Thời gian qua mau kể từ khi suy thoái kinh tế làm suy giảm lòng tin của chúng ta khoảng một năm trước đây, chúng ta đã học được rất nhiều từ đó và tình hình kinh tế đã biến động qua nhiều trạng thái, nhiều người tin rằng, sự tồi tệ đã ở lại đằng sau. Tuy nhiên, tại thời điểm này và kể cả những tháng tiếp theo, vẫn còn nhiều điều ẩn dấu mà chúng ta chưa biết hết.
Mọi người đều quan tâm đến sự phát triển của nền kinh tế. Trước hết là các doanh nhân đang phải chèo lái công ty trong nền kinh tế toàn cầu đầy năng động, tiếp theo là người tiêu dùng, họ định hướng cho sự phát triển (hay làm giảm) của nhu cầu. Tất cả mọi người đều đang nóng lòng chờ đợi sự phục hồi của nền kinh tế.
Do mức độ tiêu dùng hiện nay giảm khá nhiều, nên chúng ta sẽ thảo luận về cách thức mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ thực hiện để duy trì sự tồn tại và cạnh tranh của doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Đây là bài báo đầu tiên trong loạt bài: (1) Bảo đảm cho hiện tại của bạn; (2) Bảo vệ tài sản của bạn; (3) Duy trì bền vững tương lai của bạn. Các bài báo này nhằm chia sẻ những kinh nghiệm mà Ernst & Young đã tổng hợp trong quá trình biên soạn những nghiên cứu của Tạp chí Thought Leadership gần đây có tên “Cơ hội trong bối cảnh khó khăn” và hy vọng rằng, lãnh đạo các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể vận dụng phù hợp vào hoạt động kinh doanh của mình. Đã có hơn 500 lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ quan điểm về vị thế của họ trong tình hình biến động như hiện nay và họ đã hành động như thế nào để vượt qua hoàn cảnh riêng.
Tom Herron hiện là Giám đốc dịch vụ tư vấn giao dịch tài chính của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Ông là chuyên viên thẩm định giá với 6 năm kinh nghiệm công tác tại Việt Nam. Ông am hiểu lĩnh vực thẩm định tài chính và hợp nhất - sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam qua việc hỗ trợ khách hàng trong nước và quốc tế. |
Việc bảo đảm cho hiện tại của bạn trong khi doanh nghiệp đang cạn kiệt về tiền và trên bờ vực của sự phá sản là tình huống mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không muốn. Nhưng trong những tháng gần đây, nhiều chủ doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn này. Một số câu hỏi quan trọng cần phải được trả lời, đó là:
-
Làm thế nào để thay đổi tình thế này trong nhiều quý vừa qua?
-
Nếu doanh nghiệp của bạn có quy mô hoạt động trong phạm vi quốc gia hay khu vực thì có sự khác biệt gì về thị trường?
-
Bạn muốn phát triển tới đâu trong vòng 6 tháng tới, 1 năm hay 1 năm rưỡi sắp tới?
Việc kiểm tra công việc kinh doanh sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi trên và bắt đầu xây dựng chiến lược về hành động cần thiết trong tình huống này. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, gần 3/4 ý kiến trả lời rằng, việc đảm bảo sự sống sót của doanh nghiệp hiện tại là hoạt động quan trọng nhất trong tổ chức của họ. Kết quả này thu được trong tháng 1/2009. Khi cuộc khảo sát được thực hiện lại vào tháng 6/2009, tỷ lệ trả lời như trên giảm xuống chỉ còn 65%. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tự đánh giá và lập kế hoạch của doanh nghiệp. Để đảm bảo hoạt động hiện tại, các công ty tham gia vào cuộc khảo sát của chúng tôi chia sẻ rằng, hai vấn đề khẩn cấp là tiền và tín dụng. May mắn là những vẫn đề này đã không quá gay go tại Việt Nam do chính sách vĩ mô được điều chỉnh kịp thời, nhưng các vấn đề này đã được nhận thức một cách rộng rãi.
“Tiền mặt là vua” một thời gian dài là phương châm chính trong đầu tư và xác định giá trị. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi thì tiền đóng vai trò to lớn. Khoảng 80% ý kiến trả lời rằng, tiền là một vấn đề quan trọng trong công việc kinh doanh của họ, dưới 20% cảm thấy họ có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các khoản tín dụng hợp lý trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2009.
Để đối phó với tình hình, các công ty đã thực hiện những bước sau đây để duy trì tính thanh khoản và tăng cường khả năng tiền mặt:
-
Xem xét các nguồn lực thay thế để thanh khoản (ví dụ: thanh lý tài sản, tạm ngừng hoạt động kinh doanh và bán các phần kinh doanh không chủ chốt).
-
Chủ động liên hệ với các tổ chức cho vay, nhà phân tích và tổ chức xếp hạng.
-
Lên danh sách các điều khoản ràng buộc tín dụng và kiểm soát việc tuân thủ.
-
Có được tín dụng ngắn hạn.
-
Đàm phán lại các ràng buộc tín dụng.
Các bước thực hiện trên nhằm xây dựng quỹ tiền mặt, tăng cường niềm tin và sự minh bạch, giảm thiểu thất thoát về tiền có thể tránh được. Nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế đã được Chính phủ Việt Nam thực thi, tác động của những chính sách này trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm ra các vấn đề liên quan đến tính thanh khoản vẫn đang được thảo luận.
Hơn nữa, theo kết quả khảo sát của chúng tôi, trong khi các công ty đang thực thi các chính sách nêu trên, không thấy có tài liệu được công bố rộng rãi nào cho thấy liệu các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện các bước trên hay chưa và ở mức độ nào.
Thật thú vị khi xem sự kết hợp giữa quy định và kết quả của doanh nghiệp sau một thời gian thực thi các chính sách và các hoạt động của doanh nghiệp. Sự hiện hữu của các chính sách nhà nước và hoạt động tương ứng của doanh nghiệp là sự bổ sung cho nhau và cả hai cần phải có hiệu lực.
Các ý kiến nhận được cho biết thêm, trong khi công ty cố gắng duy trì tính thanh khoản thì những nỗ lực dưới đây cũng có thể tạo thêm tiền:
-
Soát xét từ trên xuống dưới việc quản lý hiện tại về tiền và các dòng tiền.
-
3/4 công ty được hỏi có và đang thực hiện hết sức chủ động.
-
Xem xét sự chuyển đổi từ tài sản thành tiền.
-
Lập kế hoạch khẩn cấp cho việc bổ sung tiền.
-
Đồng thuận về phương pháp đầu tư các khoản tiền thặng dư.
Môi trường hoạt động đầy thách thức đòi hỏi phải chuyển sang một nền văn hóa tiền mặt. Các ý kiến phản hồi cho thấy những thay đổi chủ chốt sau trong hoạt động:
-
Phân tán nguồn tiền và trách nhiệm về tiền mặt, tăng cường nhận thức về tiền thông qua các chính sách và thủ tục nội bộ.
-
Phân tích cơ hội và mối đe dọa liên quan đến thuế và kế toán.
-
Dưới 1/4 ý kiến được hỏi có thực hiện các hoạt động trên.
-
Soát xét các giả định về sự sẵn có của tiền, quỹ hưu trí, thanh toán nghĩa vụ thuế.
-
Tăng cường việc quản lý tổn thất về khách hàng và nhà cung cấp do bị phá sản.
-
Áp lực mất khách hàng đã giảm bớt trong khi có nhiều nhà cung cấp phá sản hơn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2009
-
Tiếp tục ưu tiên và tập trung vào các khách hàng chủ chốt, cắt giảm những hợp đồng có rủi ro cao và đảm bảo các hợp đồng dài hạn với những đối tác đã thiết lập được quan hệ.
Các kết quả trên có được từ những khảo sát ở nước ngoài, tuy nhiên các vấn đề liên quan thì không khác biệt so với điều kiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Sự khắc nghiệt và sai lệch về thời gian có thể khác nhau, nhưng tất cả chúng đều đang tác động đến quá trình ra quyết định quản trị của nhiều công ty tại Việt Nam. Các ngân hàng, nhà đầu tư, người lao động và đối tác đều đang cảm thấy căng thẳng vì thị trường bất ổn và ngần ngại đưa ra hành động. Nhưng việc án binh bất động không phải là giải pháp tốt nhất, đặc biệt là khi doanh nghiệp của bạn đang trong tình trạng khủng hoảng và cần phải có hành động khẩn cấp để đảm bảo được tương lai của bạn. Các câu hỏi trên và ý kiến chia sẻ từ cuộc khảo sát có thể dùng để tham khảo về những điều đã xảy ra tại các thị trường khác. Các nhà lãnh đạo đã và đang thực thi các hành động để doanh nghiệp có thể giữ ổn định vị thế cạnh tranh. Các hành động tương tự nên được thực thi theo cách riêng của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong phần tiếp theo của loạt bài về cơ hội trong bối cảnh khó khăn, chúng tôi sẽ trình bày các chiến lược và cách đánh giá mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu đã làm để bảo vệ tài sản của họ và giá trị của những người hưởng lợi ích từ công ty họ.