Bancassurance Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển đổi lớn

(ĐTCK) “Với độ chín của thị trường và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, trong vài năm tới, tỷ lệ đóng góp của kênh bancassurance Việt Nam sẽ tương đương với các nước láng giềng và ước tính nằm trong khoảng 40% tổng doanh thu ngành bảo hiểm”, ông Jude Gomes, Giám đốc Bộ phận Dịch vụ bảo hiểm qua kênh hợp tác ngân hàng của Manulife Việt Nam chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán.
Techcombank và Manulife Việt Nam ký hợp đồng độc quyền bancassurance 15 năm Techcombank và Manulife Việt Nam ký hợp đồng độc quyền bancassurance 15 năm

Ông nhận xét như thế nào về quan hệ đối tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay?

Thị trường bancassurance Việt Nam đang chứng kiến một sự chuyển đổi lớn. Chúng tôi nhận thấy những thay đổi đáng kể trong cách thức hợp tác của cả ngân hàng và công ty bảo hiểm, từ việc giải quyết các thách thức về cơ sở hạ tầng đến việc đưa ra đề xuất phù hợp, trau dồi năng lực, đào tạo kĩ năng cho nhân viên ngân hàng để cùng nhau phát triển về dài hạn.

Phải thừa nhận rằng, trong hai năm qua, kênh bancassurance tại Việt Nam đã ghi nhận những bước phát triển vượt bậc, trở thành kênh phân phối quan trọng thứ hai trong thị trường bảo hiểm, sau kênh đại lý truyền thống.

Bancassurance Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển đổi lớn ảnh 1

Ông Jude Gomes

Trong đó, các ngân hàng những năm gần đây đã bắt đầu đưa bảo hiểm vào danh mục các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của mình và xem bancassurance là một yếu tố cấu thành thu nhập phí thuần từ các dịch vụ thu phí của họ.

Với tình hình phát triển tài chính hiện nay, xu thế hợp tác cũng vì thế trở nên phổ biến hơn với bằng chứng từ kênh bancassurance, đặc biệt là hình thức hợp tác độc quyền, đem lại lợi ích về tài chính rõ ràng hơn.

Với sự phát triển như hiện nay, liệu bancassurance Việt Nam có thể đuổi kịp các nước trong khu vực?

Ở Việt Nam, mặc dù còn tương đối mới, nhưng hình thức phân phối bảo hiểm qua ngân hàng rõ ràng đang lớn mạnh trong những năm qua và điều này cho thấy một tiềm năng rất lớn.

Tại các thị trường châu Á như Thái Lan, Indonesia, Singapore và Hồng Kông, đóng góp của bancassurance dao động từ 30 - 50% tổng doanh thu ngành bảo hiểm. Còn tại Việt Nam, doanh thu từ hoạt động bancasurance đã tăng từ 1% năm 2013 lên tới mức ước tính khoảng 10% vào năm 2017.

Với những yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi, độ “chín” của thị trường và hỗ trợ của cơ quan quản lý, trong vài năm tới, tỷ lệ đóng góp của kênh này sẽ tương đương với các nước láng giềng và ước tính nằm trong khoảng 40% tổng doanh thu ngành bảo hiểm.

Điều này cho thấy thị trường Việt Nam đầy tiềm năng cho kênh bancassurance. Kênh phân phối này chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, giúp gia tăng giá trị cho các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và quan trọng nhất là khách hàng.

Việc thay đổi, sắp xếp lại của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian qua có ảnh hưởng đến sự hợp tác bancassurance về lâu về dài không, theo ông?

Ngành ngân hàng Việt Nam vẫn còn trẻ nhưng có tỷ lệ tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực. Điều này dẫn đến một số thách thức tất yếu cho ngành. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã rất chủ động trong việc xây dựng một lộ trình cho ngành ngân hàng để tăng cường tính hiệu quả và cạnh tranh. Theo thời gian, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến sự hợp nhất và hoạt động hiệu quả hơn.

Với chế độ lãi suất cao cách đây vài năm, bancassurance được xem là sản phẩm ưa chuộng. Tuy nhiên, với sự suy giảm của thu nhập lãi thuần (NII), các ngân hàng buộc phải nhìn vào cơ hội để nâng cao thu nhập từ phí. Và với những thay đổi như vậy, chúng tôi dự đoán sẽ có các ngân hàng lớn hơn và mạnh hơn, thúc đẩy ngành ngân hàng bán lẻ và từ đó cung cấp bộ sản phẩm hoàn chỉnh hơn bao gồm việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm.

Quan trọng hơn, bancassurance không chỉ đơn giản là một sản phẩm ngắn hạn, mà là một xu hướng phát triển lâu dài cho sự chín muồi của thị trường ngân hàng. Kết quả là, bất chấp những thay đổi trong bức tranh ngành ngân hàng, sự phát triển của bancassurance sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của ngân hàng.

Tại Manulife, việc lựa chọn đối tác ngân hàng luôn cực kỳ thận trọng, tuy nhiên sự cẩn thận này liệu có khiến Manulife khó chọn được đối tác ngân hàng phù hợp hay không?

Chiến lược của chúng tôi là kết hợp chặt chẽ với một số lượng đối tác nhất định, từ đó xây dựng một nền tảng bền vững và các mô hình hợp tác kinh doanh phù hợp, cùng nhau đạt được những cột mốc quan trọng và từ đó mở rộng quy mô hợp tác.

Như đã đề cập, nói đến bancassurance là nói đến sự đồng thuận về tầm nhìn, giá trị và phương thức quản lý cũng như hướng tiếp cận hòa hợp cùng một cam kết dài hạn đến từ cả phía ngân hàng và công ty bảo hiểm. Do đó, Manulife Việt Nam luôn chọn các đối tác ngân hàng cùng chia sẻ chung với chúng tôi một tầm nhìn và mục tiêu, cam kết dài hạn.

Với các tiêu chí như vậy, Manulife mất khá nhiều thời gian để chọn được một đối tác ngân hàng thích hợp. Tuy nhiên, lựa chọn các đối tác tốt nhất là nền tảng đảm bảo cho sự thành công bền vững cho cả đôi bên. Và thật sự, chúng tôi đã tìm được những đối tác phù hợp, tạo nên những chuẩn mực mới trong ngành bancassurance, giúp Manulife trở thành công ty đứng đầu về kênh phân phối này tại thị trường Việt Nam.

Ngọc Lan thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục