“Bánh” quảng cáo truyền thông đang biến dạng

(ĐTCK) Doanh số quảng co tiếp tục tăng lên, nhưng đạt quảng cáo trên phuơng tiện nào là phù hợpvẫn là câu hỏi không dễ trả lời.
Thị trường quảng cáo Việt Nam có mức tăng trưởng 30% hàng năm

Thị trường quảng cáo Việt Nam có mức tăng trưởng 30% hàng năm

Quảng cáo trên báo in: nhắm tới khách hàng xa xỉ

Trong hai năm 2012, 2013 ngành quảng cáo báo giấy đã xuống dốc và đây là xu hướng của toàn cầu. Đầu năm 2012 doanh thu của nhiều đầu báo lớn trên toàn cầu đã giảm đáng kể. Mới đây, Công ty The New York Times đã công bố, quý III năm nay thua lỗ 24,2 triệu USD do doanh thu quảng cáo sụt giảm. Trước đó, hồi tháng 8, công ty này đã hoàn tất thương vụ bán tờ Boston Globe cho John W. Henry, ông chủ của thương hiệu Boston Red Sox, với giá 70 triệu USD.

Sau khi bán gần hết các tờ báo nhỏ và các lĩnh vực kinh doanh không trọng tâm, The New York Times đang nỗ lực giữ doanh thu quảng cáo.

Theo giới phân tích, đây là điều không thể tránh khỏi, bởi báo giấy đang bị cạnh tranh từ các loại hình truyền thông khác.

Bà Trần Thị Thanh Mai, Giám đốc Kantar Media Việt Nam cho hay, quảng cáo báo in đang trải qua giai đoạn khó khăn trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, bà Mai vẫn tin rằng, quảng cáo trên tạp chí vẫn có cơ hội thu hút các nhà quảng cáo hàng “xa xỉ phẩm” nhắm tới các phân khúc khách hàng hẹp hơn và khó tính hơn.

Trước mắt, tại thị trường Việt Nam, quảng cáo truyền hình vẫn chiếm đa số khi đây vẫn là phương tiện truyền thông phổ biến nhất. Năm 2012, doanh thu quảng cáo toàn thị trường đạt 20.400 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2011. Trong đó, truyền hình chiếm 18.246 tỷ đồng, tăng 136% so với năm 2011; quảng cáo trên báo in và tạp chí giảm khoảng 8%, đạt 2.151 tỷ đồng và phát thanh giảm gần 20%, với chưa đầy 25 tỷ đồng.

Theo bà Mai, hiện còn sớm để dự đoán trước kết quả cho cả năm 2013, nhưng từ số liệu của các doanh nghiệp đầu tư cho quảng cáo trên 84 kênh truyền hình, 71 đầu báo và tạp chí và 1 kênh phát thanh trong quý I/2013 tăng hơn cùng kỳ năm ngoái, tuy vậy, có thể mức tăng trưởng cả năm không cùng mức độ gia tăng của quý I. Song bà Mai vẫn tin rằng, doanh thu quảng cáo tại Việt Nam năm 2013 sẽ cao hơn  năm 2012.

“Quảng cáo truyền hình cho tới giờ còn là phương tiện quảng cáo có chi phí tiếp cận/một ngàn người thấp nhất. Hơn nữa, các mặt hàng quảng cáo nhiều nhất đa số đều là các mặt hàng tiêu dùng nhanh nên quảng cáo trên truyền hình thực sự phù hợp”, bà Mai nói.

 

Quảng cáo “ảo”: lên ngôi trong vai trò đại chúng

Mới đây, một thương vụ M&A xuyên Đông Dương của ngành truyền thông đã diễn ra. Công ty Riverorchid Digital đã mua lại Công ty truyền thông số Notch. Riverorchid là công ty chuyên cung cấp các dịch vụ, giải pháp truyền thông tích hợp và phát triển thương hiệu và hoạt động tại thị trường khu vực Đông Dương, Thái Lan và Myanmar.

Chưa biết hiệu quả hoạt động sẽ ra sao, nhưng cuộc “hôn nhân” này mang lại cảm giác viên mãn cho ông Shead O’Neil, Tổng giám đốc Riverorchid Digital.

13 năm có mặt trên thị trường, Riverorchid đã khẳng định vị thế thương hiệu công ty dịch vụ truyền thông quảng cáo uy tín trong khu vực Đông Dương.

Theo giới phân tích, sự sáp nhập này chắc chắn sẽ đánh động đến việc sẽ có những biến động về thị phần của các đối thủ cùng lĩnh vực. Bởi lẽ, hình thức tiếp thị mobile marketing đang trên đường trở thành át chủ bài cho ngành tiếp thị tương lai và sẽ sớm thống lĩnh thị trường khi sự bùng nổ các thiết bị di động thông minh như smartphone, tablet.

Số liệu thống kê của Google cho thấy, trong quý II/2013, số người dùng smartphone tại Việt Nam đã chiếm 20% dân số toàn quốc, trong đó 70% lên Internet hàng ngày bằng smartphone.

Dự báo thị trường quảng cáo trên các ứng dụng sẽ tăng gấp 5 lần đến năm 2017 (so với năm 2012), với doanh số 10,4 tỷ USD. Và châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực dẫn đầu thị trường này.

Sự phát triển của quảng cáo trên Internet và điện thoại di động được khá nhiều chuyên gia dự đoán, “sẽ lấy đi miếng bánh quảng cáo của truyền hình, vốn chiếm đến 85% thị trường quảng cáo”.

Tuy nhiên, theo bà Mai, truyền hình sẽ không mất đi ngôi vị, khi các nghiên cứu cho thấy Internet và điện thoại di động được coi là các phương tiện quảng cáo bổ sung cho truyền hình và giới doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn thận trọng, thử nghiệm, nên thường chỉ dành ra khoảng 3-5% tổng ngân sách quảng cáo dành cho phương tiện này.

 

Cơ hội kiếm thêm “bánh” thị phần

Việt Nam là một thị trường quảng cáo tiềm năng, với mức tăng trưởng 30%/năm, nên doanh nghiệp gia nhập thị trường ngày càng tăng.

Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA), trong số hơn 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước nhiều về số lượng nhưng quy mô nhỏ, thực hiện các công đoạn gia công, cung ứng dịch vụ phụ trợ... vì thế, theo khảo sát, chỉ có khoảng 50 - 100 công ty được đánh giá là “có hoạt động quảng cáo đúng nghĩa”, trong đó có thể kể đến như Đất Việt AVC, Goldsun….

Trong số này, doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới 50% và đều là những tên tuổi lớn trên thế giới như Saatchi & Saatchi, Leo Burnett, Dentsu… nhưng lại nắm giữ đến 80% thị phần quảng cáo, đặc biệt là với loại hình quảng cáo truyền hình.

Bên cạnh đó, các tập đoàn quảng cáo truyền thông nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhanh hơn thông qua mua bán, sáp nhập (M&A) và hợp tác với doanh nghiệp trong nước. Từ cuối năm 2008 đến nay đã có khoảng 10 cuộc “hôn nhân” giữa công ty truyền thông Việt Nam và tập đoàn truyền thông nước ngoài thông qua M&A hoặc liên doanh.

Các vụ này đều là tên tuổi hàng đầu thế giới về truyền thông, như Tập đoàn WPP (trụ sở tại Ireland) và Omnicom Group (trụ sở tại Mỹ).

Đây cũng là phương thức để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia trực tiếp cung cấp dịch vụ quảng cáo, chứ không chỉ là làm đại lý, nhà thầu phụ cho các công ty quảng cáo nước ngoài.

Ông Đinh Quang Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA), Phó chủ tịch của Liên đoàn Hiệp hội Quảng cáo châu Á (AFAA) khẳng định: “M&A sẽ rất tốt đối với ngành quảng cáo non trẻ như Việt Nam”.

Theo ông Ngữ, để không bị vuột mất cơ hội tìm thêm cho mình miếng bánh thị phần quang cáo tại châu Á, doanh nghiệp làm dịch vụ quảng cáo Việt Nam cần tái cấu trúc hai yếu tố.

Thứ nhất, tái cấu trúc theo độ mở của nền kinh tế. Quảng cáo phụ thuộc rất nhiều vào độ mở cửa nền kinh tế. Khi mình mở cửa thì các doanh nghiệp, hàng hóa nước ngoài tràn vào sẽ kéo theo sự phát triển của ngành quảng cáo – truyền thông.

Thứ hai, tái cấu trúc sự sáng tạo bằng cách đào tạo nhân sự bài bản và chuyên nghiệp. Ngành quảng cáo luôn đòi hỏi chuyên môn sâu, độ sáng tạo chuyên nghiệp, nhưng hầu hết những người làm quảng cáo đều không qua đào tạo, họ chỉ có độ nhiệt tình, vào làm đến đâu hay đến đó.

Mấy năm trở lại đây, VAA và một số trường đại học đã có những chương trình đào tạo ngành quảng cáo – truyền thông nhưng còn sơ khai. Trong khi đó, các nước có thị trường quảng cáo truyền thông phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhân sự của ngành kinh tế quan trọng này được đào tạo dài hạn, chuyên sâu.

Riêng đối với các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo (nhà quảng cáo) cần nắm bắt được sự thay đổi của người tiêu dùng để điều chỉnh cách thức và loại hình tiếp thị sao cho đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Công ty TNS Việt Nam, ngành bán lẻ đang thiệt hại nhiều nhất khi chỉ số lòng tin của người tiêu dùng tiếp tục sụt giảm (từ 68% năm 2012 xuống còn 56% năm 2013) khiến cho chi tiêu thực tế cũng giảm. Những lĩnh vực đang chịu đựng sự xói mòn lòng tin của người tiêu dùng là bất động sản, xây dựng, sản xuất công nghiệp, giải trí, ăn uống, hàng điện tử. Đây là căn cứ để nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo và nhà quảng cáo điều chỉnh chiến lược truyền thông phù hợp để vượt bão.

 

 

Anh Hoa
Anh Hoa