Bàn tròn chứng khoán: Sóng tăng sẽ đến sớm hơn mọi năm?

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này, các chuyên gia cho rằng, với nhiều yếu tố hỗ trợ, đợt sóng cuối năm trong năm nay sẽ đến sớm hơn mọi năm và việc nhiều cố phiếu bị bán mạnh do tâm lý hay call margin chính là cơ hội bắt đáy.
Bàn tròn chứng khoán: Sóng tăng sẽ đến sớm hơn mọi năm?

Thị trường đang chịu sự chi phối rất mạnh mẽ của các cổ phiếu LargeCaps, nên dù VN-Index vẫn tăng điểm, nhưng đa số cổ phiếu vẫn giảm giá. Liệu xu hướng này còn tiếp diễn đến khi nào, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phóng Phân tích, CTCK IVS

Nhìn nhận về xu hướng chung trong nhiều năm trở lại đây, thì thị trường thường tạo đỉnh giai đoạn tháng 8, tháng 9 và sau đó điều chỉnh đến cuối năm. Năm nay “có vẻ” như điều đó đang ngược lại xu hướng và chỉ số VN-Index đã tiến đến mốc đỉnh cao nhất.

Tuy nhiên, khi nhìn vào diễn biến của từng cổ phiếu tôi lại thấy rằng, hầu hết các cổ phiếu đều tạo đỉnh giai đoạn cuối tháng 9 và đang quá trình điều chỉnh. Điều đó cho thấy, thị trường thực tế đang điều chỉnh nhưng bị che lấp bởi sự tăng - giảm của nhóm LargeCap.

Xét về thời gian (timing) thì mới chỉ hơn 1 tháng chưa đủ cho một nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên, thời gian vừa qua tốc độ giảm đã diễn ra nhanh hơn cho thấy điểm đáy đang đâu đó. Nhưng để thực sự tạo đáy, thường thị trường sẽ có những diễn biến khá trầm lắng và thanh khoản sụt giảm mạnh. Điều này thị trường chưa hình thành và cần những phiên tăng giảm mạnh như vừa qua mới xác nhận được.

Có nghĩa, sau những nhịp giảm mạnh, bắt đáy hồi phục rồi lại giảm và sau đó hình thành vùng giá đáy. Như vậy, ít nhất cũng phải đến cuối tháng 11 và điều này khá phù hợp bởi giai đoạn này chưa có nhiều thong tin hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Trong khoảng 2 tháng qua, chỉ số VN-Index đã có bước tiến rất dài, tăng gần 100 điểm và đặc biệt là tuần qua, chỉ số đã nhảy múa liên tục với biên độ dao động rất lớn. Tất cả đều do sự tác động chính của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Bàn tròn chứng khoán: Sóng tăng sẽ đến sớm hơn mọi năm? ảnh 1

 Ông Nguyễn Hồng Khanh

Tôi thống kê thấy rằng, thị trường tăng gần 100 điểm đều đến từ nhóm trụ, nhất là Top 6 cổ phiếu ROS, SAB, BHN, VIC, MSN và MWG với mức tăng trung bình 44%. Trong khi đó, nhóm mid cap và penny thì lại giảm trung bình 2,5% trong 2 tháng qua.

Điều đó cho thấy, chỉ số chung của thị trường đang bị đẩy lên quá cao, nhưng ở một khía cạnh khác, thì giá của 90% cổ phiếu đang giao dịch trên sàn vẫn ở mức giá của VN-Index ở mức 760 điểm.

Tôi cho rằng, sau khi bị đẩy lên quá mức sẽ đến lúc nhóm bluechip đi chậm lại và nhường chỗ cho nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình, trong đó có khá nhiều cổ phiếu đang có mức định giá rẻ hơn trung bình thị trường.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt

Trong 2 tuần qua đúng là có chuyện xanh vỏ đỏ lòng, tức chỉ số tăng hoặc giảm nhẹ, còn nhiều cổ phiếu thì giảm giá mạnh và tài khoản nhà đầu tư thì bị “lõm”.

Ngoài ra, sự giảm giá dẫn đến 2 hậu quả xấu là (1) phân tích kỹ thuật cho tín hiệu bán, điều này khiến nhà đầu tư càng sợ hãi, càng bán và đà giảm giá càng mạnh hơn, và (2) kích hoạt margin call. Thực tế, tôi nghĩ tình trạng margin call đang diễn ra rồi.

Tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ, tức là chính đà giảm giá mạnh trong vài ngày qua đã khiến nhiều mã tiến đến vùng quá bán và lực bắt đáy sẽ mạnh lên. Điều này diễn ra ngay cả với nhóm LargeCap. Tất nhiên, khó có chuyện cổ phiếu quay ngay về vùng giá cũ, nhưng một khi nhà đầu tư nhận ra cầu tăng lên, họ sẽ bớt sợ hãi. Ngoài ra, tôi tin khối ngoại cũng sẽ đẩy mạnh mua ròng.

Tuần sau Việt Nam sẽ chính thức tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC. Đây là thông tin được dự báo sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán, thậm chí có thể nói đùa là “sóng APEC”, nhưng không phải vì thuyết âm mưu rằng ai đó muốn thị trường đẹp trong mắt quan khách trong những ngày này, mà vì sẽ có nhiều thương lượng lẫn giao kèo, ký kết được kỳ vọng có lợi cho kinh tế Việt nam, nhất là TPP11. Do đó, tôi nghĩ rằng, xu hướng giảm giá sẽ ngưng trong tuần sau.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt

Thị trường trong năm 2017 trải qua nhiều sắc thái, nếu như nửa đầu năm là đà tăng tổng hợp từ các mã vốn hóa lớn đến midcap cơ bản, giữa năm là sự bùng nổ của khá nhiều mã penny theo dòng tiền thì cuối năm chỉ là màn trình diễn của nhóm vốn hóa rất lớn. Tôi cho rằng, xu hướng này vẫn có thể tiếp diễn trong những tuần tiếp theo của tháng 11.

Phản ánh chung của thị trường trong tuần qua là các nhóm ngành đều trong xu hướng giảm giá, ngoại trừ một số mã "nóng", hay được thị trường ví von có sự "giật dây". Việc cẩn trọng với các quyết định cũng như đặt ra các tình huống là không thừa đối với nhà đầu tư. Ở giai đoạn được đánh giá là nhạy cảm như hiện tại, ông/bà sẽ chọn chiến lược nào?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phóng Phân tích, CTCK IVS

Như phần trên tôi đã giải thích, đây đang là giai đoạn cuối cùng của quá trình phân rã, nên sẽ có những phiên tăng - giảm với biên độ mạnh.

Bàn tròn chứng khoán: Sóng tăng sẽ đến sớm hơn mọi năm? ảnh 2

 Ông Nguyễn Hữu Bình

Tôi cho rằng, đây là giai đoạn mà rất nhiều nhà đầu tư đang có tâm lý bi quan và chán nản nên sẽ bán tháo cổ phiếu khiến giá giảm sâu và đó là cơ hội tốt mua gom cổ phiếu cho một giai đoạn mới. Nhưng việc liên tục xuất hiện những phiên biến động mạnh, nếu nhà đầu tư có thể trading – lướt sóng thì đó là cơ hội rất tốt.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS

Vừa qua, các báo cáo tài chính quý III công bố của các doanh nghiệp cho thấy, hoạt động chung của các doanh nghiệp vẫn khả quan và nếu so với cùng kỳ thì năm nay là năm ăn nên làm ra của phần lớn doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Có một kịch bản đặt ra là sau khi tiến một bước rất dài về mặt điểm số, những cổ phiếu top vốn hóa lớn sẽ hạ nhiệt và có thể ảnh hưởng đến chỉ số chung của thị trường trong ngắn hạn.

Cùng với hiệu ứng domino, thì những cổ phiếu còn lại cũng sẽ giảm theo và từ đó tạo nên một mặt bằng giá mới rẻ hơn. Đây là thời điểm nhà đầu tư bắt đầu đánh giá triển vọng sang năm của các doanh nghiệp và chờ đợi những phiên điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu tốt cho mục tiêu sang năm.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt

Tôi nghĩ rằng, không chỉ một số mã vốn hóa lớn đang được “giật dây”, mà ngay cả những mã giảm giá cũng bị “giật dây”. Tức là chuyện thao túng giá đang diễn ra trên rất nhiều mã.

Tất nhiên đây là quan điểm cá nhân và không có chứng cứ chắc chắn, nhưng cũng không thể bác bỏ, bởi nhiều mã có chỉ số tài chính cơ bản tốt, kết quả quý III vừa qua tăng trưởng tốt, định giá không hề cao (kể cả theo số dự phóng 2018 mà các công ty chứng khoán đưa ra), khối ngoại mua ròng…, nhưng tuần qua về chart lại cho thấy các tín hiệu của xu hướng giảm giá. Điều này sẽ khiến nhiều người bán cổ phiếu, với ý nghĩ sẽ mua lại khi giá xuống thấp hơn.

Chuyện cắt lỗ rồi mua lại về lý không sai, nhưng chỉ khi giá bắt đầu giảm. Còn giá giảm quá rồi, 20-30% mà vẫn cắt, thì không hiểu nổi. Nói về mặt hình ảnh, cách trade đó cũng giống như chuyện thả mồi bắt bóng, tức là khi bán, họ không nghĩ về mặt định giá cơ bản, mà chỉ nhìn mỗi khía cạnh kỹ thuật, trong khi khía cạnh này đội lái thừa sức thao túng.

Do đó, tôi nghĩ việc chọn “chiến lược” nào còn tùy thuộc nhà đầu tư thuộc dạng nào. Đối với những nhà đầu tư không chuyên, thích đánh ngắn, nhất là những người thường phải dựa vào môi giới để ra quyết định mua bán, thì nên bình tĩnh suy xét lại việc bán khi giá đã giảm nhiều quá. Về nguyên tắc, nếu đã bán để mua lại, thì nên bán ngay khi cổ phiếu vừa chạy đà giảm. Còn nếu cổ phiếu giảm 10-15% rồi, thì việc bán có khi đã quá muộn. Còn đối với những người đầu tư giá trị, thì với mỗi kỳ công bố báo cáo tài chính hàng quý, nên cập nhật phân tích về các mã mà mình đang nắm, và chỉ nên bán khi triển vọng công ty không còn tốt, hay định giá quá cao.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt

Do dòng tiền chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu tác động mạnh đến VN-Index và VN30, nên chiến lược đầu tư ngắn hạn nên xoay quanh các mã này, cũng như các hợp đồng tương lai kỳ hạn ngắn.

Bàn tròn chứng khoán: Sóng tăng sẽ đến sớm hơn mọi năm? ảnh 3

 Ông Vũ Minh Đức

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu cơ bản bị bán mạnh do hiệu ứng tâm lý hay giải chấp cũng là cơ hội bắt đáy ngắn hạn.

Có ý kiến cho rằng, thị trường trong phần còn lại của năm sẽ tiếp tục giữ nhịp về điểm số bởi một số cổ phiếu trụ được sử dụng luân phiên, nhưng các dòng cổ phiếu khác có thể sẽ sụt giá rất nhanh và xuất hiện các hiện tượng đứt gãy mạnh. Quan điểm của ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phóng Phân tích, CTCK IVS

Tôi lại có quan điểm hơi khác và lạc quan hơn. Theo đó, những biến động mạnh trong tháng 11 là cơ hội nhà đầu tư mua được cổ phiếu tốt với mức giá thấp. Đây cũng là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục cho một chu kỳ mới.

Theo xu hướng nhiều năm trở lại đây, sóng tăng thường sẽ hình thành cuối năm, sớm thì giữa tháng 12, muộn thì sang tháng 1 năm tới. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những diễn biến rất thuận lợi của kinh tế vĩ mô, tình hình thế giới và những câu chuyện năm 2018, thì tôi có dự cảm sóng tăng sẽ đến sớm hơn mọi năm và đó là điều bất ngờ.

Nhìn vào các kênh đầu tư, cho đến thời điểm này tôi vẫn cho rằng, duy nhất thị trường chứng khoán là kênh hấp dẫn số 1 và chắc chắn sẽ còn những nhịp tăng tích cực nữa. Nhà đầu tư không nên quá bi quan, hãy nhanh chóng cơ cấu lại danh mục theo hướng mới.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS

Ít nhất trong ngắn hạn dòng tiền của thị trường sẽ bị siết lại hơn khi nhiều công ty chứng khoán hạ các tỷ lệ margin để nâng vị thế an toàn. Những cổ phiếu đang gặp khó khăn về dòng tiền và tài chính chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng mạnh tuy nhiên đây chỉ là thiểu số.

Sẽ có nhiều đoạn đứt gãy mạnh ở những cổ phiếu nhỏ, vì vậy các nhà đầu tư ngắn hạn nên lưu ý và thu hẹp dòng tiền với những cổ phiếu này. Về mặt bằng chung, thị trường vẫn chưa có gì để quá lo lắng và nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt

Chuyện đó là có thể. Thị trường chứng khoán vẫn đang hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tín dụng và Chính phủ kiến tạo, tức là qua đó doanh nghiệp được hỗ trợ nhiều hơn để đạt đà tăng trưởng cao hơn. Khối ngoại vẫn sẽ tham gia tích cực trên thị trường ở góc độ mua ròng.

Bàn tròn chứng khoán: Sóng tăng sẽ đến sớm hơn mọi năm? ảnh 4

 Ông Hoàng Thạch Lân

Do đó, nhìn chung chỉ số sẽ còn có khả năng tăng. Lực đỡ chỉ số sẽ vấn đến từ nhóm largecaps, ví dụ như FPT hay GAS…, ngay cả khi ROS hay SAB quay đầu giảm.

Tuy nhiên, nhiều mã có thể biến động giá mạnh, bởi các yếu tố, ví dụ như (1) cổ phiếu đã tăng giá nhiều trong năm nay, nhưng dựa trên những kết quả tăng trưởng ảo trong hoạt động của doanh nghiệp, (2) yếu tố ngành gặp bất lợi, (3) khối ngoại bán ròng, (4) định giá quá cao nhưng nhà đầu tư do mải mê với các chỉ báo kỹ thuật mà bỏ quên.

Không thể quy đồng mẫu số cho mọi cổ phiếu, nhưng luôn có 1 nguyên tắc cơ bản trên sàn chứng là: Về dài hạn, giá cổ phiếu luôn quay về với các yếu tố cơ bản. Một năm qua, có nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh, nhưng không ít cổ phiếu cũng tạo lập “đáy của năm”, đó lại là một yếu tố hỗ trợ cho chính cổ phiếu đó.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt

Tôi không nghĩ là có sự đứt gãy mạnh mặc dù cho rằng, VN-Index sẽ có một đợt điều chỉnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xu hướng tăng trung hạn vẫn sẽ duy trì và các cổ phiếu cơ bản sẽ giảm về một điểm nhất định sẽ lấy lại sự cân bằng do mức định giá trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư trung hạn.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục