Vướng mắc nhất là giá bán
Tại hội thảo “Đổi mới cơ chế chính sách tài chính, hỗ trợ tái cơ cấu DNNN” do Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 31/5, ông Đinh Quang Trị, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nêu lên những vướng mắc mà EVN đang gặp phải trong vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Trong bối cảnh TTCK giảm sút như hiện nay, việc thoái vốn đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, cổ phiếu bán ra không có ai mua, hoặc có người mua nhưng phải chấp nhận giảm giá xuống thấp hơn so với giá trị sổ sách hoặc thấp hơn mệnh giá. Điều này đi ngược với nguyên tắc “thoái vốn nhưng không được mất vốn”.
Điều 37, 38 và 39 Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP đều quy định: “giá bán không được thấp hơn giá khởi điểm”. Trong khi đó, tất cả các mức giá khởi điểm đều được các cơ quan có thẩm quyền xác định là “không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/CP”.
Theo ông Tri, nếu vì thoái vốn mà bị truy tố, phạt tù thì không một lãnh đạo DNNN nào dám quyết định thoái vốn. Ông Tri cho rằng, Nhà nước cần phải xác định rõ DN nào hoạt động không hiệu quả thì phải giải quyết, cổ phần hóa không được thì bán luôn. Nhà nước bị lỗ một chút còn hơn để lâu, có khi mất cả vốn. Giải thể DN sẽ tạo cơ hội cho các DN tư nhân vào chiếm lĩnh thị trường, có khả năng thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.
Ở một khía cạnh khác, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nêu ra vấn đề định giá DN. Khi đánh giá lại DN là đánh giá giá trị tài sản và nguồn vốn, việc đánh giá này được xác định theo nguyên giá hay đánh giá lại toàn bộ? Sau khi đánh giá lại, giá trị có thể tăng lên mà cũng có thể giảm đi, vậy phần nguồn lực bị giảm đi đó thì Nhà nước có chấp nhận không? Khi đánh giá hiệu quả DN hoặc khi bố trí ngân sách, kế hoạch hàng năm cho DN có tính dự phòng cho việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức DN hay không?
Cần một cái nhìn toàn diện
Đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nêu quan điểm, nguyên tắc thoái vốn phải theo cơ chế thị trường và đảm bảo hiệu quả cao nhất. Hiệu quả ở đây không chỉ hiểu một cách đơn thuần, mà phải được hiểu một cách toàn diện.
“Trong kinh doanh, chúng ta phải chấp nhận rủi ro. Mua 10 cũng có thể chấp nhận bán 9 để có vốn ngay đầu tư vào ngành kinh doanh chính, như thế ít nhất có thể giải quyết được vấn đề lãi vay ngân hàng. Hay như việc hôm nay thoái vốn lỗ 10, nhưng để ngày mai thoái vốn sẽ lỗ 20, thì việc thoái vốn sớm mà giảm được mức độ thiệt hại cũng được coi là hiệu quả”, ông Hiếu nói.
Quan điểm trên nhận được sự ủng hộ của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại. Ông Tuyển nhận xét, việc đầu tư nên nhìn dài hạn, chứ không thể nhìn ngắn hạn. Việc DNNN bán lỗ cho các DN khác mà họ có thể kinh doanh tốt, đóng thuế vào ngân sách nhà nước, cung cấp sản phẩm cho xã hội, thì chỉ một vài năm, những đóng góp đó cũng có thể bù đắp phần lỗ của Nhà nước, thay vì hàng năm, Nhà nước cứ phải gánh lỗ cho DN. Cho nên, vấn đề hiệu quả ở đây nên được đánh giá là hiệu quả cho toàn xã hội, chứ không chỉ hiệu quả cho Nhà nước.
Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến đồng quan điểm của các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Các đơn vị này kỳ vọng, những vướng mắc nêu trên sẽ sớm được tháo gỡ bằng một văn bản pháp lý, để DN hoàn thành kế hoạch thoái vốn theo đúng lộ trình mà Nhà nước đã đề ra.