Bancassurance "quyết" thứ hạng thị phần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Về cơ bản, dẫn dắt sự tăng trưởng của thị trường nhân thọ trong năm 2021 vẫn là các doanh nghiệp có thị phần lớn nhất với đòn bẩy chủ lực là những hợp đồng bancassurance độc quyền.
Bán bảo hiểm qua ngân hàng mang lại nguồn doanh thu lớn cho các doanh nghiệp nhân thọ. Ảnh: Lê Toàn Bán bảo hiểm qua ngân hàng mang lại nguồn doanh thu lớn cho các doanh nghiệp nhân thọ. Ảnh: Lê Toàn

Ở nhóm doanh nghiệp có thị phần lớn nhất, không thể phủ nhận khả năng duy trì đà tăng trưởng cao của Manulife Việt Nam và điều này trở nên ấn tượng hơn khi sự tăng trưởng còn đến từ kênh đại lý với mức tăng khoảng 6% tính đến hết tháng 11/2021, trong khi hầu hết công ty bảo hiểm đều ghi nhận sự suy giảm doanh thu ở kênh này do ảnh hưởng dịch, bên cạnh kênh chủ lực là bán qua ngân hàng (bancassurance).

Với sự tăng trưởng ở tất cả các kênh, doanh thu phí mới của Manulife Việt Nam đạt gần 8.000 tỷ đồng tính đến tháng 11/2021 - vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại trong nhóm thị phần cao nhất (theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm) và tự tin nắm chắc vị trí số 1 thị trường về khai thác mới trong năm 2021. Thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm có lẽ cũng không nằm ngoài tầm tay của nhà bảo hiểm này khi thương vụ mua lại Aviva Việt Nam đã được Bộ Tài chính thông qua bước cuối cùng và việc triển khai bán bảo hiểm qua VietinBank được đẩy mạnh với bản hợp đồng độc quyền kéo dài trong 16 năm.

Prudential, hãng bảo hiểm từng nắm giữ vị trí số 1 về doanh thu phí bảo hiểm của khối nhân thọ cũng bắt đầu tăng trưởng trở lại, đặc biệt ở kênh bancassurance khi đạt hơn 2.500 tỷ đồng doanh thu tính đến tháng 11/2021 - mức cao nhất thị trường. Prudential hiện đang hợp tác độc quyền với 7 ngân hàng gồm VIB, MSB, SeAbank, PVcomBank, Shinhan, Standard Chartered và UOB.

Sự bứt phá liên tục trong hơn 1 năm qua của Dai-ichi Life Việt Nam cũng giúp hãng bảo hiểm này trở lại “đường đua” và bancassurance chính là “đòn bẩy” chủ lực khi chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu đạt 45% chỉ trong 11 tháng của năm 2021 - tốc độ tăng cao nhất về bancassurance trong nhóm doanh nghiệp có thị phần dẫn đầu thị trường. Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, tính đến tháng 11/2021, Dai-ichi Life vượt qua cả Prudential lẫn Bảo Việt về thị phần khai thác mới và chỉ đứng sau Manulife.

Ngoài các đối tác ngân hàng độc quyền như SHB, Sacombank, LienVietPostBank…, Dai-ichi Life Việt Nam còn nhiều kênh phân phối mạnh khác như bán bảo hiểm qua hệ thống bưu điện Việt Nam cũng như độc quyền khai thác bảo hiểm nhân thọ qua hệ thống của Mai Linh.

Ở nhóm doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Sun Life Việt Nam với mức tăng phí mới lên tới gần 300% tính đến tháng 11/2021, hay động thái mạnh tay đầu tư hợp tác độc quyền với một loạt ngân hàng của FWD Việt Nam, bên cạnh sự ổn định của MB Ageas ở cả 2 kênh đại lý và bancassurance… cũng là những điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2021.

Với Sun Life Việt Nam, hãng bảo hiểm này vừa bổ nhiệm Tổng giám đốc (CEO) mới là ông Luc Nhon Ly - một cái tên quen thuộc trong giới CEO bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Là người giàu kinh nghiệm và am hiểu thị trường, vị tân CEO này hứa hẹn sẽ mang tới “luồng gió mới” cho Sun Life Việt Nam trong năm 2022 cũng như những năm tới.

Năm 2021, thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn tăng trưởng, nhưng không phải công ty nào cũng hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Dịch bệnh kéo dài là yếu tố bất khả kháng cản trở doanh nghiệp trong năm qua, nhưng cũng là yếu tố làm thay đổi nhanh chóng nhận thức của người dân về bảo vệ sức khỏe, khiến nhu cầu tăng cao mùa dịch. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng “chuyển mình” khá nhanh để thích ứng với bối cảnh mới, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Chính vì vậy, sau 2 năm đối phó với dịch bệnh, các hãng bảo hiểm đều đã sẵn sàng đối mặt với những thử thách mới, từng bước thúc đẩy tăng trưởng doanh thu phí mới không chỉ từ những kênh bán mới như kênh trực tuyến, sàn thương mại điện tử, hệ thống bưu điện… hay bancassurance, mà còn từ kênh truyền thống như đại lý.

Theo các chuyên gia, với bối cảnh hiện tại, thị trường nhân thọ Việt Nam sẽ khó có thể trở lại “thời hoàng kim” với mức tăng trưởng bình quân trên 30%/năm như những năm trước, nhưng khả năng đạt mức tăng 2 con số trong năm 2022 là khả thi.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục