Bán vốn nhà nước, nhìn từ câu chuyện Vinamilk

(ĐTCK) Kinh nghiệm thành công của đợt bán vốn tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã CK: VNM) vừa qua kỳ vọng tiếp tục được phát huy cho các đợt chào bán sắp tới của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Số tiền thu về từ đợt bán đấu giá 48,3 triệu cổ phiếu VNM của SCIC vượt gần 2.000 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu  Số tiền thu về từ đợt bán đấu giá 48,3 triệu cổ phiếu VNM của SCIC vượt gần 2.000 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu

Theo giới phân tích, đợt bán vốn VNM vừa qua được đánh giá khá thành công khi giá trị mà SCIC thu về vượt gần 2.000 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.

Nhà đầu tư đã chi bạo gần 9.000 tỷ đồng để ẵm trọn hơn 48,3 triệu cổ phiếu VNM tại buổi bán đấu giá 3,33% vốn cổ phần Vinamilk của SCIC vừa qua là một cái tên nằm ngoài dự đoán của nhiều người.

Đó là Platinum Victory, công ty con của Tập đoàn Singapore Jardinr Cycle&Carriage (JC&C). JC&C là đơn vị thành viên của Tập đoàn đầu tư đa ngành Jardine Matheson, có trụ sở tại Hồng Kông.

Được biết, JC&C đã đầu tư vào thị trường Việt Nam từ chục năm nay, hiện đang sở hữu 25% cổ phần của CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) và 23% cổ phần của CTCP Cơ điện lạnh (REE).

Cùng với Platinum Victory, 10 tổ chức trong nước và nước ngoài, 8 nhà đầu tư cá nhân tham gia đợt chào bán cổ phần VNM của SCIC. Để đợt đấu giá cổ phần có lượng lớn nhà đầu tư tham dự như vậy, không thể không kể đến vai trò của đơn vị tư vấn thương vụ.

Dù không tiết lộ về chi phí tư vấn, nhưng có thể thấy SCIC đã khá “mạnh tay” trong việc thuê các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước. Điều này giúp khả năng tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng của SCIC được mở rộng.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đơn vị tham gia tư vấn thương vụ cho biết, thành công của đợt thoái vốn này là đã tìm đúng, tìm nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư hoàn toàn mới với thị trường Việt Nam. Khi có nhiều nhà đầu tư tham gia bỏ giá, họ sẽ phải cân nhắc bỏ giá cao để trúng.

Số nhà đầu tư tham gia đợt đấu giá cổ phiếu VNM lần này tăng đáng kể so với đợt bán 9% vốn VNM của SCIC vào cuối năm ngoái, khi chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia đấu giá.

Nhìn vào cách tiếp cận của SCIC trong đợt bán vốn VNM lần 2, có thể thấy có một sự chuyển hướng rõ rệt. Trong đợt 1, SCIC tổ chức roadshow cho các nhà đầu tư khu vực châu Âu với kết quả không mấy khả quan thì đợt 2 này, SCIC đã chuyển hướng sang nhà đầu tư tại khu vực châu Á, cụ thể là Singapore và Hồng Kông, thu hút hơn 35 nhà đầu tư tham dự.

Trong vài năm trở lại đây, nhà đầu tư từ những khu vực này bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến các doanh nghiệp và thị trường Việt Nam, thể hiện qua dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đổ vào mạnh mẽ.

Hồng Kông đang xếp thứ 6 trong Top 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn FDI vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đầu tư 17,6 tỷ USD cho 1.239 dự án. Do đó, đây là khu vực có nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Kết quả cũng cho thấy nhà đầu tư trúng giá đến từ khu vực này. Điều này cho thấy việc tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu, giúp SCIC không chỉ bán hết lượng cổ phần VNM, mà còn bán được với giá cao.

Tất nhiên, để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá, mức giá khởi điểm đưa ra cũng phải đủ hấp dẫn. Vì giá khởi điểm là mức giá tối thiểu, nếu mức giá tối thiểu này quá cao so với giá thị trường, nhà đầu tư sẽ e ngại. Kinh nghiệm từ đợt 1 thoái vốn VNM của SCIC cho thấy, mức giá khởi điểm cao khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn mua qua sàn hơn là tham gia đợt đấu giá.

Người mua và người bán có những phương pháp định giá riêng, bởi họ đều là những nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, do đó, vấn đề là ai chấp nhận giá của ai. Và khi đó chất lượng hàng hóa sẽ là yếu tố được xem xét. VNM có lợi thế nổi trội là doanh nghiệp hàng đầu về quy mô và tốc độ tăng trưởng trên thị trường sữa Việt Nam và có tiềm năng tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sắp tới trong danh mục thoái vốn của SCIC như NTP, BMP, DMC, VCG lại có những câu chuyện riêng nên để “bán được hàng” công tác thị trường phải được quan tâm đặc biệt hơn. Đánh giá về các doanh nghiệp trong danh mục thoái vốn của SCIC sắp tới, một chuyên gia cho rằng, chất lượng hàng hóa rất khác nhau, vì vậy, lựa chọn mức giá thể nào để thu hút nhà đầu tư, SCIC và các đơn vị tư vấn sẽ phải cân nhắc nhiều. 

Mặt khác, để tăng hiệu quả bán vốn, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ quan điểm nên áp dụng phương pháp dựng sổ, bởi đây được cho là một trong những phương pháp công bằng nhất đối với nhà đầu tư. Tuy vậy, trong bối cảnh pháp lý cho phương pháp này tại Việt Nam chưa rõ ràng thì áp dụng kinh nghiệm thành công của các đợt thoái vốn VNM vừa qua là một trong những gợi ý để SCIC tiếp tục triển khai trong các đợt bán vốn sắp tới.            

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục