Bàn tròn chứng khoán năm mới: Dòng tiền sẽ đi tìm những mã mới?

(ĐTCK) Theo thống kê trong 10 năm vừa qua, lợi suất bình quân tháng 1 thị trường đạt 5,88%, đây cũng là mức cao nhất trong các tháng của năm, lợi suất tháng 2 đạt 2,14% cũng là mức cao trong năm. Cùng Báo Đầu tư chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.
Bàn tròn chứng khoán năm mới: Dòng tiền sẽ đi tìm những mã mới?

Diễn biến thị trường những ngày giáp Tết đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư khi ghi nhận nhiều phiên tăng điểm tích cực. Kịch bản lạc quan có tiếp tục duy trì ở những phiên giao dịch sau thời điểm nghỉ tết, khi mà thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp lập đỉnh cao mới?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS)
Những yếu tố lạc quan, kỳ vọng cho một đợt tăng trưởng mạnh thị trường sau kỳ nghỉ lễ có lẽ phải xem xét lại sau khi đợt bùng phát virus Corona tại Vũ Hán đang lan rộng đến toàn Trung Quốc và đã trực tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán toàn cầu trong những ngày qua.
Có thể nói rằng thị trường trong nước đã giảm bớt sự tác động tức thời do trùng ngay đúng kỳ nghỉ lễ tuy nhiên ngay sau khi giao dịch trở lại, sự phản ứng dù đã hạ nhiệt bớt nhưng cũng sẽ không còn lạc quan như trước.
Cho đến 29/2 chỉ có thị trường Mỹ, Nhật, Sing hồi phục trở lại trong khi thị trường Trung Quốc vẫn đang rơi rất sâu. Thị trường trong nước có thể chịu áp lực ngay trong 2 phiên đầu tiên giao dịch trở lại và hy vọng có thể ổn định trở lại nếu tình hình dịch cúm về mặt cơ bản khống chế được trong tuần tới. 

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Sau Tết đà tăng theo tôi vẫn duy trì khi sự hưng phấn trước Tết vẫn còn khi mà thanh khoản thấp, nhiều nhà đầu tư gần như nghỉ Tết sẽ cảm thấy bỏ lỡ cơ hội cũng nhưng tâm lý đầu năm mua hàng lấy may nhiều hơn là bán lấy may cũng sẽ hỗ trợ thị trường.

Tuy vậy, việc lập đỉnh cao mới hơi khó khi giá sẽ tiếp cận vùng 1.000 điểm mà cả năm 2019 thử thách liên tục mà cũng chỉ vượt được 2 lần và trụ vững được vài phiên rồi cũng đánh mất mốc này.

Do đó, với dòng tiền khá yếu như hiện nay thì việc tăng giá nhưng sự cải thiện sau Tết không đủ nhiều sẽ là rào cản để đạt được các mốc cao quan trọng như mốc 1.000.

Còn việc chứng khóa Mỹ dạo gần đây ít tác động tích cực đến trong nước khi CK Mỹ năm 2019 tăng gấp 3-4 lần chứng khoán Việt Nam và nhiều thời điểm Mỹ tăng nhưng sàn trong nước vẫn giảm.

Do đó, thị trường sẽ phụ thuộc vào dòng tiền hiện tại và sự hấp dẫn của thị trường để thu hút thêm dòng tiền mới hơn là sự hỗ trợ về tâm lý từ thị trường Mỹ vốn đã “mất linh nghiệm” như trước.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ nếu không có thông tin nào xấu thì chứng khoán Việt Nam vẫn tăng. Hiện tại đang là mùa công bố Báo cáo tài chính quý IV/2019, cổ phiếu các ngân hàng cũng như không ít mã vốn hóa lớn khác chạy cũng vì tác động từ kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Động lực tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua đến từ cả các yếu tố ngoại biên cũng như nội tại trong nước:

Đối với các yếu tố đến từ bên ngoài, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạm lắng cùng với những chính sách nới lỏng tiền tệ toàn cầu và xu hướng yếu đi của đồng USD đang tạo ra một môi trường đầu tư lý tưởng đối với cổ phiếu ở các nước mới nổi (EM), bao gồm Việt Nam. Thị trường đã bắt đầu nhìn thấy dòng vốn khối ngoại quay trở lại một cách mạnh mẽ.

Ở trong nước, điều kiện vĩ mô ổn định, giải ngân vốn đầu tư công hay công tác cổ phần hóa thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng sẽ tăng tốc, chính sách cắt giảm lãi suất điều hành hỗ trợ thị trường và các sản phẩm ETF mới đa dạng hơn đang tạo ra sự hấp dẫn riêng của thị trường.

Bàn tròn chứng khoán năm mới: Dòng tiền sẽ đi tìm những mã mới? ảnh 1

Ông Lê Anh Tùng.

Bên cạnh đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh vừa qua với hàng loạt các tên tuổi lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng, báo lãi vượt kỳ vọng cũng là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy đà tăng của chỉ số.

Các yếu tố tác động trên đều mang tính chất trung/dài hạn, bởi vậy tôi cho rằng mức độ tác động vẫn sẽ còn dư địa ảnh hưởng sau thời điểm nghỉ Tết và hỗ trợ thị trường giao dịch tích cực.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Thị trường trong nước đã có sự khởi đầu tháng đầu năm mới thuận lợi với 2/3 số phiên tăng điểm và đang được kỳ vọng sẽ về lại ngưỡng tâm lý 1.000 điểm sau kỳ nghỉ tết. Hỗ trợ xu hướng sắp tới là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2019 và  khối ngoại đang duy trì chuỗi mua ròng kể từ đầu năm cũng như “hiệu ứng tháng riêng”.

Theo thống kê trong 10 năm vừa qua, lợi suất bình quân tháng 1 thị trường đạt 5,88%, đây cũng là mức cao nhất trong các tháng của năm, lợi suất tháng 2 đạt 2,14% cũng là mức cao trong năm.

VN-Index đã vượt ngưỡng MA200 cho thấy đã bước vào uptrend. Thị trường đã có nhịp tăng rất tốt sau nhiều lần kiểm tra vùng hỗ trợ ở 950 điểm mặc dù thanh khoản kể từ đầu năm luôn ở mức thấp. Do vậy, trong kịch bản có rung lắc hay điều chỉnh sau kỳ nghỉ lễ cũng không đáng ngại do dòng tiền đứng ngoài đang chờ giải ngân.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Tháng đầu năm tâm lý chung thị trường thường khá hứng khởi và diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Giai đoạn sau tết khi các công ty lớn công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2019, theo tôi thị trường vẫn duy trì được sự hưng phấn cục bộ ở nhóm cổ phiếu có tin đồn đoán tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên tôi cũng lưu ý là thị trường đã tăng một mạch từ vùng 950 lên 990 điểm và chuẩn bị tiệm cận mức 1.000 điểm. Do vậy, áp lực chốt lời sẽ tăng lên đáng kể, đặc biệt khi mức tăng trên có vẻ không tương xứng với việc các mã lớn đã công bố lợi nhuận không ấn tượng như FPT, VCB, VPB,.. (lãi quý IV/2019 giảm hoặc tăng chậm so với cùng kỳ).

Dòng tiền vẫn tham gia thị trường ở mức vừa phải khi chưa có sự cải thiện thực sự đáng kể Một số cổ phiếu đã có dấu hiệu tạo đáy thành công hoặc bước vào giai đoạn tăng giá tốt, thậm chí vượt đỉnh như VCB, BID, CTG, DRC, PNJ, DGW…có tiếp tục là tâm điểm thu hút dòng tiền vào thị trường kỳ nghỉ, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS)

Trong bối cảnh kinh tế chung toàn cầu vẫn còn nhiều biến động và khó khăn thì ngay tại thị trường trong nước 2 nhóm ngành ngân hàng và bán lẻ vẫn được kỳ vọng giữ được nhịp tăng trưởng bên cạnh thêm nhóm ngành thép xây dựng.

Những cổ phiếu ngân hàng có chất lượng như VCB, CTG, BID, MBB, TCB, ACB, VPB, PNJ, MWG, HPG đều có câu chuyện riêng nhưng đều là những cổ phiếu có thể nắm giữ dài hạn. Qua câu chuyện cuối năm chúng ta lại thấy nổi lên một số ngành như ngành dược, y tế có thể gia tăng nhưng cũng còn quá sớm để có đánh giá chính xác vào thời điểm này.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Sau Tết nhóm này vẫn nhiều khả năng dẫn dắt khi nhiều dự báo cũng như các khuyến nghị và đặc biệt dòng tiền vẫn tập trung vào nhóm này chưa có dấu hiệu rút ra.

Do đó, nhóm này vẫn sẽ là bệ đỡ ngắn hạn cho thị trường những ngày sau Tết. Tuy vậy cần lưu ý nhóm ngân hàng có sóng quá dài rồi, nên xuất phát điểm ngày càng cao hơn, khả năng sinh lời có thể giảm bớt đi. Vì thế cần sự nổi lên của các nhóm ngành khác để giúp sự tăng trưởng của thị trường bền vững hơn.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ là tùy mã. Cổ phiếu ngân hàng, nhất là một vài ngân hàng lớn vừa qua tăng giá đột biến, nhưng sớm trở nên đắt đỏ. Lợi nhuận một số ngân hàng tăng đột biến vào quý IV/2019, nhưng theo cách nói của dân chơi chứng thì đã phản ánh vào giá.

Bàn tròn chứng khoán năm mới: Dòng tiền sẽ đi tìm những mã mới? ảnh 2

Ông Hoàng Thạch Lân.

Một số mã khác cũng vậy, định giá P/E trailing theo data mới nhất cũng không hề thấp. Hơn nữa đồ thị giá cổ phiếu tăng bốc đầu như vậy thì nhiều khả năng sau Tết sẽ diễn ra hiện tượng chốt lời, và dòng tiền sẽ đi tìm những mã mới, sắp công bố số liệu tăng trưởng quý IV/2019.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Việc dòng tiền suy yếu trước thời điểm nghỉ lễ Tết nguyên đán như ở thời điểm hiện tại là yếu tố mang tính chu kỳ và không gây nhiều bất ngờ.

Sau kỳ nghỉ lễ, thanh khoản thị trường được kỳ vọng sẽ được cải thiện đáng kể. Mặc dù vậy, cơ hội sẽ có phần “chắt lọc” hơn khi mà nhiều mã cổ phiếu tăng sốc trong thời gian vừa qua sẽ chịu áp lực chốt lời ngắn hạn do sự luân chuyển của dòng tiền.

Đặc biệt với nhóm ngân hàng có thể rơi vào tình trạng “bán khi tin ra” (“Sell on fact”) khi ETF VNFIN LEAD mới được niêm yết vào cuối tháng 2 và hiệu ứng tích cực từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh suy yếu. Theo đó, dòng tiền sau kì nghỉ lễ sẽ có sự phân hóa mạnh và hướng tới các câu chuyện mới (Ủy ban thương mại Châu Âu thông qua EVFTA, việc triển khai ETF VN Diamond, triển vọng nâng hạng FTSE…).

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Giai đoạn đầu năm cũng là thời điểm “đi chợ”, xem xét cơ cấu lại danh mục của các nhà đầu tư đặc biệt là các quỹ. Trong hoàn cảnh thị trường chung dự báo không có nhiều điểm nhấn trong năm 2020 thì việc dòng tiền tập trung vào một số ít cổ phiếu có câu chuyện riêng cũng là điều hợp lý.

Bỏ qua vấn đề về định giá, những cổ phiếu đầu ngành hoặc có kỳ vọng tăng trưởng tốt như VCB, CTG, DRC,… theo tôi vẫn tiếp tục hút tiền trong giai đoạn này.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Việc thanh khoản chưa có sự cải thiện là do tính chu kỳ như ở giai đoạn vừa qua, thanh khoản bình quân kể từ đầu năm chỉ ở mức 2.400 tỷ đồng/phiên.

Ông Ngô Quốc Hưng.

Thanh khoản thấp và dòng tiền có sự co cụm ở một số nhóm cổ phiếu chính như: Ngân hàng (chiếm 38% toàn thị trường), tiếp theo là các nhóm khác như: xây dựng và vật liệu xây dựng (15%), bất động sản (6,4%), bán lẻ (6,3%), dầu khí (5,9%), Vingroup (5,7%), thực phẩm và đồ uống (4,8%),….đây cũng chính là địa chỉ sẽ thu hút dòng tiền sau kỳ nghỉ lễ.

Nhìn chung, những nhóm cổ phiếu đã tăng tốt trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng trong năm thứ 2 liên tiếp.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với thị trường năm 2020 vẫn nằm ở các yếu tố bên ngoài như ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, xu hướng dòng vốn quốc tế và sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc. Điều này có tác động như thế nào đến thu thế chung của thị trường trong năm 2020?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS)

Kinh tế thế giới năm 2020 nhìn về tổng thể sẽ có nhiều xáo trộn đặc biệt là Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng thêm nặng nề do dịch cúm và có thể cần một khoảng thời gian khá dài để hồi phục trở lại. Việt Nam ngay sát sườn vì vậy cũng rất nhạy cảm.

Bàn tròn chứng khoán năm mới: Dòng tiền sẽ đi tìm những mã mới? ảnh 4

Ông Nguyễn Hồng Khanh.

Chúng ta có thể kỳ vọng Việt Nam có thể thoát khỏi vấn nạn do đã có kinh nghiệm rất tốt ở dịch SARS 17 năm trước.  

Về mặt kinh tế dĩ nhiên sự tác động qua lại là rất lớn nhưng dĩ nhiên trong khó khăn sẽ lại mở ra những cơ hội tốt hơn ví dụ như chúng ta sẽ nhận được nhiều dòng vốn FDI tốt hơn nhờ khả năng chống dịch tốt đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư cả về mặt sức khỏe lẫn tránh được cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ vậy. Thị trường vốn được dự báo tích cực, nhưng cũng tương tự như những dự báo tích cực hồi đầu năm ngoái, đến cuối năm đa phần sai do “thế giới” là yếu tố không dự báo được, hoặc được dự báo giảm nhẹ đi rất nhiều. Năm nay cá nhân tôi cho rằng cũng sẽ là năm VN-Index có diễn biến thăng trầm đan xen.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Kinh tế trong nước vẫn vững mạnh dù năm qua thế giới gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy có điều khá lạ là tăng trưởng 2019 vượt dự báo nhưng chứng khoán của chúng ta có mức tăng điểm chỉ ở mức 7% bằng một nửa với Trung Quốc và cả Hong Kong vốn chịu bất ổn và thua xa Mỹ dù thương chiến năm qua rất dữ dội.

Do đó, kinh tế vẫn cần phải duy trì tốt song song với các chính sách để thu hút dòng tiền quay lại thị trường ở cả vốn nước ngoài và trong nước khi năm qua đánh dấu sự sụt giảm rất mạnh ở cả 2 nhóm nhà đầu tư.

Nếu kinh tế thé giới vẫn bị ảnh hưởng xấu, thương chiến hoặc điều gì đó khác như chiến tranh tiền tệ mà kéo thị trường quốc tế xuống trở lại thì dòng tiền tiếp tục đồ vào các kênh an toàn vốn đã rất mạnh ở vàng, trái phiếu chính chủ thậm chí cả trái phiếu doanh nghiệp trong năm qua. 

Khi đó chứng khoán Việt có thể bị tác động xấu hơn khi khó thu hút được dòng tiền mới mà có thể dòng tiền hiện tại cũng bị ảnh hưởng. Ngược lại, thị trường sẽ được hỗ trợ và nếu có thêm các chính sách phù hợp thì dòng tiền lại đổ mạnh vào để giúp thị trường đạt tầm cao mới.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Trong năm 2020, thị trường trong nước vẫn bị vây quay bởi các yếu tố bên ngoài như ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, xu hướng dòng vốn quốc tế….tuy vậy, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định lại là động lực cho thị trường bứt phá.

Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP 7,02% vào năm 2019, dự báo sẽ tiếp tục đạt 6,8% vào năm 2020, cao hơn hẳn so với nhiều nền kinh tế như Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, EU…

Bên cạnh đó, luật chứng khoán sửa đổi và dòng vốn đầu tư quốc tế gia tăng trở lại qua các kênh ETFs. Kể từ đầu năm cho tới nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 81 triệu USD, trong đó dòng vốn qua kênh ETF đạt 11,5 triệu USD (tính tới ngày 20/01).

Nhìn chung, dù bị vây quanh bởi các yếu tố tác động từ bên ngoài, nền kinh tế vĩ mô ổn định sẽ là động lực cho TTCK tiếp tục bứt phá, bên cạnh đó dòng vốn đầu tư quốc tế đang trở lại kể từ đầu năm sẽ là chất xúc tác cho thị trường tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Về tổng thể, tôi đánh giá các yếu tố rủi ro ngoại biên chính có thể tác động đến thị trường trong năm 2020 đều có xu hướng hạ nhiệt so với năm 2019. Điều này sẽ giúp dòng vốn toàn cầu có xu hướng luân chuyển đến các tài sản rủi ro hơn tương đối, trong đó có thể kể đến các thị trường chứng khoán mới nổi bao gồm cả Việt Nam.

Mặc dù vậy, với đặc trưng của bối cảnh vĩ mô quốc tế hiện tại, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng với các yếu tố ngoại biên do bất cứ thời điểm nào cũng có thể xuất hiện các sự kiện “thiên nga đen” (các yếu tố có xác suất xảy ra rất nhỏ, nằm ngoài dự báo, nhưng gây tác động lớn) khiến thị trường sụt giảm đột ngột.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Tác động từ bên ngoài đối với thị trường năm 2020 tôi đánh giá là trung tính, không tích cực nhưng cũng không quá tiêu cực. Trong khi dòng vốn ngoại đầu tư dài hạn hoạt động khá trầm lắng thì dòng vốn P-notes hoặc đánh theo Event Trading đã hoạt động tích cực trong năm qua với các giai đoạn mua ròng/bán ròng theo sự kiện chính trị thế giới.

Chính vì tính khó đoán định của các dòng vốn này (vốn phụ thuộc nhiều chính trị thế giới cũng rất khó đoán), nên theo tôi không nên kỳ vọng nhiều vào ảnh hưởng của khối ngoại trong năm tới. Ngoài ra có 2 yếu tố khác cần lưu ý đối với dòng vốn này là:

- Thị trường Developed Market tăng trưởng 15% trong năm vừa qua trong khi các thị trường Emerging giảm hoặc không tăng trưởng, điều này sẽ làm giảm tính hấp dẫn của thị trường mới nổi trong việc phân bổ tỷ trọng của các quỹ trong năm 2020

-  Mức tương quan giữa thị trường mới nổi và Developed Market đã và đang gia tăng trong các năm qua, do vậy nhu cầu về việc phân bổ vốn sang Emerging Market để hạn chế rủi ro cơ bản sẽ giảm xuống.

Nếu nhìn một cách tổng quan nhóm cổ phiếu xứng đáng “chọn mặt gửi vàng” trong năm Canh Tý 2020?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS)

Tôi vẫn đặt trọng tâm vào nhóm cổ phiếu ngân hàng với nhiều cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn như CTG, MBB, ACB. 

Một số ngân hàng TCB, VPB, VCB cũng kỳ vọng tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Ngoài ra, nhóm bán lẻ, dệt may, thép cũng nằm trong danh mục đáng chú ý trong năm như PNJ, HPG, STK. Nhà đầu tư cũng cần chờ thêm một thời gian sau dịch cúm để có đánh giá tổng thể hơn và danh mục sẽ có nhiều sự bổ sung. 
 
Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Xét theo nhóm ngành, lựa chọn hàng đầu của tôi vẫn là nhóm ngành chu kỳ, hưởng lợi bởi xu hướng tăng trưởng mạnh của nền kinh tế, dân số trẻ, thu nhập và tiêu dùng gia tăng…

Trong đó, nổi bật lên là nhóm ngân hàng với kì vọng tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục nổi trội so với các ngành khác, mức độ an toàn hệ thống được nâng cao theo Basel II cùng với những câu chuyện nâng vốn hấp dẫn. Một số mã cổ phiếu ngân hàng tiêu biểu có thể kể đến VCB, VPB, ACB hay CTG. Ngoài ra, nhóm ngành bán lẻ cũng được xem là điểm sáng thu hút sự quan tâm của dòng tiền với MWG được đánh giá là lựa chọn tiêu biểu.

Bên cạnh đó, tôi cũng kì vọng lớn vào những nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn có thể hưởng lợi từ việc đón nhận dòng tiền khối ngoại nhờ các sản phẩm ETF mới ra đời hoặc khả năng triển khai NVDR (chứng chỉ không có biểu quyết) và nâng hạng FTSE.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Có 2 kịch bản:

Kinh tế trong nước tăng trưởng tốt, doanh nghiệp kinh doanh khởi sắc, tăng trưởng kinh tế và thị trường TG tốt, dòng tiền quay trở lại thị trường thì cổ phiếu nhóm ngân hàng, tiêu dung, thép, xây dựng, BĐS, vận tải (đặc biệt vận tải hàng không)…sẽ rất tích cực hỗ trợ.

Ngược lại các cổ phiếu nhóm PNs, Bảo hiểm và các CP nhóm phòng thủ như thủy điện…sẽ mạnh như chúng ta thấy nhiều PNs vào những thời điểm khó khăn 2019 đã tăng rất mạnh.

Bàn tròn chứng khoán năm mới: Dòng tiền sẽ đi tìm những mã mới? ảnh 5

Ông Phan Dũng Khánh.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Ngân hàng vẫn được kỳ vọng, nhưng có lẽ sẽ là các mã tầm trung và tư nhân. Đối với cá nhân tôi, VCB, BID đã đắt, kỳ vọng tăng giá không nhiều. Những nhóm tôi đặt kỳ vọng nhiều bao gồm thực phẩm, cảng biển, dệt may…, và trong các nhóm này, tôi dành quan tâm nhiều cho những cổ phiếu midcap.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Năm 2020 theo tôi cơ hội sẽ nằm ở cổ phiếu đơn lẻ chứ không lan tỏa, đòi hỏi nhà đầu tư phải sàng lọc thật kỹ, “đãi cát tìm vàng”.

Tôi chưa thấy ngành nào quá tiềm năng để phân bổ vốn lớn trong năm nay, trường hợp ngành khả quan thì có thể xét tới bán lẻ, công nghệ, ngân hàng.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Năm 2020 tiếp tục là năm dòng tiền sẽ rất chọn lọc và tập trung vào một số ngành tiêu biểu có nền tảng tăng trưởng tốt như ngân hàng, công nghệ, hàng không, nhiệt điện, hàng tiêu dùng, bán lẻ, các ngành xuất khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ….).

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục