Báo chí và doanh nghiệp: Đồng hành, cộng tác chặt chẽ hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vượt qua khó khăn để thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp phát triển được nhìn nhận có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí. Các doanh nghiệp kỳ vọng, sự đồng hành, cộng tác giữa các bên liên quan sẽ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Thông tin kinh tế trên báo chí có ảnh hưởng lớn và phần nào quyết định chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân. Thông tin kinh tế trên báo chí có ảnh hưởng lớn và phần nào quyết định chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC)

Báo chí là phương tiện hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh công tác truyền thông, đồng thời thông tin về hoạt động của doanh nghiệp đến nhà đầu tư, khách hàng rất tốt.

Trong giai đoạn các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, báo chí đã tích cực đưa những kiến nghị của doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý, ban ngành có vai trò, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp… Vai trò của báo chí cần được duy trì và phát huy.

Tuy nhiên, bên cạnh những tờ báo làm công tác báo chí rất tốt, thông tin được truyền đến độc giả, nhà đầu tư một cách minh bạch, trung thực và khách quan, thì vẫn có một số báo chưa hỗ trợ doanh nghiệp một cách hợp lý, làm việc chưa thực sự công tâm. Khi thực hiện phỏng vấn, có phóng viên không phản ánh đúng ý kiến của người được phỏng vấn. Điều này khiến không ít doanh nghiệp tỏ ra ngần ngại trước báo chí.

Để mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp được tốt hơn, phóng viên khi viết bài và đăng tải ý kiến của người được phỏng vấn cần thể hiện khách quan, chính xác, tránh trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng công ty MBLand

Bên cạnh đó, báo chí còn là một kênh phản biện các doanh nghiệp, biểu dương những điển hình tốt trong hoạt động, nhưng cũng phê phán, đấu tranh, lên án những doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, pháp luật.

Trong giai đoạn này, báo chí càng có vai trò quan trọng khi là cầu nối, đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp những khó khăn, cũng như lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, từ đó gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước để tìm hướng tháo gỡ.

Tôi hy vọng, báo chí sẽ tiếp tục thể hiện rõ hơn những vai trò này, tăng cường sự giám sát, phản biện, nhưng cũng gắn kết trực tiếp và toàn diện hơn với các khía cạnh của doanh nghiệp, doanh nhân; phát hiện, tìm tòi, mang tới nhiều thông tin có thể mang tính chiến lược trong hoạt động của doanh nghiệp; phản ánh các vướng mắc chính sách, thủ tục pháp lý, qua đó xây dựng môi trường kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Thực tế, các doanh nghiệp hiện nay có nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được giải quyết để chủ động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG)

Trong bất kỳ giai đoạn nào, cơ quan báo chí và doanh nghiệp đều cần đến nhau, đồng hành và cùng phát triển. Hiện nay, phương tiện truyền thông mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí và doanh nghiệp nhịp nhàng và khăng khít hơn.

Bên cạnh việc đưa tin kịp thời, chính xác, quan hệ báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Với việc phá bỏ “biên giới cứng” về thời gian và không gian của các phương tiện truyền thông truyền thống giúp cho thông tin được phản ánh kịp thời, trung thực và có tính phản biện cao. Tuy nhiên, có những thông tin chưa đúng sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, theo tôi, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: cơ quan báo chí, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý hay hội nghề nghiệp.

Trong đó, doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin thông qua các kênh truyền thông của mình như website, blog hay fanpage, đồng thời có thái độ hợp tác tích cực với cơ quan báo chí. Trong bất kỳ tình huống nào, doanh nghiệp cần tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, trực tiếp, tránh các tin đồn, tin không chính xác xuất hiện.

Khi doanh nghiệp, báo chí có sự phối hợp, song hành chặt chẽ sẽ mang đến cho nhà đầu tư những thông tin chính xác, kịp thời nhất.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Sau 20 năm thành lập và hoạt động, thị trường chứng khoán mới có hơn 2 triệu tài khoản, tỷ lệ tài khoản hoạt động chỉ khoảng 24 - 25%, nhưng sau mùa Covid-19, thị trường có thêm gần 1 triệu tài khoản thực sự chất lượng.

Đây là những tài khoản đầu tư ngay sau khi mở. Họ là lớp nhà đầu tư mới (F0) có kỹ năng tài chính, có kiến thức kinh tế.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu sức nén từ năm 2008 (khủng hoảng tài chính toàn cầu), thêm vào đó là năm 2014 (sự kiện “biển Đông”), nên có sức bật mạnh mẽ hơn, trên nền tảng chính trị xã hội ổn định, tăng trưởng GDP cao nhất khu vực.

VN-Index nhờ nhiều yếu tố như vậy đã vượt qua ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, sau đó tiệm cận ngưỡng 1.400 điểm một cách dễ dàng.

Tiền đổ vào chứng khoán, nhưng tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng, thị trường bất động sản cũng tăng. Vậy chúng ta cần nhìn nhận dòng tiền đổ vào kênh chứng khoán hiện nay đến từ đâu?

Chúng tôi nhìn nhận, tiền chảy vào chứng khoán là tiền tiêu dùng hàng ngày của người dân. Tính sơ sơ, mỗi năm, tiền đi du lịch trong và ngoài nước của người dân lên tới gần 4 tỷ USD, chưa kể tiền chi tiêu cá nhân trong thời gian đó. Số tiền đó phần lớn chảy sang kênh chứng khoán khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Làm một phép tính sơ bộ, từ năm ngoái đến nay, thị trường có thêm 700.000 tài khoản, mỗi tài khoản đầu tư 100 triệu đồng thì số tiền mới đổ vào thị trường là 70.000 tỷ đồng.

Đây cũng là lý do giải thích cho việc nhà đầu tư ngoại bán ròng hơn 30.000 tỷ đồng nhưng nội lực của nhà đầu tư trong nước đã hấp thụ hết số cung đó. Gần như tất cả F0 đều có trình độ, thuộc tầng lớp trung lưu và cận trung lưu, tức là những người không bị ảnh hưởng quá lớn bởi Covid-19.

Nếu là tiền tiết kiệm chảy vào chứng khoán, dòng tiền sẽ không bền, bởi có vào sẽ có ra, nhưng dòng tiền hiện nay đến từ tiết kiệm chi tiêu của người dân nên có tính ổn định cao.

Một tài khoản F0 lỗ 30% cũng không quá ảnh hưởng tới ai, vì họ ít dùng đòn bẩy tài chính. Thực tế cho thấy, tất cả F0 mở tài khoản qua SHS đều không dùng công cụ giao dịch ký quỹ (margin) và chủ yếu giao dịch qua điện thoại thông minh.

Điều này cho chúng ta kỳ vọng, sang tháng 7, khi thị trường giao dịch thông suốt (hết nghẽn lệnh - PV), giá trị giao dịch mỗi phiên có thể lên tới 40.000 - 50.000 tỷ đồng. Kênh chứng khoán sẽ bước sang giai đoạn phát triển mới.

Tiềm năng của thị trường còn rất lớn. Nếu nhìn sang các nền kinh tế khu vực, số tài khoản chứng khoán trên dân số ở Việt Nam với hơn 3,2 triệu tài khoản hiện tại còn khá thấp. Đài Loan có 23 triệu dân, vốn hóa thị trường đạt 2.000 tỷ USD, gấp 3 lần GDP, giá trị giao dịch mỗi ngày đạt 17 tỷ USD. Thái Lan có 66 triệu dân, vốn hóa gấp đôi GDP, giá trị giao dịch mỗi ngày đạt gần 2,5 tỷ USD…

Khi thị trường chứng khoán phát triển tích cực và lành mạnh, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ có thêm kênh dẫn vốn hiệu quả. Các nguồn lực xã hội sẽ được huy động vào sản xuất - kinh doanh, mở mang nền kinh tế.

Với thị trường chứng khoán, sự phát triển bền vững, lành mạnh là cực kỳ cần thiết, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các thành viên thị trường, trong đó có vai trò truyền thông của các cơ quan báo chí, bên cạnh đó là sự quan tâm của các nhà quản lý, ban hành các chính sách hỗ trợ thị trường phát triển.

Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Sơn Hà (SHE)

Năm nay là năm đặc biệt khó khăn với doanh nghiệp. Sự giãn cách trên diện rộng tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khác nhằm phòng chống dịch Covid-19 khiến sức mua của người dân giảm. Một số nhà máy của SHE tại Thuận Thành (Bắc Ninh) cũng bị giãn cách, việc sản xuất bị gián đoạn, thị trường cũng gián đoạn. Chúng tôi mong mọi sự sẽ qua nhanh.

Với báo chí, doanh nghiệp như chúng tôi mong muốn truyền thông nêu cao tinh thần người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Bất kỳ một quốc gia nào, lúc khó khăn nhất cũng muốn phát triển thị trường nội địa. Người tiêu dùng Việt Nam ưu ái mua sản phẩm của doanh nghiệp trong nước sẽ tạo động lực để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Để thích ứng với tình hình hiện tại và vượt qua khó khăn, nhà máy của SHE trong vùng dịch đã thiết lập đội quân tiên phong sản xuất tại chỗ, ăn ngủ tại chỗ. Ở Bắc Ninh đã có chương trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân trong nhà máy, đảm bảo duy trì sản xuất không bị đứt quãng.

Công ty cũng phát huy trong hệ thống, tăng cường hàng hóa ở nhiều địa phương, đề phòng có những địa phương bị giãn cách thì vẫn có hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhóm phóng viên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục