Mừng: nhiều nét lạc quan
Một số nét lạc quan chung có thể dễ dàng nhận ra trong báo cáo của HSBC và Morgan Stanley là xoay quanh các vấn đề về triển vọng kiềm chế lạm phát, hạn chế thâm hụt thương mại và khả năng kiểm soát tỷ giá trong ngắn hạn.
- Thứ nhất, HSBC đưa ra một kết luận khá lạc quan là lạm phát và thâm hụt thương mại tại Việt Nam sẽ được cải thiện do giá gạo sẽ giảm và các nhu cầu nhập khẩu vàng, đầu cơ thép, mua ôtô đang chững lại. Báo cáo này cho rằng, nhu cầu đầu cơ đóng một vai trò không nhỏ trong việc tạo ra thâm hụt thương mại lớn trong thời gian qua; và nay, khi nhu cầu này giảm bớt, chúng ta sẽ bắt đầu nhận những tin tốt về vấn đề nhập siêu.
Đồng quan điểm, Morgan Stanley cho rằng, vào quý IV năm nay, tình hình nhập siêu sẽ được cải thiện đáng kể. Theo đó, mức tăng nhập khẩu sẽ giảm từ 70% hiện nay xuống 25 - 30% trong vòng 3 hay 4 tháng tới và sẽ chỉ còn khoảng 15 - 20% vào cuối năm. Nếu kịch bản này xảy ra, tình hình nhập siêu sẽ rất lạc quan, đương nhiên là tình hình xuất khẩu phải giữ nguyên phong độ. Cơ sở mà Morgan Stanley đưa ra dự báo này là dựa trên việc lãi suất tăng sẽ khiến nhu cầu nhập hàng cho kinh doanh lẫn đầu cơ của doanh nghiệp giảm.
Về khía cạnh lạm phát, Morgan Stanley thận trọng hơn HSBC khi tỏ ra quan ngại về việc giá lương thực và giá năng lượng vẫn có thể cao, sẽ giữ lạm phát ở mức cao.
- Thứ hai, áp lực tỷ giá không như người ta tưởng. Morgan Stanley cho rằng, những gì thể hiện trong tỷ giá NDF (tỷ giá theo các hợp đồng kỳ hạn tiền tệ không giao nhận) ở nước ngoài là không phản ánh đúng thực tế những rủi ro tỷ giá của Việt Nam . Khả năng Chính phủ thực hiện điều chỉnh mạnh tỷ giá một lần (một mặt nào đó liên quan đến tin đồn phá giá VND) là khó có thể xảy ra, bởi điều đó sẽ gây bất ổn thị trường ngoại hối, đồng thời gây mất niềm tin trong xã hội và càng làm tăng kỳ vọng lạm phát. Theo quan điểm của người viết, phân tích này là hợp lý trong tình hình Việt Nam, vì việc phá giá là không cần thiết do khả năng bị tấn công tiền tệ của Việt Nam là không cao, hơn nữa việc phá giá quá nhanh sẽ gây những bất ổn xã hội và tác động lên lạm phát một cách khó lường.
- Thứ ba, những nhận định tốt về dòng vốn. Nguồn bù đắp thâm hụt cán cân thương mại cho Việt Nam là FDI, vốn gián tiếp và nợ ngắn hạn. Nếu các dòng vốn này tăng mạnh hay không rút ra nhanh, tình hình của nước ta sẽ rất lạc quan. Hai báo cáo ngoại lần này đã có những nhận định khá tích cực về những dòng vốn này, trái với những lo ngại trước đây của một số tổ chức lớn.
HSBC cho rằng, việc dòng vốn FDI tăng mạnh là một tín hiệu tốt trong điều kiện một số dòng vốn vào khác đã chậm lại. Những khó khăn trên TTCK và bất động sản khiến một số dòng vốn có ý định chuyển ra, tuy nhiên, do sự thiếu thanh khoản của thị trường ngoại hối, việc rút vốn ào ạt là rất khó. Mặt khác, với lãi suất cao của VND, một phần của số vốn này sẽ ở lại Việt Nam .
Morgan Stanley cũng cho rằng, khó thể diễn ra việc rút vốn mạnh ở Việt Nam do tính thiếu thanh khoản của một bộ phận thị trường vốn. Mặt khác, việc giới hạn chuyển đổi trên tài khoản vốn và dự trữ ngoại hối lớn sẽ hạn chế tác động xấu về khả năng rút vốn.
Lo: nỗi lo mới và nỗi lo cũ
Nếu như cách đây một tháng, thị trường bị tác động mạnh bởi những tin xấu về lạm phát và thâm hụt thương mại, thì với những nhận định khả quan trong 2 báo cáo nêu trên, đồng thời với những số liệu công bố của các bộ, ngành và cam kết của những người điều hành Chính phủ, nỗi lo về lạm phát, thâm hụt thương mại và vấn đề rút vốn đã giảm đi đáng kể. Đó là lý do khiến HSBC thừa nhận, so với một tháng trước thì tình hình đã khá hơn. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, chúng ta vẫn chưa đi qua giai đoạn khó khăn. Morgan Stanley còn chỉ rõ những khó khăn mới và cũ mà chúng ta phải đương đầu trong thời gian tới.
- Nỗi lo mới là hệ thống ngân hàng. Theo Morgan Stanley, trong vòng 12 tháng tới, hệ thống ngân hàng sẽ đối diện với nhiều khó khăn. Sụt giảm mạnh trên TTCK và bất động sản rất có khả năng sẽ làm gia tăng các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, khả năng vay nợ nước ngoài của ngân hàng Việt Nam là khó có thể thực hiện trong điều kiện như hiện nay.
- Nỗi lo cũ là lạm phát. Nỗi lo lớn nhất về lạm phát đến từ giá xăng dầu. Morgan Stanley cho rằng, Chính phủ vẫn đủ khả năng để trợ giá xăng dầu, tuy nhiên, nếu có sự tăng đột biến về giá dầu thô trên thế giới thì khó có thể khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục trợ giá. Nếu như Chính phủ không tiếp tục trợ giá thì việc tăng giá xăng dầu trong nước sẽ đi kèm với nguy cơ lạm phát lớn hơn.
- Nỗi lo về tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp. Morgan Stanley nhận định, nền kinh tế đang suy giảm và chi phí vay cao, các doanh nghiệp sẽ bị tác động mạnh và những báo cáo tài chính sẽ cho thấy những mức lỗ từ chứng khoán, bất động sản... Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều bị tác động xấu. Một số doanh nghiệp vẫn có khả năng đưa ra các báo cáo lợi nhuận cao bất ngờ do ngành kinh doanh không bị tác động lớn, không đầu tư tài chính nhiều và đã có dự phòng rủi ro. Ngay bản thân ngay trong ngành ngân hàng, ngành được dự kiến sẽ bị tác động xấu, cũng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng có chất lượng thu nhập tốt với nhóm ngân hàng yếu. Tính phân hóa ngành ngân hàng sẽ rõ nhất trong đợt đáo hạn các khoản vay bất động sản sắp tới.
Về mặt tăng trưởng kinh tế, do cung tín dụng bị kiểm soát (tăng trưởng không quá 30% trong năm 2008) và lãi suất vay cao, Morgan Stanley cho rằng, có thể GDP sẽ tiếp tục giảm và chỉ còn 5,5 - 6% trong quý I/2009 so với mức 7,5% của quý I/2008 và mức 8,5% của quý I/2007. Khi GDP giảm thì hàn thử biểu của nền kinh tế là TTCK cũng sẽ gặp những thử thách mới.
Kết luận
Báo cáo lần này của các tổ chức nước ngoài, đại diện là Morgan Stanley và HSBC, đã tỏ ra lạc quan trong ngắn hạn về tình hình kinh tế vĩ mô. Điều này góp phần tạo đà tăng giá cho TTCK trong mấy ngày qua, giúp một số tổ chức mạnh tay mua vào, chặn đà giải chấp các cổ phiếu cầm cố. Tính thanh khoản của TTCK và một số ngân hàng được cải thiện khiến áp lực giải chấp tạm thời lắng dịu. Tuy nhiên, về mặt trung hạn và dài hạn, theo HSBC, chúng ta có thể vẫn chưa vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, nhiều thử thách vẫn còn ở phía trước. Còn theo Morgan Stanley, khó khăn sẽ còn đáng lo ngại hơn tình hình hiện tại nếu Chính phủ không có giải pháp quyết liệt ngay từ bây giờ. Và như vậy, nhà đầu tư nên giữ tâm trạng ở thế thận trọng, chứ đừng quá lạc quan. Báo cáo lần này có nhiều nhận định tốt hơn nếu so với báo cáo tháng trước. Quá nhiều tin xấu thì sẽ đến tin tốt, nhưng quá nhiều tin tốt thì nên thận trọng trước khi vui mừng (đương nhiên, loại trừ những người định lướt sóng).
Có ý kiến cho rằng, chúng ta đã không kịp thắt chặt chi tiêu công và thắt chặt tiền tệ từ các năm trước để hạn chế lạm phát, bỏ qua một số thời cơ vàng để kiểm soát lạm phát từ trước; nay, mong rằng, Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm trong việc đối phó với những rủi ro từ ngân hàng, giá xăng dầu và gánh nặng suy giảm kinh tế lên doanh nghiệp để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn nhanh hơn và bền vững hơn. Như Morgan Stanley đề xuất trong báo cáo lần này, đây là cơ hội để Chính phủ tiến hành những cải cách mạnh tay. Khi nền kinh tế tốt hơn nhờ những cải cách này thì TTCK mới thật sự khởi sắc, bền vững hơn.
Một số so sánh về phân tích của hai báo cáo
Chỉ tiêu |
HSBC |
Morgan Stanley |
Lạm phát |
Lạc quan ngắn hạn |
Thận trọng |
Thâm hụt thương mại |
Lạc quan |
Lạc quan |
Dòng vốn |
Lạc quan |
Ít có tác động mạnh |
Tỷ giá |
Tỷ giá NDF phản ứng quá mức |
Ít có khả năng phá giá |
Trái phiếu chính phủ |
Thận trọng, nhưng tin rằng, tỷ suất sinh lợi trái phiếu đã đến đỉnh |
Không đề cập rõ ràng |
Ngân hàng |
Thanh khoản đang tốt dần |
Thận trọng, lo ngại rủi ro lớn hơn trong 12 tháng tới |
Nền kinh tế thực |
Ít đề cập |
Lo ngại tăng trưởng giảm và lợi nhuận doanh nghiệp xấu |