Tuần qua, thị trường ghi nhận tuần tăng trọn vẹn của VN-Index với việc chỉ số này liên tiếp thiết lập đỉnh mới 10 năm, hiện đã ngấp nghé mốc 820 điểm nhờ sự hỗ trợ của nhóm vốn hóa lớn. Đà tăng của thị trường liệu có được duy trì trong tuần tới không, theo các ông/bà?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Thị trường phân hóa mạnh, nhưng không phải giữa nhóm vốn hóa lớn và phần còn lại, mà theo tôi, sự phân hóa xảy ra trong tất cả các phân khúc.
Các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn thì luân phiên tăng giá để hỗ trợ cho VN-Index, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình phân hóa theo kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý III, còn một số cổ phiếu đầu cơ thị giá thấp thì tăng theo dòng tiền.
Về mặt kỹ thuật, tôi cho rằng, VN-Index có thể tiếp tục xu hướng tăng trong tuần tới và kịch bản phân hóa như hiện tại vẫn sẽ xảy ra.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới, CTCK Agriseco
Theo thống kê của tôi, thì thị trường thường tăng điểm tích cực trong 3 tuần đầu của quý công bố kết quả kinh doanh. Như vậy, khả năng thị trường sẽ có thêm 1 tuần giao dịch tích cực trước khi những thông tin chính thức về lợi nhuận doanh nghiệp được công bố.
Áp lực rung lắc sẽ xuất hiện khi gặp hiện tượng "tin ra là bán", nhưng tôi cho rằng, không đáng lo ngại do phía trước vẫn còn quý IV đầy lạc quan.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kimeng
Thị trường tăng điểm mạnh mẽ nhưng số lượng mã giảm nhiều phiên áp đảo mã tăng trong bối cảnh thanh khoản đứng ở mức thấp của năm 2017 (vẫn cao hơn các năm trước) nhờ các bluechip vốn hóa lớn hỗ trợ.
Ông Phan Dũng Khánh
Với đà hỗ trợ của nhóm này nên xu hướng của thị trường vẫn sẽ là xu hướng tăng ít nhất trong ngắn hạn bất chấp độ rộng của thị trường đang bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, các thông tin kinh tế vĩ mô liên tục tốt lên và nhiều doanh nghiệp cũng đang chạy đà cuối năm để hoàn thành kế hoạch kinh doanh nên thị trường vẫn sẽ được hỗ trợ.
“Ăn theo” thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán ghi nhận giao dịch khá tích cực trong thời gian vừa qua. Tuy vậy, một số CTCK đã bắt đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư đang nắm giữ các cổ phiếu ngành chứng khoán cần thận trọng do một số tín hiệu quay trở lại vùng tích lũy. Ông/bà đánh giá như thế nào về rủi ro và cơ hội đối với nhóm cổ phiếu này?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Các cổ phiếu chứng khoán được kỳ vọng là sẽ có kết quả kinh doanh tốt trong quý III nói riêng và 2017 nói chung. Tuy nhiên, mức độ tốt sẽ là khác nhau đối với mỗi công ty và khi bóc tách bản chất lợi nhuận thì định giá của mỗi công ty cũng sẽ có những mức hấp dẫn khác nhau. Điều đó cũng tạo ra sự phân hóa trong chính các cổ phiếu chứng khoán trên thị trường.
Hiện tại, tôi thấy một số cổ phiếu vẫn có sự tăng trưởng tốt, thậm chí có xác lập mức giá cao mới như VCI. Nhìn chung, tôi vẫn giữ một sự lạc quan cho các cổ phiếu tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng cho giai đoạn cuối 2017, đầu năm 2018.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới, CTCK Agriseco
Dòng chứng khoán thường chạy sau thị trường, vì vậy sẽ đóng vai trò của "chốt chặn" giữ nhịp thị trường.
Bà Nguyễn Ngọc Lan
Như dự báo phía trên, tôi cho rằng, dòng chứng khoán nói riêng và thị trường nói chung sẽ vẫn duy trì được giao dịch tích cực trong tuần tới, tuy nhiên khó tạo ra sự đột biến.
Cũng cần lưu ý là hầu hết các công ty chứng khoán đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm chỉ sau nửa đầu năm, vì vậy khả năng kết quả kinh doanh quý III sẽ không quá cao do vẫn còn nhiều "của để dành" cho các năm tới.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kimeng
Nhiều cổ phiếu chứng khoán sau giai đoạn tăng mạnh đầu năm đã có sự sụt giảm trong 1-2 tháng. Theo quan sát dòng tiền, nhóm cổ phiếu này dù có sự phục hồi nhưng dòng tiền không "nhiệt tình" như giai đoạn đầu năm trừ một số mã như SHS.
Vì vậy, khả năng tăng mạnh là không nhiều, mặc dù vậy nhờ thị trường chứng khoán đang đà đi lên và dòng tiền cũng chưa rời khỏi nhóm này, nên rủi ro đầu tư vào nhóm này là thấp, nhưng để lướt sóng ngắn hạn khó có thể có được lợi nhuận vượt trội mà nên nắm giữ trung hạn.
Sự phân hóa giữa các ngành và cổ phiếu càng gây khó cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn cổ phiếu tốt đã tăng giá mạnh trong thời gian qua hay chọn cổ phiếu vẫn đang “dậm chân tại chỗ”. Ở góc độ đầu tư, ông bà chọn chiến lược nào?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Tôi cho rằng, các cổ phiếu tăng giá (không tính nhóm penny thị giá thấp) đa phần là những cổ phiếu có những yếu tố hỗ trợ tích cực về mặt cơ bản, đã và đang thu hút được dòng tiền và chúng vẫn còn khả năng tăng giá theo thị trường chung.
Ông Vũ Minh Đức
Đây là những cổ phiếu dễ lựa chọn, tuy nhiên mức lợi nhuận kỳ vọng trong ngắn hạn sẽ không còn quá hấp dẫn và nhà đầu tư cũng không nên mua đuổi theo giá. Còn đối với những "cổ phiếu dậm chân tại chỗ", đòi hỏi nhà đầu tư phải có sự nghiên cứu và sàng lọc, vì mặc dù đa phần những cổ phiếu thuộc nhóm này không có yếu tố cơ bản đủ hấp dẫn để gây sự chú ý cho thị trường, đâu đó vẫn còn một số mã có sự chuyển biến tốt về kết quả kinh doanh mà tạm bị lãng quên như trường hợp tại SJS, EVE, SMC trong những phiên gần đây.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới, CTCK Agriseco
Quan điểm đầu tư của tôi thì mua cổ phiếu đã tăng giá hoặc mua cổ phiếu "dậm chân tại chỗ" tùy thuộc vào giá trị nội tai của doanh nghiệp và sự chuyển biến về kết quả kinh doanh. Khi xét tới mức độ tăng giá của cổ phiếu chưa tương xứng với tăng trưởng lợi nhuận thì việc tiếp tục mua là hợp lý.
Ngược lại, những cổ phiếu "nặng mông" ì ạch nhưng không có sự chuyển biến kết quả kinh doanh thì mua vào cũng không có nhiều cơ hội. Tôi đang chú ý tới nhóm cổ phiếu ngành thép, ngành ngân hàng. Mặc dù giá cổ phiếu đã chạy được 1 chặng, nhưng vẫn rất tiềm năng với với kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ cải thiện mạnh trong cuối năm.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kimeng
Nên chọn một chiến lược thứ ba vì cổ phiếu đang tăng giá mạnh vẫn có mã có thể tăng nữa, nhưng sẽ có mã sắp dừng lại và những cổ phiếu "dậm chân tại chỗ" có thể quay lên, nhưng có mã sẽ tìm đến những đáy thấp hơn.
Vì thế, cần phân tích cẩn trọng, chọn lựa những mã đang có dấu hiệu dòng tiền quay lại (với những mã "dậm chân") và dòng tiền vẫn đang duy trì (với những mã vẫn đang đà tăng giá). Chiến lược như thế sẽ phù hợp hơn với rủi ro thấp hơn đồng thời giúp nhà đầu tư kiểm soát được danh mục đầu tư của mình.