các doanh nghiệp có khả năng bị hủy niêm yết xuất phát từ kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp; tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp…
Vừa qua, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC - sàn HOSE) đã công bố BCTC riêng và hợp nhất quý IV/2024, đồng thời ghi nhận lợi nhuận sau thuế tại 2 báo cáo này cho năm 2024 tiếp tục thua lỗ, lần lượt là âm 223,82 tỷ đồng và âm 286,71 tỷ đồng.
Hiện cổ phiếu SMC đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022, 2023 là số âm. Vậy nên, HOSE đã lưu ý về cổ phiếu SMC có khả năng bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu BCTC kiểm toán năm 2024 có kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ.
SMC từng thông tin, thị trường thép vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức khi giá thép liên tục suy giảm. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn ở mức thấp do ngành bất động sản chưa thực sự ổn định và hồi phục, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và doanh thu của Công ty.
Một trường hợp khác, CTCP Viglacera Đông Triều (mã DTC - sàn HNX) cũng nhận được thông báo của HNX về việc cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết do thua lỗ trong 3 năm liên tục. Cụ thể, theo BCTC kiểm toán 2024, DTC lỗ gần 37 tỷ đồng. Trước đó, Công ty lỗ lần lượt gần 8 tỷ đồng và 44 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023. Như vậy, tính đến cuối năm 2024, DTC lỗ luỹ kế gần 88 tỷ đồng.
DTC giải trình, năm 2024, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn hàng hóa bán ra chậm, doanh thu bán hàng thấp, giá cả vật tư đầu vào vẫn tăng như than, dầu… Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiết giảm tối đa chi phí, hạ giá thành sản phẩm so với năm 2023, nhưng lợi nhuận vẫn giảm.
Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán đánh giá, những sự kiện trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Tuy nhiên, BCTC năm 2024 vẫn được trình bày dựa trên cơ sở giả định hoạt động liên tục vì DTC thuộc hệ thống Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã VGC) nên vẫn duy trì được sự hỗ trợ về tài chính, nguồn lực, công nghệ từ Tổng công ty và các bên liên quan. Ngoài ra, DTC cho biết, Công ty đã hoàn thành việc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ nguyên liệu Tràng An và sẵn sàng tiếp tục khai thác để sản xuất nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng như bán cho các khách hàng khác.
Cổ phiếu CTCP Bất động sản Điện lực Miền Trung (mã LEC - sàn HOSE) cũng có nguy cơ rời sàn nếu BCTC kiểm toán hợp nhất 2024 tiếp tục thua lỗ. Theo BCTC hợp nhất quý IV/2024, Công ty lỗ ròng gần 40 tỷ đồng trong năm 2024, đồng thời lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2024 là hơn 7 tỷ đồng.
HOSE nhấn mạnh thêm, hiện tại, cổ phiếu LEC đang trong diện đình chỉ giao dịch do LEC tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Cổ phiếu LEC cũng bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán trong năm 2022 và năm 2023 là số âm..., và nhiều vi phạm khác.
Ngày 22/1/2025, HOSE đã nhận được báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM - sàn HOSE) với lợi nhuận sau thuế lũy kế của cổ đông công ty mẹ là âm 251,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 417,3 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 182 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là âm 235,3 tỷ đồng trên báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024.
Do đó, HOSE lưu ý về việc cổ phiếu AGM của Angimex có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024 có kết quả kinh doanh bị thua lỗ hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm.
Đối với trường hợp của Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam (mã VNE), HOSE lưu ý về việc VNE có khả năng bị huỷ niêm yết nếu Công ty tiếp tục chậm nộp BCTC năm 2024 đã được kiểm toán, sau khi năm 2022 và 2023 Công ty liên tiếp vi phạm lỗi này.
Theo BCTC quý IV/2024, VNE ghi nhận 225,3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế xấp xỉ 126 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ lỗ hơn 29 tỷ đồng), nguyên nhân do lợi nhuận gộp trong kỳ không bù đắp được các chi phí. Tính chung cả năm 2024, VNE đạt 701 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 34% và lỗ ròng gần 230 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 29 tỷ đồng).
UBCKNN khẳng định, chỉ có những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, tuân thủ quy định pháp luật mới có thể niêm yết chứng khoán lâu dài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các cổ phiếu bị hủy niêm yết ở sàn HOSE, HNX nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng sẽ được chuyển qua giao dịch trên UPCoM.
Tuy nhiên, việc cổ phiếu bị chuyển qua giao dịch trên UPCoM sẽ đồng nghĩa với thanh khoản kém hơn, biên độ dao động giá rộng hơn (+/-15%), và mức độ rủi ro cao hơn, do tiêu chuẩn quản trị thấp hơn so với HOSE và HNX. Cổ phiếu giao dịch ở UPCoM cũng sẽ không đủ điều kiện để giao dịch ký quỹ.
Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (UBCKNN) từng khuyến cáo, để tránh được những rủi ro thất thoát vốn đầu tư khi cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, nhà đầu tư cần nắm rõ những quy định liên quan tới việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu, và lưu ý 3 vấn đề lớn.
Thứ nhất, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức, hiểu biết về thị trường chứng khoán, nền tảng tài chính, uy tín và triển vọng của doanh nghiệp niêm yết.
Thứ hai, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết, cần xem xét khả năng tuân thủ quy định pháp luật nói chung, quy định pháp luật chứng khoán nói riêng của doanh nghiệp đó, đồng thời cũng cần xem xét sự tuân thủ pháp luật của những người điều hành doanh nghiệp (Hội đồng quản trị, Ban giám đốc…), đánh giá uy tín và khả năng quản trị công ty của doanh nghiệp.
Thứ ba, nhà đầu tư cũng cần chú ý liên tục cập nhật mọi thông tin về cổ phiếu, BCTC của doanh nghiệp, từ đó có thể nhanh chóng nắm bắt, đánh giá chất lượng cổ phiếu và ra quyết định đầu tư một cách chính xác hơn.