"Bâng Khuâng" dòng chảy vốn

(ĐTCK-online) Trong vòng 1 năm qua, TTCK thăng hoa đã "hút" một lượng tiền rất lớn từ thị trường tiền tệ. Người tiêu dùng bắt đầu có khuynh hướng đem tiền nhàn rỗi để mua cổ phiếu, thay vì chủ yếu chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi như trước khiến các nhà băng phải đau đầu với bài toán huy động vốn. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, lãi suất tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh theo chiều hướng tăng dần.
Nhà đầu tư bắt đầu có sự tính toán lại nguồn tiền để chọn kênh bỏ vốn có lợi nhất Nhà đầu tư bắt đầu có sự tính toán lại nguồn tiền để chọn kênh bỏ vốn có lợi nhất

Nếu như hồi đầu năm 2006, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại các ngân hàng cổ phần cao nhất là 0,65%/tháng thì hiện nay, mức lãi suất này đã được nâng lên thành 0,75%/tháng. Thậm chí, một số ngân hàng còn nâng lên mức trên 0,8%/tháng, kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn vốn huy động của các nhà băng trong những tháng đầu năm vẫn không mấy khả quan. Đặc biệt là đối với vốn huy động bằng USD, hiện các ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu về ngoại tệ này đang tăng nhanh của doanh nghiệp. Trong vòng chưa đầy 1 tháng đã có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động USD. Điều này không đi theo quy luật trước đây là các ngân hàng chỉ tăng lãi suất trước hoặc sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất cơ bản của đồng USD (sau nhiều lần họp, hiện FED vẫn giữ nguyên mức 5,25%/năm). Nguyên nhân chính dẫn đến việc các ngân hàng gặp khó khăn trong huy động vốn là nguồn tiền đã được nhà đầu tư dồn hết vào TTCK, trong đó nhiều người đã rút tiết kiệm để mua cổ phiếu.

Đến thời điểm này, TTCK vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhất là những cổ phiếu  giao dịch trên thị trường OTC. Nhà đầu tư bắt đầu có sự tính toán lại nguồn tiền để chọn kênh bỏ vốn có lợi nhất. Trước đây, khi có tiền nhàn rỗi người tiêu dùng thường gửi ngân hàng, một phần bỏ vào thị trường vàng. Riêng bất động sản, sau khi thị trường này đóng băng thì nhà đầu tư không còn mấy mặn mà.

Hiện nay, mối quan tâm đến thị trường vàng đã giảm mạnh, kể cả khi giá vàng xuống là cơ hội cho họ kiếm lời, bởi theo lý giải của giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM thì hiện giá vàng trên thị trường thế giới liên tục biến động, nhà đầu tư khó dự đoán được tình hình giá cả. Mặt khác, giá vàng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: chính trị, giá dầu, USD… nên đòi hỏi nhà đầu tư phải có sự theo dõi, phân tích về diễn biến của các nhân tố tác động này thì mới có thể hạn chế phần nào rủi ro. Điều này có nghĩa, thị trường vàng hiện chỉ phù hợp với các nhà đầu tư chuyên nghiệp có vốn lớn. Với bất động sản, hiện vẫn chưa thu hút nhà đầu tư bỏ vốn trở lại, mặc dù thị trường này đã có dấu hiệu khởi sắc.

Còn với tiết kiệm, trong thời gian này khi TTCK đang khiến các nhà đầu tư nản lòng, liệu nguồn tiền có chảy ngược về ngân hàng? Ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBANK) cho biết, về lý thuyết thì khi chứng khoán xuống giá, tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư sẽ được gửi vào ngân hàng. Nhưng trên thị trường hiện nay, ngoài ngân hàng còn có nhiều kênh bỏ vốn khác như: góp vốn đầu tư, đầu tư vào trái phiếu, bất động sản, vàng… Tuy nhiên, có thể một phần tiền của nhà đầu tư từ việc bán cổ phiếu sẽ được đưa trở lại ngân hàng, nếu trước đó nhà đầu tư đã rút tiết kiệm để mua chứng khoán. Còn với những nhà đầu tư chứng khoán bằng vốn vay thì khi thanh lý chứng khoán, họ sẽ dành để trả nợ.

Tuy nhiên, phó giám đốc một ngân hàng cho rằng, cũng không loại trừ trường hợp trong thời điểm giá chứng khoán xuống như hiện nay, nhiều người thấy cơ hội mua vào tốt nên đã rút tiết kiệm để mua cổ phiếu. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là nguồn tiền sẽ chảy hết vào TTCK. Vì có người mua thì có người bán và khi người mua rút tiết kiệm để gom cổ phiếu, người bán sẽ đem vốn gửi vào ngân hàng, nếu họ không phải chịu áp lực từ vốn vay.

Theo ông này, trước đây khi TTCK chưa phát triển, để huy động được lượng tiền nhàn rỗi từ trong dân, các ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Kể từ khi TTCK phát triển, nhiều người đã đem tiền nhàn rỗi đầu tư vào chứng khoán. Điều này cho thấy, TTCK phát triển sẽ tạo kênh huy động vốn tích cực để phát triển nền kinh tế. Và khi TTCK thu hút được nhiều người tham gia, ngân hàng cũng sẽ được lợi, bởi theo quy định mới thì các CTCK phải gửi lượng tiền đầu tư chứng khoán của khách hàng vào ngân hàng. Như vậy, dù TTCK có sụt giảm hay không thì ngân hàng vẫn có thể sử dụng một phần nguồn vốn này.

Thu Vân
Thu Vân

Tin cùng chuyên mục