Bảng điện du ký

(ĐTCK)Là bảng điện chứng khoán, thần hộ mệnh của em là những mũi tên xanh đỏ. Mất mũi tên xanh đỏ thì em chỉ là hàng đồng nát không hơn!
Bảng điện du ký

 Mình mua được cái nhà bé tí hin ở xóm bụi. Chọn khu này một phần vì giá đất rẻ, nhưng cái chính là dân xóm dễ tính, bạn bè đến nhà tụ bạ đêm hôm thoải mái.

Ở cuối xóm có cửa hàng đồng nát, thỉnh thoảng rỗi việc ra ngắm cái đống thượng vàng hạ cám cũng là một trải nghiệm tao nhã!

Cuối năm, dân tình dọn dẹp nhà cửa đón Xuân nên dân lông gà lông vịt kiếm bộn. Mới sớm, ngó ra đã thấy một đống thù lù. Chỗ này quạt cháy, máy bơm. Chỗ kia tủ lạnh, nồi cơm, bàn là… Ơ kìa, sao có cái bảng điện còn mới thế kia mà đã đem bán đồng nát rồi. Kinh tế suy thoái, đến cả quán xá cũng phải thanh lý bảng điện cơ à?

Chị đồng nát thẽ thọt:

- Chả phải quán xá đâu chú ạ. Sáng nay tôi dạo dàng trên phố. Thấy có chú bảo vệ cái công ty chứng khoán gì đấy chạy ra gọi vào...

- Vô lý, cổ phiếu đồng nát cũng chả đến lượt nhà chị. Không lẽ họ đi lượm guốc dép của bà con để bán chác?

Bỗng nghe có tiếng khàn khàn, ngạt ngạt như người viêm xoang kinh niên cất lên:

- Thế bác không tính đến em à?

Tháng củ mật. Phải cảnh giác với bọn nhận quen, nhận thân này. Thế cậu là ai?

- Em là cái bảng điện từ những ngày đầu sàn chứng sáng đèn đây.

À ra thế. Đúng là ngày đầu khai sàn, dân chứng cũng nghèo nên Tập đoàn Chinfon đã tặng cho sàn TP. HCM một cái bảng điện. Khổ cái là khi treo lên nó lại không tương thích công nghệ. Sau khi sang Thái mua thêm cái nữa thì cái ở nhà lại sửa được. Có công ty chứng khoán hồi đó cũng túng nên mượn về treo tạm. Nhiều lúc ngồi tẩn mẩn nghĩ, chả hiểu cái bảng điện ngày ấy đi đâu về đâu? Hóa ra bây giờ mới biết nó đi đây về đây. Nhưng sao lại thảm thế này hả bảng điện?

- Thì người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Sàn vắng tanh. Vài ba nhà đầu tư vò đầu bứt tai, thỉnh thoảng lại ném vào bọn em những đôi mắt mang hình viên đạn.

- Đời có nhiều loại bảng lắm, anh tự nhận mình thuộc loại nào?

Bảng tin sinh ra dành cho các thông báo, bảng đen phấn trắng dành cho học trò, bảng vàng dành cho kẻ đỗ đạt… Còn bảng điện chúng em chỉ sống khi có điện.

- Tưởng gì. Điện đóm ở đất này chỉ mỗi tội đắt thôi, chứ không thiếu.

Ấy thế mà vẫn có người rút điện đấy ạ. Ngày trước sàn vàng có kẻ rút điện vì dân đầu tư đông quá. Còn em giờ bị rút điện vì sáng mỗi mình nó cũng vô duyên. Mà chẳng riêng phận em mới long đong thế này. Bạn bè bảng điện nhiều đứa còn mới nguyên mà vẫn chơi với gián, chuột kia kìa.

Này bảng điện, chắc anh là “dân ngụ cư” nên mới lo lắng hẳn?

Thì đúng là em đến từ phương trời xa xôi. Thuở ban đầu cũng giúp cho đời chút lợi ích và được người người săn đón. Thế nhưng, còn duyên kẻ đón người đưa bác ạ!

Nhưng duyên thì cũng phải thể hiện ra chứ, suốt ngày duyên thầm, tiềm năng, hấp dẫn… Thiên hạ như con chim dính mũi tên, khó tin lắm?

Em cũng khác gì con chim, chỉ biết đến các mũi tên xanh đỏ thôi. Còn cái việc “múa bên trăng, trắng bên mua” hay là ngược lại thì em gái góa làm sao lo được chuyện triều đình…

Hay nhỉ. Anh chỉ biết lên lên xuống xuống, lãi lãi lỗ lỗ thôi à? Cũng phải chia sẻ khó khăn với xã hội chứ.

Thần tình yêu quanh năm cũng chỉ có mỗi mũi tên đi bắn hết người này người khác mà có thấy ai vặn vẹo gì đâu. Tại sao cứ lúc nào xấu trời lại đòi hỏi bọn em phải gánh vác, phải hy sinh!

Thì các anh còn trẻ, còn phải phấn đấu, còn phải đóng góp…

Thì cũng phải có sức mới đóng góp được chứ…

Thôi, cô đơn giữa bụi sàn như anh chắc cũng có nhiều điều để chiêm nghiệm?

Thôi thì, “gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Tiền nhà đầu tư bay theo gió, còn mình em ở lại với những cơn giận dữ… Hết thời rồi em lại về xóm bụi nhà các bác. Cuộc đời lúc thịnh, lúc suy. Lúc cưỡi bạch mã, lúc phi mèo mù mà!

Sao lại chóng nản thế? Tình yêu chứng khoán trong anh… mất điện rồi à?

Cũng là một loại không tương thích với công nghệ mới thôi. Chuyện bình thường mà.

Tôi nghe anh nói mà cái mặt não nuột chẳng bình thường tí nào. Có ẩn ức gì thì cứ trình bày xem?

Em lỗi mốt từ lâu rồi. Cũng như chiếc áo quá chật mặc cho lũ trẻ đang lớn thồi thồi. Người ta thiết kế ra nó khi không có đủ vải.

Đang chuyện chứng lại chuyển sang áo quần. Áo cũ rồi thì phải thay, phải sửa chứ?

Nhưng chết cái là người ta vẫn thấy rằng nó vừa, rồi khoác chúng cho những đứa trẻ đang trưởng thành với niềm tin rằng đây là chiếc áo tốt nhất có thể có được.

Thế bọn trẻ không nói gì à?

Khi lựa chọn chỉ là mặc hoặc không mặc thì chẳng khác chi không có lựa chọn nào. Ác cái là phần đông bọn trẻ tin mình được mặc một chiếc áo vừa vặn. Cũng bởi các thợ may bảo như thế. Bọn trẻ ngại thay đổi, có thể chúng nghĩ rằng một chiếc áo rộng hơn là chưa cần thiết, hoặc mình chưa có điều kiện để mặc.

Cũng phải. Khi chưa có quần áo mới, quần áo cũ dù chật người ta vẫn mặc, bởi không thể ở trần.

Tôi kể anh nghe chuyện này. Có một quả trứng đại bàng được ấp và nở ra trong một đàn gà. Nó luôn nghĩ mình là gà. Một ngày nọ, nó nhìn thấy một con đại bàng dang rộng đôi cánh trên bầu trời. “Thật tuyệt vời!” - nó thốt lên. “Tất nhiên, đó là đại bàng, chúa tể của loài chim. Nhưng ta không thể được như vậy đâu, đừng bao giờ nghĩ về điều đó!” - một con gà khác nói. Và thế là con đại bàng sống và chết như một con gà! Còn em, em vui vẻ ra đi để cái mới, cái hợp lý thế chỗ…

Sao lại thế được, anh là chứng nhân của lịch sử. Vị trí của anh bây giờ đáng lẽ phải kê cao gối mà ngủ trong nhà bảo tàng chứng khoán rồi mới phải.

Thì lý ra là thế. Nhưng khoảng lùi chưa đủ. Em là đồ cũ chưa phải đồ cổ.

Sao bỗng dưng lại nỗi niềm thế?

Nói ra thì chuyện dài lắm. Tóm lại, là bảng điện chứng khoán, thần hộ mệnh của em là những mũi tên xanh đỏ. Mất mũi tên xanh đỏ thì em chỉ là hàng đồng nát không hơn. Mà lúc nãy bác nói là chứng nhân cũng chẳng sai là mấy. Chỉ có điều em hầu như là chứng nhân cho cho những cuộc tình dang dở…

Thôi, nói chuyện buồn mãi làm gì. Có gì vui vui chuyện sàn, chuyện đời, kể ra cho ngày cuối năm đỡ cô quạnh.

Có chuyện này chả vui, nhưng mà ngẫu nhiên đến lạ. Ngồi ở góc sàn, chẳng có chuyện gì nên em cũng hay quan sát. Có một anh lên sàn sau khi rủng rỉnh tiền bán đất. Nghe anh ấy nói chuyện thì cả làng anh ấy sôi lên vì chứng. Dân làng gặp nhau thay vì chào “Năm nay bác cấy mấy sào?” hay “lúa tốt không bác?”, thì họ chào nhau “hôm nay thằng nào lên sàn đới bác ôi?”. Chỉ hơn 1 năm sau, nghe thấy bà con chỉ trỏ, rằng anh ấy đã là một đại gia trên sàn chứng khoán.

Chuyện bình thường mà?

Lạ cái là hôm nay, ngồi trên gánh đồng nát đi qua quán rượu lòng, em nhìn đích thị anh ấy ngà ngà say, giơ cao tờ giấy ăn rồi thả xuống, nhìn tờ giấy ăn tròng trành và nói  “rơi, rơi, rơi”. Khi tờ giấy vừa chạm đất, anh gằn giọng: “Bắt đáy, bắt đáy”.

Chị đồng nát đi xa rồi, em vẫn nghe văng vẳng  “rơi, rơi, rơi… bắt đáy”. Nghe thấy thế em lại rạo rực, rạo rực…, nhớ về cái ngày sum vầy ấm êm.

*******

Dân đồng nát cuối năm kiếm khẳm thật. Mới đó mà đã thêm một xe thượng vàng hạ cám về tập kết. Lẫn trong tiếng loảng xoảng, lanh canh, mình vẫn nghe văng vẳng giọng hát khàn khàn, ngạt ngạt như người viêm xoang kinh niên: “Mười năm không gặp, hình như anh đã… Mây bay bao năm tưởng tình đã qua…”. Đống đồng nát ngày càng to dần, to dần. Còn lời hát nhỏ dần, nhỏ dần, rồi tắt ngấm!     

Trọng Hiếu
Trọng Hiếu

Tin cùng chuyên mục