Là phóng viên “báo nhà”, hẳn nhiên chuyện tiếp xúc và phỏng vấn Bộ trưởng “nhà mình” cũng có chút ưu ái hơn. Nhưng thực ra, với giới truyền thông, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là người cởi mở và chân thành. Ông còn được giới báo chí mệnh danh là “Bộ trưởng của sự minh bạch”, sau những chia sẻ rất thẳng thắn về sự minh bạch của nền kinh tế, về sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, cải cách và cần phải có Luật Đầu tư công, dự luật mà sau 7 năm chuẩn bị cuối cùng đã được thông qua tại kỳ họp Quốc hội mới đây.
“Đất nước này cần sự minh bạch”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã luôn khẳng định như thế. Và những phát biểu của ông trên các diễn đàn cả trong và ngoài nước đã nhận được sự ủng hộ rất cao của dư luận.
Về Bộ KH&ĐT trên cương vị Thứ trưởng từ tháng 3/2010 khi đang làm Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, tháng 8/2011, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chính thức kế nhiệm Bộ trưởng tiền nhiệm Võ Hồng Phúc. Đó là thời điểm nền kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn.
Còn nhớ, trung tuần tháng 3/2012, khi tham gia Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã cười khi nghe câu hỏi rằng, từng làm lãnh đạo của một tỉnh vùng xa, nay lại về làm lãnh đạo của một bộ lớn, thì có trở ngại nào không. Chân tình, ông trả lời, đúng là nghe tin ông làm Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, nhiều người băn khoăn, và sự băn khoăn đó là hoàn toàn tự nhiên.
“Nhưng nhiệm vụ của Bộ từ khi tôi nhậm chức, không những hoàn thành, mà còn đổi mới rất nhiều”, ông nói thế và chia sẻ rằng, kiến thức và tài năng của con người không phụ thuộc vào nơi ở, nơi sinh, nơi công tác, mà phụ thuộc vào quá trình học hỏi, tích lũy và tố chất của mỗi con người.
“Lào Cai là môi trường biên ải khó khăn nhưng là nơi rèn luyện rất tốt, thử thách, kiểm chứng. Những năm tháng sống ở đó bây giờ trở thành kiến thức, kinh nghiệm và giúp tôi có bản lĩnh tốt. Tôi nghĩ đây cũng là một lợi thế của tôi”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cười.
Và đúng là như vậy, sau này, trong câu chuyện với các địa phương về việc đổi mới công tác quản lý đầu tư công, xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn.., ông luôn nhắc đi nhắc lại việc “tôi đi từ địa phương lên, nên hiểu rất rõ”. Ông hiểu cả chuyện xin - cho, chuyện tư duy nhiệm kỳ… để từ đó xây dựng chính sách. Thế nên, chuyện tái cơ cấu đầu tư công, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của ông, đã có những kết quả tích cực. Chưa như kỳ vọng, nhưng nói về tư duy đổi mới trong quản lý đầu tư công..., giờ Bộ trưởng đã có thể cười nhẹ nhõm.
Trò chuyện với Bộ trưởng, ông luôn nhắc, đấy là những vấn đề sát sườn với nền kinh tế. Báo Đầu tư, cơ quan ngôn luận của Bộ, phải “theo” để phản ánh chân thực, chính xác, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Và không chỉ là chuyện tái cơ cấu đầu tư công, chuyện ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài…, những lĩnh vực thuộc Bộ KH&ĐT quản lý, ông cũng bảo: “Đấy là đề tài nóng cho Báo Đầu tư”.
Gần đây, đúng hơn là hơn một năm gần đây, ông nói nhiều đến việc cải cách thể chế kinh tế. Vì chỉ có cải cách thể chế, thì mới tạo được đột phá, tạo xung lực mới cho sự phát triển của đất nước. Nói cải cách thế chế là nói rộng, còn hiểu một cách đơn giản, thì đó là phải hoàn chỉnh khung khổ pháp lý về đầu tư - kinh doanh theo tinh thần Hiến pháp 2013, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước… Trên cơ sở đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh để khơi dậy sức mạnh của cộng đồng doanh nhân. Sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… cũng là cách, mà theo ông, để cải cách thể chế kinh tế.
“Đối tượng bạn đọc của Báo Đầu tư chính là cộng đồng doanh nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Vậy thì đó chính là những đề tài mà Báo Đầu tư phải kịp thời phản ánh”, Bộ trưởng chân tình.
Cuối năm 2013, Ban biên tập và toàn thể cán bộ, phóng viên Báo Đầu tư đã vô cùng bất ngờ và cảm động khi được đón Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đến làm việc. Nói là làm việc, nhưng thực tế, là những chia sẻ vô cùng gần gũi và chân tình về những việc mà Bộ KH&ĐT đã và đang làm, toàn những nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, môi trường đầu tư - kinh doanh đang giảm dần sức cạnh tranh… Và đó là nguồn đề tài phong phú cho Báo Đầu tư.
Hiểu khó khăn của báo chí trong bối cảnh khó khăn chung, Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của Báo Đầu tư trong suốt thời gian qua, nhưng cũng không quên nhắn nhủ “phải nỗ lực hơn nữa”. “Tôi sẽ hỗ trợ hết mức, sẽ chỉ đạo tất cả các cục, vụ, viện trong Bộ tạo điều kiện cung cấp thông tin cho Báo Đầu tư. Vụ nào không hợp tác, cứ báo với tôi. Nếu Báo Đầu tư cần phỏng vấn, cứ sang chỗ tôi bất cứ lúc nào cần”, Bộ trưởng nói trong tiếng vỗ tay ran ran của cán bộ, phóng viên Báo Đầu tư.
Vẫn biết, Bộ trưởng trăm công ngàn việc nên không thể lúc nào cũng có thể trả lời phỏng vấn; vẫn biết, thông tin từ Bộ, dù rất nhiều, nhưng không thiếu những thông tin nhạy cảm và không dễ đưa lên mặt báo, nhưng nghe Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói vậy, cán bộ, phóng viên Báo Đầu tư, ai cũng cảm động. Bởi đó là sự hỗ trợ quý báu nhất mà Bộ trưởng đã dành cho Báo Đầu tư. Với báo chí, không gì quý hơn thông tin.
Và với tôi, một phóng viên được giao theo dõi các hoạt động của Bộ KH&ĐT, thì càng trân quý hơn bao giờ hết tấm lòng của Bộ trưởng. Mỗi khi nghe điện thoại từ bên Bộ nhắc, giờ này, ngày kia sang phỏng vấn Bộ trưởng nhé, lại nhớ đến nụ cười hồn hậu và chân tình của ông.
Vì thế, nhân kỷ niệm 23 năm thành lập Báo Đầu tư, thay vì nghe lời chúc mừng của ông, chúng tôi lại muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới ông - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh.