Trong thời gian gần đây, qua theo dõi những bình luận về vấn đề chất lượng quản trị công ty và báo cáo tài chính ở Việt Nam, tôi nhận thấy đôi khi tồn tại một giả định mặc nhiên rằng, công ty được quản trị tốt thì sẽ làm tăng chất lượng thông tin của các báo cáo tài chính.
Điều này dễ khiến người ta lầm tưởng rằng, công ty có báo cáo đẹp, chi tiết, chuyên nghiệp, con số kế toán rõ ràng, công ty kiểm toán không có điểm ngoại trừ hay lưu ý gì đáng kể thì công ty đó là một công ty được quản trị tốt. Nhận định như vậy có thể dẫn đến những quyết định sai lầm cho nhà đầu tư và các nhà quản lý thị trường, cũng như các phương tiện truyền thông.
Theo hiểu biết của tôi, làm báo cáo thường niên tốt, công bố số liệu kế toán “chất lượng”, thì chỉ khẳng định công ty “biết cách” làm báo cáo một cách chuyên nghiệp và dành một nguồn lực đáng kể cho mặt này. Tất nhiên, chăm lo cho báo cáo có thể là thể hiện một mặt của việc quan tâm chăm sóc cổ đông. Nhưng ở một góc nhìn khác, một công ty có nguồn lực tài chính tốt có thể thuê đội ngũ chuyên gia tài chính để làm đẹp báo cáo, biến hoạt động công ty trở thành phức tạp, nhìn bề ngoài thì “hoành tráng”, nhưng thật ra lại tạo khó khăn cho các kiểm toán viên và nhà đầu tư hiểu được những “bí mật” đằng sau bề ngoài hoành tráng đó. Tiềm ẩn bên trong cái vẻ ngoài ấy là những chuyện đầy rủi ro.
Câu chuyện của ACB và “bầu” Kiên phần nào có thể là một ví dụ minh họa. Nó cho thấy, một ngân hàng thương mại cổ phần với một hệ thống báo cáo tốt, được đánh giá là doanh nghiệp minh bạch, vẫn có thể để những quyết định kinh doanh đầy rủi ro, gây tổn hại cho cổ đông diễn ra.
Không chỉ ở Việt Nam, những vụ việc bê bối gần đây bị phanh phui ở các thị trường tài chính lớn cũng cho thấy những vụ “con voi chui lọt lỗ kim” khó có thể ngờ với một hệ thống chằng chịt kiểm soát nội bộ, kiểm toán độc lập và giám sát quản trị rủi ro của hội đồng quản trị. Những vụ việc bê bối này diễn ra ở nhiều tập đoàn lớn, từng được cho là có chất lượng số liệu kế toán, kiểm soát nội bộ và quan hệ cổ đông rất tốt.
Đọc những tài liệu của giới nghiên cứu và báo cáo của các công ty kiểm toán quốc tế và tư vấn quản trị về chủ đề này, tôi nhận ra mối quan hệ giữa chất lượng quản trị công ty và chất lượng báo cáo công ty (nói rộng ra là chất lượng thông tin cho cổ đông) không hề có tính một chiều đơn giản.
Nói ngắn gọn, mặc dù chủ đề này đã thu hút mối quan tâm cao hơn 10 năm trở lại đây của giới học thuật và thực tiễn, người ta vẫn không thể kết luận chắc chắn mối liên hệ nhân quả giữa quản trị công ty và chất lượng các báo cáo của công ty đó công bố. “Chất lượng” ở đây có nhiều thước đo khác nhau, bao gồm báo cáo có cung cấp thông tin cần thiết cho nhà đầu tư ra quyết định đầu tư và định giá hay không, công ty có thận trọng không, có bóp méo số liệu, thậm chí là gian lận báo cáo tài chính hay không?
Về mặt lý thuyết, có hai góc nhìn về chủ đề này. Một là, công ty có chất lượng quản trị công ty tốt thì sẽ có động lực làm báo cáo tốt, minh bạch cho cổ đông, hạn chế bóp méo số liệu và gian lận tài chính. Điều này có nghĩa, quản trị công ty tốt dẫn tới chất lượng báo cáo tốt.
Góc nhìn thứ hai thì ngược lại, công ty có hệ thống báo cáo tài chính không mấy rõ ràng, vì lý do đặc thù ngành nghề kinh doanh hay lịch sử, sẽ cố gắng duy trì một hệ thống quản trị công ty tốt để hạn chế những rủi ro liên quan đến báo cáo tài chính. Nói cách khác, công ty có chất lượng báo cáo kém vẫn có thể có quản trị công ty tốt.
Bên cạnh những lý thuyết đó là vấn đề thực tiễn. Một số công ty có nguồn lực lớn, chiêu mộ những nhà quản trị thích mạo hiểm và tự tin, thực hiện hoạt động có rủi ro để kiếm lợi cho một số ít ông chủ, nhưng có thể vi phạm lợi ích đa số cổ đông. Những công ty này có thể có hệ thống báo cáo tài chính vững mạnh và biết cách “phù phép” số liệu. Những thước đo về báo cáo công ty chấm điểm cao cho các công ty này. Tuy nhiên, đó có thể là những công ty đầy rủi ro và có chất lượng quản trị công ty tồi.
Trong trường hợp này, không có mối quan hệ nhân quả nào giữa quản trị công ty và chất lượng báo cáo, chung quy lại là do Ban điều hành và Hội đồng quản trị mà ra cả. Nói cho đúng, đó là vấn đề về lãnh đạo trong công ty lấn át cổ đông nhỏ một cách tinh vi. Với loại hình này, đôi khi là do thước đo về chất lượng báo cáo không theo kịp mánh khóe của những chuyên gia tài chính bên trong công ty. Nhưng cũng nhiều khi là do hệ thống kiểm soát nội bộ và giám sát của đại diện cổ đông kém hiệu quả, bởi những liên hệ lợi ích chằng chịt bên trong. Nhìn trên giấy thì hệ thống rất hoàn chỉnh, nhưng trên thực tiễn, nó gần như là con số không.
Những thảo luận có vẻ rắc rối ở trên chỉ nhằm một mục đích chỉ ra rằng, chúng ta không thể đơn giản hóa mối quan hệ giữa quản trị công ty và chất lượng báo cáo của công ty. Vì vậy, nhà đầu tư không nên qua loa với việc ra quyết định đầu tư của mình khi chỉ nhìn vào bề ngoài hoành tráng của công ty mà cho rằng, công ty là đáng tin cậy.
Một BCTN tốt trước hết phải giúp cổ đông dễ dàng tiếp cận thông tin về hoạt động doanh nghiệp
Giới truyền thông và các nhà hoạch định chính sách cũng cần có cách tiếp cận toàn diện khi đánh giá hay đề xuất chính sách về các chuẩn mực quản trị và thực hiện báo cáo công ty.
Một công ty có báo cáo tốt thì nên xem là một điển hình thành công và quảng bá, khen thưởng cách làm báo cáo của công ty đó, qua các giải thưởng chẳng hạn. Nhưng cũng cần nhấn mạnh cho công chúng biết rằng, điều đó không đồng nghĩa là hiển nhiên thừa nhận công ty này là minh bạch, đáng tin cậy và không nên ủng hộ những quy định cứng nhắc về chuẩn mực quản trị công ty, báo cáo tài chính hay chuẩn mực kế toán. Thay vào đó, hãy chăm lo bảo vệ và giúp cổ đông dễ dàng tiếp cận thông tin về hoạt động doanh nghiệp, được trừng phạt doanh nghiệp gian dối và được sa thải, đòi bồi thường từ những nhà điều hành gây nguy hại cho công ty.
Chúng ta dường như đang làm tốt mặt khen thưởng công ty, nhưng chưa làm tốt mặt bảo vệ cổ đông và trừng phạt doanh nghiệp.