Bancassurance, tài chính và câu hỏi chất lượng dịch vụ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhìn vào số liệu được công bố sẽ lý giải được nguyên nhân bancassurance được xem là“gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng, song để thị trường này phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho các bên thì cũng cần những động thái quyết liệt hơn…
Bancassurance, tài chính và câu hỏi chất lượng dịch vụ

Các thương vụ “khủng” nối tiếp

Trong tháng 3/2022, VPBank đã tái đàm phán thành công hợp đồng bancassurance với AIA Việt Nam, mà theo dự đoán của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, giá trị khoản phí tái đàm phán có thể lên tới 8.000 tỷ đồng, cao hơn con số của giới thạo tin đưa ra là khoảng 7.500 tỷ đồng (bao gồm cả khoản phí ký năm 2017 và khoản phí tái đàm phán này).

Được biết, trong quý I/2022, VPBank dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành với con số ước tính khoảng 11.000 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ năm trước và lãnh đạo Ngân hàng thừa nhận là “nhờ ghi nhận đầy đủ phí trả trước từ hợp đồng bancassurance với AIA Việt Nam.

Còn đầu năm 2022, mở hàng trong lĩnh vực bancassurance là thương vụ Agribank và FWD Việt Nam chính thức bắt tay hợp tác sau thời gian dài tìm hiểu. Hai bên cùng nhau triển khai kinh doanh và chưa đề cập tới phần phí trả trước.

Thời điểm kết thúc năm 2021 là văn bản thỏa thuận ký kết và có hiệu lực kể từ ngày 29/12/2021. Theo đó, Manulife Việt Nam chính thức trở thành nhà phân phối độc quyền các giải pháp bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng của VietinBank. Thương vụ này cũng được giới thạo tin cho biết có phí trả trước ước tính bằng một nửa thương vụ của Vietcombank với FWD Việt Nam.

Cũng trong thời gian này, Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam đã ký kết nâng tầm hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền trên cơ sở hợp tác đã được hai bên thiết lập từ 4 năm trước.

Trước nữa, có thể kể đến hợp đồng bảo hiểm độc quyền 15 năm giữa MSB và Prudential, mà theo tính toán của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), có thể đem về ngay 3.500 tỷ đồng phí trả trước cho MSB trong năm 2021, bên cạnh nguồn thu mới trong những năm tới.

Đến thời điểm hiện tại, thương vụ bancassurance có giá trị cao nhất tại Việt Nam được thị trường ghi nhận là giữa Vietcombank và FWD Việt Nam với con số ước tính khoảng 9.200 tỷ đồng, tiếp theo là thương vụ của ACB và Sunlife Việt Nam với khoảng 8.400 tỷ đồng.

Không chỉ là những khoản phí trả trước “khủng”, sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ này cũng lý giải vì sao đây là “gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng. Đơn cử, lãnh đạo ACB cho biết, trong quý I/2022, thu nhập ngoài lãi đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, phân phối bảo hiểm qua kênh bancassurance dẫn đầu thị trường.

Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank cho hay, Ngân hàng đang tích cực đàm phán với các đối tác vì trong tháng 5/2022 hợp đồng hợp tác bảo hiểm giữa LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam sẽ kết thúc. Nếu mọi việc thuận lợi, việc đàm phán có thể kết thúc trong tháng 6 và khi hợp đồng được triển khai sẽ giúp lợi nhuận năm 2022 của Ngân hàng chuyển biến lớn.

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của LientVietPostBank đạt hơn 888 tỷ đồng, trong đó phí phát sinh mới là 620 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020, đưa Ngân hàng lên vị trí thứ 11 về doanh thu phí mới trong tổng số 34 ngân hàng đang triển khai mảng này. Đặc biệt, trong tháng 12/2021, LienVietPostBank bứt phá với doanh số cao nhất trong 5 năm triển khai và lọt Top 7 toàn thị trường.

“Bancassurance đang trở thành một mũi nhọn trong chiến lược bán lẻ của LienVietPostBank, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng gần 40% của thu thuần dịch vụ và 50% của lợi nhuận trước thuế năm qua”, ông Sơn thông tin thêm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, thu từ mảng bảo hiểm đóng góp gần 300 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận 5.519 tỷ đồng trước thuế trong năm 2021.

Năm 2021, VIB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt gần 15.000 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ phí của các dịch vụ như bancassurance và thẻ đóng góp gần 20%.

Là một trong số hiếm hoi ngân hàng chưa ký hợp đồng độc quyền bảo hiểm, nhưng theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank, ngân hàng này đã nằm trong Top 5 về doanh số bán chéo bảo hiểm nhân thọ năm 2021 và đang hướng đến vị trí cao hơn trong năm 2022.

Được biết, HDBank thành lập khối ngân hàng - bảo hiểm vào tháng 10/2020 và đến tháng 12/2021, tức chỉ hơn 1 năm sau, doanh thu phí bảo hiểm đã nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường. Bà Thảo cho biết, tuy chưa chọn được đối tác nhưng với mạng lưới hiện tại, HDBank có thể thu về khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Để tất cả “cùng thắng”

Theo thống kê mới nhất tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam (được tính bằng tổng phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP năm 2020) ở mức 1,6%, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân trên thế giới là 3,3% cũng như một số quốc gia trong khu vực như Malaysia 4%, Thái Lan 3,4%... Theo đó, việc tiếp cận và hợp tác với các ngân hàng triển khai hoạt động bancassurance được khuyến nghị cần đẩy mạnh hơn nữa để cải thiện mức độ bao phủ bảo hiểm tại Việt Nam.

Mặt khác, dù bancassurance đang mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng, khách hàng và công ty bảo hiểm, nhưng hoạt động này cũng đã xuất hiện những mặt trái. Chẳng hạn, để thuyết phục ngân hàng chấp nhận làm đối tác phân phối độc quyền, một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẵn sàng chia hoa hồng lên tới 20% doanh thu, cao hơn nhiều so với hoa đồng cho đại lý và chiếm hơn 90% định mức chi phí cần thiết cho các phòng kinh doanh khu vực. Điều này vô hình trung khiến đội ngũ nhân viên ngân hàng bị cuốn vào “vòng xoáy” bán bảo hiểm mà “quên mất” nghiệp vụ chính của mình.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ dữ liệu khách hàng giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm trong nhiều trường hợp cũng bị hạn chế bởi những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu dữ liệu của khách hàng. Ngoài ra, còn có khả năng xảy ra xung đột lợi ích giữa các sản phẩm khác của ngân hàng và chính sách bảo hiểm có thể khiến khách hàng nhầm lẫn về sản phẩm đầu tư.

Đặc biệt là quan ngại về việc nhiều hợp đồng bảo hiểm có khả năng bị hủy sau năm đầu do thuộc diện bị ép mua để vay được tiền, hay nói cách khác là những hợp đồng “ảo” được thực hiện không theo nhu cầu thực của khách hàng.

Để ngăn chặn tình trạng “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng, đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm túc quy định về kinh doanh bảo hiểm theo Văn bản 7928. Thống đốc NHNN cũng đã ra chỉ thị yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng.

Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản gửi các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó yêu cầu rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc mua bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về hoạt động đại lý cần có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo quy định tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan. Các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Trao đổi với Đặc san Ngân hàng 2022, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì “ép” khách hàng mua bảo hiểm bằng nhiều hình thức, các ngân hàng cần xây dựng chiến lược phân phối sản phẩm bancassurance trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá xu thế thị trường, đồng thời phân loại đối tượng khách hàng để cung cấp dịch vụ bảo hiểm “đo ni đóng giầy” cho từng đối tượng trên cơ sở nhu cầu, sở trường và thói quen của từng người.

“Minh bạch, rõ ràng thông tin để khách hàng vừa tiếp cận được các sản phẩm ngân hàng, vừa tiếp cận được các sản phẩm bảo hiểm. Bên cạnh cá nhân hóa sản phẩm tài chính, cần có bước đi thích hợp để số hóa hoạt động bancassurance và hoàn thiện bổ sung các quy định về bảo mật thông tin, về bảo vệ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu khách hàng”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Trần Phương
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục