Bảng điện tử hai sàn, cần theo một kiểu

(ĐTCK) Hiện nay, giữa hai sở GDCK, còn có sự khác nhau rất nhiều trong việc trình bày thông tin trên bảng giao dịch điện tử và trên website. Điều này đã gây khó khăn, bất tiện nhất định cho NĐT.  
Việc thống nhất công bố thông tin giữa hai Sở sẽ giúp nhà đầu tư dễ theo dõi hơn Việc thống nhất công bố thông tin giữa hai Sở sẽ giúp nhà đầu tư dễ theo dõi hơn

Trước hết, theo tôi, hai Sở GDCK cần thống nhất nguyên tắc thực hiện giao dịch khớp lệnh liên tục. Bởi lẽ, việc HOSE đang thực hiện khớp lệnh hỗn hợp, mở đầu là khớp lệnh giới hạn, rồi chuyển sang khớp lệnh liên tục, rồi chuyển sang khớp lệnh giới hạn gây ra tình trạng lộn xộn.

Thứ hai, cần thống nhất cách hiển thị thông tin trên bảng điện tử của hai Sở. Với phần thông tin giao dịch của NĐT nước ngoài, nên thống nhất theo HNX là có ba cột (Room, mua và bán). Trên bảng điện tử của HOSE hiện có cột Room và cột mua nhưng lại không có cột bán.

Trên bảng điện tử của HOSE, giá cổ phiếu tăng giảm được tính bằng đơn vị %, trong khi bảng điện tử của HNX được tính bằng “đồng”. Việc tính bằng đơn vị  “đồng” giúp NĐT có cái nhìn cụ thể hơn, rõ ràng hơn về những thay đổi của giá cổ phiếu. Hơn nữa, màu sắc hiển thị tăng, giảm (xanh, đỏ) trên bảng điện tử của HNX rõ ràng hơn, lại còn thêm chữ CE khi tăng trần, FL khi giảm sàn. Bảng điện tử của HOSE nên hiển thị theo cách này.

Bên cạnh đó, HOSE viết thiếu ba số “0” tại giá cổ phiếu và giá trị giao dịch các cổ phiếu. Ví dụ, giá cổ phiếu STB là 19.000 đồng/CP nhưng chỉ viết 19,00. Giá trị giao dịch của cổ phiếu STB là 22.685.792.000 đồng, nhưng lại chỉ viết 22.685.792. Theo tôi, giá cổ phiếu và giá trị giao dịch của mỗi cổ phiếu trên HOSE nên được viết đầy đủ như HNX. Bảng điện tử của HNX nên bổ sung thêm phần thông tin giao dịch thỏa thuận, giống như của HOSE.

Thứ ba, cần thống nhất cách trình bày các thông tin giao dịch trên website của 2 Sở. NĐT rất cần tra cứu thông tin trên trang web của cả hai Sở để kịp thời nắm được kết quả GDCK trong ngày, không thể chờ bản tin của hai Sở được phát hành hôm sau, mặc dù một số CTCK như CTCK Sài Gòn luôn phát không cho NĐT những bản tin này.

Khi tra cứu thông tin về kết quả giao dịch của HNX trên trang web của Sở, chỉ cần một trang là có thể tìm thấy tất cả các chỉ số cần thiết (HNX Index, số lượng và giá trị giao dịch thị trường) và kết quả giao dịch của tất cả các cổ phiếu. Trong khi đó, để tìm hiểu kết quả giao dịch của HOSE, phải truy cập vào 2 trang, mục. Các con số trên website của HOSE cũng vẫn thiếu các con số 0 giống như bảng điện tử, một tỷ thì viết thành 1 triệu… Thiết nghĩ, HOSE nên thay đổi mô hình thiết kế về kết quả giao dịch trên website của Sở, theo hướng như HNX để tiện cho việc tra cứu của NĐT.

Riêng mục “NĐT nước ngoài” trên website của HOSE đã đưa ra được những thông tin rõ ràng hơn, chi tiết hơn so với HNX. Thông tin trên HNX thường là con số tổng hợp trong  một khoảng thời gian nào đo, chứ không phải là con số kết quả giao dịch trong ngày nên HNX cần có sự cải tiến, học tập HOSE.

Lê Tịnh
Lê Tịnh