Bancassurance, ngân hàng ngoại vào cuộc

(ĐTCK) Không chỉ các ngân hàng nội địa vốn có quan hệ và thị phần trên nhiều vùng miền cả nước mới bắt tay với công ty bảo hiểm để triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), lĩnh vực này cũng đang được các ngân hàng ngoại để mắt tới, bởi nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Bancassurance, ngân hàng ngoại vào cuộc

Bancassurance, ngân hàng ngoại vào cuộc ảnh 1Không ít ngân hàng nội địa đã triển khai hoạt động mạnh mẽ bancassurance

 

Ngày 17/10 vừa qua, Citibank chính thức thông báo về việc hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ với Công ty Bảo hiểm Chartis Việt Nam, một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới. Cụ thể, Citibank cùng Chartis sẽ mang đến cho khách hàng Việt Nam những sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp quốc tế, bao gồm Bảo hiểm xe ô tô, Bảo hiểm nhà và Bảo hiểm thẻ, giúp khách hàng bảo vệ bản thân, gia đình và tài sản. Điểm đặc biệt là các sản phẩm này được thiết kế dành riêng cho khách hàng của Citibank.

Đồng thời, ANZ và AIA Việt Nam cũng vừa bắt tay đưa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ “An Lộc Phát” vào thị trường. Theo đó, sản phẩm được phân phối độc quyền thông qua hệ thống các văn phòng giao dịch và các chi nhánh của ANZ trên phạm vi toàn quốc và dự tính chỉ mở bán trong vòng 6 tuần, từ ngày 15/10/2012 đến ngày 23/11/2012. Trước đó, ANZ và AIA cũng đã phối hợp triển khai “An Phát trọn đời”.

Thực tế đã cho thấy, khi mảng tín dụng gặp nhiều khó khăn, bancassurance đã hỗ trợ ngân hàng tăng doanh thu từ dịch vụ với nguồn ổn định và ít rủi ro. Vài năm gần đây, cuộc đua bancassurance trở nên nóng hơn khi nhiều ngân hàng cần đến sự bù đắp từ loại hình này trong bối cảnh mảng kinh doanh chính đang có sự cạnh tranh lớn, đặc biệt là chính sách giới hạn tăng trưởng thấp trong năm 2011 và 2012 của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát. Chính vì vậy, không ít ngân hàng nội địa đã triển khai hoạt động này mạnh mẽ như Techcombank, Maritime Bank hay thậm chí cả TienPhong Bank, một ngân hàng trẻ ra đời năm 2008... Có những DN bảo hiểm đã liên kết với 6 ngân hàng để triển khai bán sản phẩm.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận, dù nhìn thấy những lợi ích của bancassurance, nhưng vẫn còn khá nhiều ngân hàng trong nước chậm trễ trong việc chiếm lĩnh thị phần bởi nhiều lý do: việc chia sẻ dữ liệu và hệ thống giữa hai đơn vị đòi hỏi thời gian và sự tin tưởng lẫn nhau; ngân hàng hợp tác với công ty bảo hiểm còn gặp khó khăn do kênh đại lý vẫn chiếm ưu thế…

“Nhưng điều đó không có nghĩa các ngân hàng nội địa bỏ qua thị trường này mà đang từng bước thâm nhập, bởi nếu không đầu tư đón đầu thì các ngân hàng và công ty bảo hiểm sẽ lỡ cơ hội”, tổng giám đốc một NHTM nói.

Ông Nguyễn Lâm Hoàng, Giám đốc Khối Ngân hàng cá nhân TienPhong Bank thẳng thắn, các ngân hàng trong nước cần đánh giá được tiềm năng của thị trường và các cơ hội bán chéo thông qua bancassurance. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nguồn lực (cả nhân sự và hệ thống) đủ sức cạnh tranh khi tham gia thị trường. Đặc biệt, cùng chung sức trong việc truyền tải thông tin, giúp khách hàng làm quen với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nói chung, cũng như sản phẩm bancasurance nói riêng.

Mặc dù công nhận sẽ có rất nhiều lợi ích của bancassurance mang đến cho ngân hàng, công ty bảo hiểm và khách hàng nhưng ông Hoàng cũng khuyến nghị khách hàng, chủ thể chính của sản phẩm cần chú ý: thứ nhất, hiểu rõ các điều khoản, điều kiện, loại bảo hiểm; thứ hai, hỏi kỹ nhân viên ngân hàng tư vấn, bán sản phẩm bảo hiểm về quyền lợi, phí, cách thức để nhận quyền lợi bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm... Đồng thời, dù có sự kết hợp đào tạo giữa ngân hàng và DN bảo hiểm, nhưng sự hiểu biết của đa số nhân viên ngân hàng với các sản phẩm bảo hiểm không thể bằng các đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên công ty bảo hiểm. Do đó, khách hàng cần nghiên cứu kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng.        

Hà An
Hà An

Tin cùng chuyên mục