Việt Nam đang trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hàng triệu người lao động ở các thành phố lớn trở về nhà, dành một tuần cho gia đình, ăn uống và thư giãn. Tuy nhiên với tầng lớp trung lưu đang tăng lên, một lượng người kỷ lục sẽ bay ra nước ngoài đón Tết, Financial Times trích dẫn báo cáo của các công ty du lịch. Theo Euromonitor, người Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng trưởng với tốc độ 10-15% trong vài năm trở lại đây.
Đây cũng là xu hướng của nước láng giềng, Trung Quốc, khi thu nhập người dân ngày càng tăng khiến lượng khách tới châu Âu, Đông Nam Á và các điểm đến nước ngoài khác đạt mức kỷ lục.
Ta Thi Thanh Tan, người làm việc cho một công ty nước ngoài và dạy gia sư trong thời gian rảnh rỗi, đến Angkor Wat ở Campuchia để đón Tết - chuyến đi nước ngoài đầu tiên trong năm mới của cô. "Tôi không về quê", cô gái sống gần thành phố biển miền Trung Đà Nẵng nói.
Pham Thai Quynh, nhân viên maketing cho một công ty giáo dục đa quốc gia sống ở Hà Nội, cùng chồng đón Tết này ở khu nghỉ mát Phuket, Thái Lan. Năm ngoái, cô đi Đài Loan, sau chuyến du lịch mừng năm mới ở Hong Kong. Quynh, 27 tuổi, nói: "Không có nhiều dịp trong năm bạn được nghỉ dài như vậy. Vì thế tôi dành cả kỳ nghỉ Tết để du lịch nước ngoài".
Theo Euromonitor, khoảng 7,5 triệu người Việt Nam đã đi du lịch nước ngoài vào năm ngoái, Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan lần lượt là 3 điểm đến hàng đầu. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khách du lịch Việt Nam đã chi 8 tỷ USD vào năm 2016, cao hơn gấp đôi con số 3,5 tỷ USD năm 2012.
Grandviet Tour, một nhà điều hành du lịch tại Hà Nội, cho biết họ đã tổ chức khoảng 700 đến 800 chuyến đi vào dịp Tết năm nay, cách đây 5 năm con số này chỉ là 500 đến 600 chuyến. Hầu hết tour trong năm nay khách đi theo nhóm, lượng người đi châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cao.
"Mọi người không muốn tiết kiệm tiền. Họ muốn thay đổi cuộc sống của họ", ông Hoang The Hau, giám đốc điều hành của công ty nói.
Tầng lớp trung lưu đang tăng lên - chủ yếu là những người trẻ tuổi, cũng đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, với các mặt hàng từ bia, quần áo đến bất động sản và xe hơi cao cấp...
Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, du lịch thuộc top 3 sở thích hàng đầu của người Việt, xếp trên ăn uống và mua sắm quần áo mới. Kết quả này dựa trên cuộc khảo sát 300 người trong độ tuổi 30-55 tại Hà Nội và TP HCM.
Bài báo cũng chỉ ra rằng thị trường du lịch trong nước tại Việt Nam cũng đang có xu hướng phát triển, nhờ vào sự đi lên của các hãng hàng không giá rẻ.