“Thê thảm chứng khoán”; “Chứng khoán bị hắt hủi”, “Công ty niêm yết lũ lượt tính việc rời sàn”, “La liệt cổ phiếu dưới mệnh giá”, “Nhà đầu tư nước ngoài kêu cứu”, “Mớ rau muống bằng giá 10 cổ phiếu”; “Cạn sức chịu đựng”…là những dòng tít trên các báo Người lao động, Lao động, Đất Việt, Sài Gòn Đầu tư tài chính, Diễn đàn kinh tế Việt Nam, Đại Đoàn kết.…Các thông điệp này đã truyền tải một góc nhìn quá thảm về TTCK đến dư luận và vì thế, có phần lấn lướt những thông tin về nỗ lực vực dậy thị trường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trước Quốc hội, đã khẳng định sẽ có giải pháp để vực dậy TTCK Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã khẳng định, TTCK có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế và Bộ Tài chính sẽ quyết tâm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, đổi mới DNNN để cung cấp hàng hóa có chất lượng ra thị trường.
Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, sẽ kiên trì khẳng định vai trò của TTCK không chỉ với nền kinh tế, mà là với chính hệ thống ngân hàng. Theo ông Bằng, UBCK sẽ tiếp tục đề xuất không gắn tín dụng chứng khoán với tín dụng phi sản xuất của hệ thống ngân hàng, với mong muốn khơi thông 2 kênh dẫn vốn lớn, để tạo điều kiện cho chính các DN huy động vốn dài hạn cho sản xuất, kinh doanh.
Không thể phủ nhận thực tế là TTCK lúc này đang hết sức khó khăn khi 3 chủ thể chính tạo nên thị trường là CTCK, DN niêm yết và nhà đầu tư đều bị tổn thương không nhỏ.
Tuy nhiên, nói như TS. Lê Xuân Nghĩa thì trước những khó khăn hiện hữu, dường như dư luận đã quên mất những giá trị mà TTCK mang lại trong 11 năm qua.
Dường như dư luận cũng quên luôn giá trị của TTCK khi sự hiện hữu của thị trường này đang góp phần quan trọng thuyết phục các quốc gia khác công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, khi Người quan sát đặt câu hỏi báo chí nên phản ánh như thế nào trước hiện trạng thị trường toàn những tin xấu, Chủ tịch UBCK đã nói: thật khó để nói tốt về TTCK lúc này, nhưng TTCK cần sự chia sẻ của tất cả các chủ thể, sự chuẩn mực và đa chiều trong công tác truyền thông đại chúng.
Thực tế, các ngân hàng của thập niên 90 có vốn chỉ vài chục tỷ đồng, nhưng chính nhờ có TTCK, vốn của ngân hàng đã được tăng đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng. Không chỉ khối ngân hàng, hàng trăm DN khác cũng đã huy động được vốn để phát triển thành những tập đoàn, tổng công ty, DN lớn trong nền kinh tế. Gần 500.000 tỷ đồng là số tiền mà các DN đã huy động được thông qua việc chào bán cổ phần, trái phiếu qua TTCK Việt Nam.
Nếu nhìn TTCK bằng 2 thị trường sơ cấp (huy động vốn) và thứ cấp (giao dịch) thì sẽ thấy, thị trường sơ cấp đã và đang thực hiện được chức năng giúp DN và Chính phủ huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển. Thị trường thứ cấp đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không phải vì thế mà toàn bộ hình ảnh về nền chứng khoán Việt Nam bị nhấn chìm.
TTCK đang hy vọng và chờ đợi một giải pháp tổng thể từ Chính phủ.