Bancassurance được quản lý song hành ở cấp Bộ
Dự thảo lần này được gọi là Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bởi ngoài sự tham gia của NHNN, đối tượng được xin ý kiến cũng được mở rộng hơn, bao gồm các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (DNBH); các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Theo đó, Bộ Tài chính và NHNN sẽ là 2 cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm soạn thảo và tham gia quản lý giám sát. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ giám sát quản lý các DNBH trong hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ qua TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; còn NHNN chịu trách nhiệm giám sát, quản lý nhà nước đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hoạt động đại lý bảo hiểm cho DNBH.
Về chế độ báo cáo, định kỳ hàng quý, ngoài các báo cáo theo quy định hiện hành, DNBH phải nộp cho Bộ Tài chính báo cáo tình hình triển khai hoạt động bancassurance, trong khi ngân hàng phải nộp báo cáo này cho NHNN. Qua đó, cả Bộ Tài chính và NHNN đều kiểm soát được các thông số liên quan đến tổng doanh thu phí, hoa hồng, cùng các khoản chi/nhận khác với mỗi một đơn vị ký hợp tác bancassurance (với DNBH hay với TCTD).
Ngân hàng trong vai “đại lý được ủy quyền”
Liên quan đến các nội dung trong Dự thảo Thông tư, một số DNBH cũng như ngân hàng đều cho rằng, về cơ bản, Dự thảo Thông tư đã tương đối hoàn thiện, bổ sung những điểm còn thiếu trong dự thảo trước đó (được đưa ra lấy ý kiến vào tháng 8 năm ngoái).
Chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Tiến Việt, Trưởng bộ phận Pháp chế và kiểm soát tuân thủ, Công ty Bảo hiểm VietinAviva, đơn vị chỉ có một kênh bán hàng duy nhất là qua ngân hàng cho biết, dự thảo thông tư mới nhất đã bổ sung khá nhiều điểm mà trước đó VietinAviva đã tham gia đóng góp ý kiến, mang lại sự thuận tiện cho các bên (cả ngân hàng và DN bảo hiểm) trong quá trình triển khai hợp tác.
Tuy nhiên, điểm mà giới quan sát trông đợi trong dự thảo lần này là quy định chi tiết về sự hợp tác giữa 2 bên ngân hàng - DNBH trong việc thiết kế sản phẩm lại bị bỏ hẳn (quy định này đã được đưa ra trong dự thảo lần đầu dù chưa được rõ ràng).
Theo đó, Dự thảo mới chỉ quy định, hoạt động đại lý bancassurance bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động sau: giới thiệu khách hàng, chào bán bảo hiểm, thu xếp việc giao kết hợp đồng, thu phí bảo hiểm, thu xếp giải quyết trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm và thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Ngân hàng đảm nhận phần việc theo sự ủy quyền của DNBH trong các hoạt động trên.
Theo chuyên viên phụ trách bancassurance tại một ngân hàng lớn, việc Dự thảo Thông tư không đưa quy định chi tiết về thiết kế chung một sản phẩm cũng là điều dễ hiểu, bởi thông tư này chỉ quy định hướng dẫn hoạt động bancassurance, chứ không bao trùm hết các hoạt động hợp tác của hai bên. Hơn nữa, việc cho ra đời một sản phẩm chung còn phải xem xét đến nhiều yếu tố liên quan quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên. Điều này các bên có thể tự thỏa thuận riêng với nhau.
Ngoài ra, Dự thảo Thông tư cũng đưa ra quy định: “Phía ngân hàng có nghĩa vụ giải thích rõ cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được phân phối thông qua ngân hàng không phải là sản phẩm của ngân hàng, không mang tính bắt buộc và không tạo bất kỳ điều kiện ưu đãi/thuận lợi nào để ngân hàng quyết định cung cấp các dịch vụ; ngân hàng không chịu trách nhiệm bảo đảm về việc thanh toán quyền lợi bảo hiểm”.
Với quy định rõ ràng trách nhiệm cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan quản lý, thị trường kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển mới cho bancassurance, mang lại cho ngân hàng một nguồn thu bền vững và an toàn, thay vì chỉ dựa vào hoạt động tín dụng vốn nhiều rủi ro.
>>ABIC phát triển bancassurance tại ĐBSCL
>>Doanh thu từ bancassurance của Manulife vượt gấp 3 lần cùng kỳ