Báo cáo thường niên, những điểm cần hoàn thiện

(ĐTCK) Nhiều công ty lập BCTN chỉ mang tính đối phó theo yêu cầu của cơ quan quản lý, nên những thông tin hữu ích cho các cổ đông chưa được chú trọng, đa phần là “làm đúng chế độ”.

Có nhiều vấn đề mà các công ty đại chúng của Việt Nam cần phải hoàn thiện để có được một báo cáo thường niên (BCTN) theo đúng nghĩa là một tài liệu đầy đủ, chính thống, cung cấp cho các NĐT cái nhìn trung thực về hiện trạng cũng như tương lai của DN. Nếu không làm được điều này, NĐT buộc phải chạy theo những nguồn tin không chính thống.

Theo quy định tại Luật Chứng khoán, công ty đại chúng buộc phải công bố báo cáo tài chính (BCTC) đã được kiểm toán và BCTN theo đúng quy định của Bộ Tài chính (hiện là Thông tư 52/2012/TT-BTC). Theo đó, BCTN của công ty đại chúng phải cung cấp cho NĐT các thông tin chung về công ty; tình hình hoạt động trong năm; báo cáo và đánh giá của Ban giám đốc; đánh giá của HĐQT về hoạt động của công ty; quản trị công ty và BCTC. Về cơ bản, mẫu BCTN theo quy định hiện hành đã tương đồng với báo cáo mẫu 10-K tại Mỹ, áp dụng cho các công ty niêm yết.

Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty đại chúng tại Việt Nam triển khai quy định rất khác nhau và kết quả là chất lượng của BCTN giữa các công ty đại chúng có sự chênh lệch lớn. Điều dễ nhận thấy là các định chế lớn thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng như Bảo Việt, Vietcombank… có tính quốc tế hóa cao, hiểu được giá trị của BCTN nên đã thực hiện BCTN tương đối bài bản, chuyên nghiệp. Trong khi đó, phải chiếm tới 80% công ty đại chúng thuộc lĩnh vực sản xuất vẫn chưa coi trọng đầu tư cho BCTN, nên bản BCTN còn khá sơ sài. Nhiều BCTN không đưa ra được nhận định cụ thể nào đối với cổ đông và NĐT đang xem xét quyết định đầu tư liên quan đến công ty; câu hỏi về tính minh bạch, độ trung thực của công ty đối với các thông tin cung cấp trong BCTN vẫn còn bỏ ngỏ. Có rất nhiều vấn đề mà các công ty đại chúng cần phải hoàn thiện để có được một bản BCTN theo đúng nghĩa là một tài liệu đầy đủ, chính thống về hiện trạng cũng như tương lai của DN.

Một BCTN cung cấp nhiều số liệu chưa hẳn đã là báo cáo tốt, nhất là khi đa số số liệu tài chính không dễ “đọc” với nhiều NĐT nhỏ, nên những chú giải là rất cần thiết. BCTN phải đảm bảo cung cấp cho NĐT những thông tin về ngành, lĩnh vực hoạt động của DN trong năm vừa qua và tương lai gần; về tình trạng nợ của công ty hay nhận định và dự báo về nguồn hàng, thị trường; các khoản lợi nhuận được giữ lại nhằm mục tiêu gì, tái đầu tư vào đâu, khả năng sinh lời và mức độ rủi ro ra sao…

Do nhiều công ty đại chúng chưa coi trọng vai trò của BCTN nên chiến lược phát triển, tầm nhìn, sứ mệnh của công ty và sự định vị của công ty trên thị trường một cách dài hạn được mô tả khá chung chung, khiến cổ đông không thể hình dung được và do đó cũng khó xác định được có nên theo đuổi việc đầu tư cổ phiếu của công ty lâu dài hay không.

Nhiều công ty lập BCTN chỉ mang tính đối phó theo yêu cầu của cơ quan quản lý, nên những thông tin hữu ích cho các cổ đông chưa được chú trọng, đa phần là “làm đúng chế độ”. Khi mẫu BCTN không bắt buộc có phần “đánh giá rủi ro” thì trong rất nhiều báo cáo cũng không hề có nội dung này. Thậm chí, đã từng có công ty có khoản vay bằng ngoại tệ rất lớn mà không công khai trong BCTN, càng không đưa ra cảnh báo về những ảnh hưởng của biến động tỷ giá, khiến nhiều NĐT không biết tới khoản nợ đó đã phải trả giá khi ngoại tệ tăng giá, phải tranh bán cổ phiếu cắt lỗ. Đối với NĐT, việc giấu nhẹm rủi ro tiềm ẩn không khác là mấy so với việc cố tình giấu những khoản lỗ hiện tại.

Bên cạnh đó, khi mẫu của cơ quan quản lý không nhắc tới những chỉ tiêu cụ thể mà NĐT quan tâm như EPS pha loãng, EPS hồi tố, EPS cơ bản, đa phần các công ty không nêu một cách đầy đủ các chỉ số quan trọng này. Đó là chưa kể đến việc các BCTN chưa chú trọng đến việc phân tích, đánh giá các kết quả kinh doanh. Thường thì kết quả kinh doanh cũng nêu sơ sài, thay vì phải chỉ rõ đóng góp của từng bộ phận trong công ty, đóng góp của từng ngành nghề kinh doanh trong công ty để NĐT biết được số lãi hay số lỗ cuối cùng thực ra đến từ đâu, đâu là thế mạnh, điểm yếu của công ty trong năm qua…

Khi môi trường thay đổi lớn như nền kinh tế khởi sắc, nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, có chính sách kinh tế mới tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho ngành kinh doanh của công ty, công ty không thể không có bình luận, phân tích và lựa chọn hướng đi mới cho mình và làm rõ trong BCTN. Các công ty có đặc thù ngành cũng không thể bỏ qua việc trình bày những nội dung đặc thù đó trong BCTN. Tuy nhiên, điều này còn quá ít các công ty đại chúng ở ta bàn tới.

Có một thực trạng là hàng năm đều có hàng loạt công ty chậm công khai BCTN và BCTC theo quy định. Điều này là không thể chấp nhận được ở nền kinh tế thị trường phát triển cao, bởi khi ấy NĐT sẽ đặt dấu hỏi tại sao công ty không thể cung cấp báo cáo đúng hạn? Thậm chí, số liệu trong BCTN của các công ty còn sai sót lớn, ngay cả con số lỗ, lãi cũng liên tục xảy ra. Điều này khiến NĐT luôn nghi ngại tính minh bạch trong các BCTN hiện nay.

Trong kinh doanh, phải chấp nhận rủi ro, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế kéo dài, nhưng NĐT đòi hỏi đó phải là khoản “lỗ chính đáng”, nghĩa là không phải do sự chủ quan của đội ngũ quản trị gây ra, đồng thời là khoản lỗ ứng với rủi ro NĐT đã được cảnh báo trong BCTN trước đó.

Rồi sẽ sớm qua đi thời mà các NĐT lựa chọn cổ phiếu theo tin đồn, mua cổ  phiếu theo “bầy đàn”. Các công ty đại chúng cần sớm củng cố quan hệ với cổ đông, bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng BCTN, để BCTN đúng với  ý nghĩa và chức năng của báo cáo này. Đây cũng là tôn trọng các NĐT, các đối tác của chính mình để công ty được đánh giá đúng giá trị.

 

Quy chuẩn mới của Báo cáo thường niên theo Thông tư 52

 

Thông tư 52/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK quy định, công ty đại chúng phải lập BCTN chậm nhất là 20 ngày, sau khi công bố BCTC năm được kiểm toán. Việc công bố thông tin phải được thực hiện trên các ấn phẩm, trang thông tin điện tử của công ty đại chúng, phương tiện công bố thông tin của UBCK, Sở GDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch) và lưu trữ bằng văn bản và dữ liệu điện tử ít nhất 10 năm tại trụ sở chính của công ty để nhà đầu tư tham khảo.

 

Theo quy định tại Thông tư 52, BCTN gồm 6 phần: Thông tin chung; Tình hình hoạt động trong năm; Báo cáo và đánh giá của Ban giám đốc; Đánh giá của Hội đồng quản trị về hoạt động của công ty; Quản trị công ty và Báo cáo tài chính.

 

Trong phần Thông tin chung, Thông tư có quy định rõ việc trình bày ngành nghề kinh doanh: “nêu các ngành nghề kinh doanh hoặc sản phẩm, dịch vụ chính, chiếm trên 10% tổng doanh thu trong 2 năm gần nhất; bổ sung phần trình bày địa bàn kinh doanh của DN (các địa bàn hoạt động kinh doanh chính, chiếm trên 10% tổng doanh thu trong 2 năm gần nhất).

 

Thông tư 52 cũng yêu cầu trình bày rõ tình hình đầu tư, tình hình thực hiện các dự án lớn (tiến độ thực hiện và phân tích nguyên nhân dẫn đến việc đạt/không đạt tiến độ đã công bố và cam kết).

 

Việc trình bày tình hình tài chính và các chỉ tiêu tài chính chủ yếu (có mẫu riêng cho tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính phi ngân hàng và tổ chức không thuộc nhóm này) trong hai năm liền kề. Theo đó, tổ chức không thuộc nhóm tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính phi ngân hàng phải trình bày chỉ tiêu về khả năng thanh toán (hệ số thanh toán ngắn hạn, hệ số thanh toán nhanh); chỉ tiêu về cơ cấu vốn (hệ số nợ/tổng tài sản, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu); chỉ tiêu về năng lực hoạt động (vòng quay hàng tồn kho, doanh thu thuần/tổng tài sản); chỉ tiêu về khả năng sinh lời.    

 

Phần trình bày BCTC, Thông tư 52 quy định, trong trường hợp công ty phải lập BCTC hợp nhất thì BCTC trình bày trong BCTN là BCTC hợp nhất, đồng thời nêu địa chỉ công bố, cung cấp BCTC của công ty mẹ, thay vì phải trình bày cả BCTC công ty mẹ và BCTC hợp nhất theo quy định cũ.

Ths. Dương Thị Nhi, Bộ Tài chính
Ths. Dương Thị Nhi, Bộ Tài chính

Tin cùng chuyên mục