Bàn tròn chứng khoán: Liệu có sóng dầu khí?

(ĐTCK) Trong tuần giao dịch đầu tiên của năm Mậu Tuất 2018, VN-Index đã tăng mạnh lấy lại ngưỡng 1.100 điểm với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng và đặc biệt là sự khởi sắc của nhóm dầu khí trong phiên cuối tuần. Liệu nhóm dầu khí đang tạo sóng lớn hay chỉ là nhịp phục hồi sau giai đoạn giảm sâu trước Tết? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.
Bàn tròn chứng khoán: Liệu có sóng dầu khí?

Với sự hứng khởi của nhóm ngân hàng và dầu khí, VN-Index một lần nữa vượt qua mốc 1.100 điểm trong tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và đang ở gần mức đỉnh cũ của đợt tăng trước Tết. Thị trường trong tuần tới sẽ diễn biến theo xu hướng nào theo ông/bà?

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Với lực cầu giá cao đổ mạnh vào nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng và dầu khí, chỉ số VN-Index và VN30 đã lần lượt vượt qua ngưỡng cản kỹ thuật ngắn hạn ở 1.090 điểm và 1.080 điểm để củng cố xu hướng tăng.

Dù việc mở vị thế mua mới ở thời điểm hiện tại là khá mạo hiểm, nhưng chiến lược nắm giữ những cổ phiếu đang thu hút dòng tiền thị trường vẫn là một sự lựa chọn không tồi

Ông Vũ Minh Đức

Do đó, nhiều khả năng các chỉ số này sẽ tiếp tục tăng trong những phiên đầu tuần tới để kiểm định lại mốc đỉnh gần nhất đang nằm tại 1.130 và 1.115 điểm với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu chủ chốt. Hiệu ứng tích cực cũng sẽ có sự lan tỏa nhất định sang các cổ phiếu vốn hóa thấp hơn.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Khu vực miền Bắc CTCK MBS

Từ đầu tháng 2, khi thị trường giảm mạnh, VN-Index thủng vùng 1.000 điểm, tôi đã khuyến nghị mua vào với kỳ vọng sau Tết, thị trường sẽ tăng mạnh và khả năng cao sẽ phá luôn đỉnh lịch sử 1.179 (12/3/2007) luôn trong tháng 3 chứ không chỉ là đỉnh 1.130 điểm đã tạo lập trước Tết.

Với diễn biến thị trường trong những phiên cuối tuần vừa qua và thị trường chứng khoán thế giới phiên cuối tuần, tôi kỳ vọng mốc 1.130 điểm sẽ được phá vỡ ngay trong tuần sau và tất nhiên là vẫn dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt

Tuần tới tôi nghĩ VN-Index vẫn còn tăng, tất nhiên vẫn dựa vào trụ đỡ là các largecap có vốn hóa tỷ USD trở lên (sàn HOSE có trên 20 mã loại này). Lúc này, chơi chứng mà muốn ăn nhanh và nhiều thì chắc vẫn chỉ nên đánh trụ. Đầu tư thì có nhiều lựa chọn hơn, nhưng nhiều khi lại phải chờ lâu.

Bàn tròn chứng khoán: Liệu có sóng dầu khí? ảnh 1

 Ông Hoàng Thạch Lân

Về điểm số của VN-Index, tôi không quan tâm lắm đến đỉnh cũ 1.171 điểm năm 2007. Về lý thuyết, tất yếu VN-Index sẽ vượt. Với đà tăng hiện tại, có lẽ tuần sau là vượt. Tuy nhiên, về phân tích kỹ thuật, thì các chỉ báo của tôi lần này cho thấy có nhiều rủi ro hơn so với một vài tháng trước đây. Xấu nhất là Index tăng 1 đợt nữa, vượt đỉnh rồi đến giai đoạn giảm khá sâu và lâu. Còn không thì đi ngang.

Rủi ro có lẽ đến từ thế giới bên ngoài, cũng như do thị trường đã tăng nóng nên cần thời gian làm nguội.

Nhìn vào mức độ biến động của chỉ số từng phiên, nếu như trong 11 tháng đầu năm 2017, VN-Index thường dao động dưới 1%/phiên, thì từ tháng 12/2017 đến nay thường xuyên dao động trên 1%, nhất là trong năm 2018, có nhiều phiên dao động hơn 2%/phiên. Đây là dấu hiệu thị trường tăng nóng. VN-Index tăng nhờ một số trụ, những cổ phiếu này tăng giá lại mạnh hơn chỉ số, nên dẫn tới định giá cao.

Diễn biến trong ngắn hạn của chứng khoán Việt Nam có chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình các thị trường chứng khoán trên thế giới không theo ông/bà?

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Với nền tảng thanh khoản trung bình và dòng tiền tập trung chủ yếu vào những cổ phiếu lớn, thị trường với đại diện là chỉ số VN-Index đang có những phiên biến động với biên độ lớn và không ổn định, tạo ra rủi ro khá cao cho các nhà đầu tư lướt sóng các hợp đồng tương lai của chỉ số VN30.

Những biến động của chứng khoán Mỹ hay giá dầu thế giới đêm trước phần nào cũng tác động đến tâm lý đầu cơ của thị trường, thể hiện ở các khoảng trống giá (gap) thường xuyên xuất hiện trên đồ thị VN-Index trong những phiên gần đây, theo cả 2 chiều lên và xuống.

Mặc dù vậy, sự biến động của chứng khoán thế giới cũng như của VN-Index cũng thể hiện sự tuân thủ nhất định với các quy luật kỹ thuật của thị trường, chứ không phải hoàn toàn không thể kiểm soát.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Khu vực miền Bắc CTCK MBS

Thị trường chứng khoán Việt Nam vốn là một thị trường nhỏ, thị trường cận biên nên sẽ bị ảnh hưởng nhiều về mặt tâm lý từ TTCK thế giới.

Với diễn biến thị trường trong những phiên cuối tuần vừa qua và thị trường chứng khoán thế giới phiên cuối tuần, tôi kỳ vọng mốc 1.130 điểm sẽ được phá vỡ ngay trong tuần sau

 -   Ông Dương Văn Chung

Tuy nhiên, tôi cho rằng, diễn biến TTCK thế giới chỉ là chất xúc tác chứ không có vai trò dẫn dắt bởi thực tế chỉ ra rằng, đợt sụt giảm đầu năm của TTCK Mỹ mạnh hơn TTCK Việt Nam và sự hồi phục thì yếu hơn, nên VN-Index có thể vượt đỉnh tạo lập trước Tết, nhưng chỉ số Dow Jones có thể còn lâu mới có thể vượt được đỉnh trước tết.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ là có. Thậm chí có thể nói lúc này rủi ro lớn nhất đối với TTCK Việt Nam là đến từ thế giới bên ngoài.

Cụ thể, TTCK Việt Nam đang ngày càng có độ mở, tức liên thông nhiều hơn với thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, nếu nhìn từ góc độ dòng vốn ngoại. Đó là chưa kể đến tỷ giá, vốn là một yếu tố tuy có tác động gián tiếp, nhưng quan trọng đối với TTCK Việt Nam.

Dòng vốn ngoại đang vào nước ta với quy mô có vẻ ngày càng tăng, tuy nhiên chả ai biết cụ thể bao nhiêu phần trăm là vốn nóng, tức là có thể rút ra ngay khi có biến động bất lợi từ nguồn.

Trước Tết, TTCK Việt Nam cũng từng rung lắc với thông tin liên quan đến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, điều đó không đơn giản là vì tâm lý bầy đàn, mà nó có yếu tố “rút dây động rừng”.

Kể từ đầu tháng 2 tới nay, số phiên khối ngoại bán ròng đang nhiều hơn hẳn số phiên họ mua ròng. Trong danh sách bán ròng, có không ít largecap hàng đầu như HPG, VCB, VJC, VNM…, một số ít như HPG chắc có lý do riêng hoặc quỹ nào đó bán riêng lẻ, nhưng một số mã khác có lẽ do thị giá đã cao quá giá mục tiêu của họ. Giao dịch khối ngoại là điều cần hết sức lưu ý lúc này.

Nhóm cổ phiếu dầu khí đang được hưởng lợi khi giá dầu thô tăng mạnh lên mức cao nhất 2 tuần trở lại đây. Ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội, rủi ro đối nhóm cổ phiếu này ở giai đoạn hiện tại?

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Nhóm cổ phiếu dầu khí, ngoại trừ GAS và PLX, là những cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhịp giảm điểm đầu tháng 2 vừa qua, một phần là do yếu tố định giá của các cổ phiếu này không đủ sức hỗ trợ cho sóng "đầu cơ".

Bàn tròn chứng khoán: Liệu có sóng dầu khí? ảnh 2

 Ông Vũ Minh Đức

Hiện tại, những cổ phiếu này mới chỉ nằm trong nhịp hồi phục kỹ thuật sau nhịp giảm chứ chưa phải là tạo ra một xu hướng tăng giá mới như là nhóm cổ phiếu ngân hàng đang làm được. Do đó, tôi cho rằng dù đà hồi phục của những PVS, PVD vẫn sẽ tiếp tục thêm 5-10% nữa, nhưng nó không phải những sự lựa chọn bền vững cho chiến lược trung hạn.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Khu vực miền Bắc CTCK MBS

Khi giá dầu tăng thì tất nhiên các công ty dầu khí sẽ được lợi và giá dầu tăng thì giá cổ phiếu dầu khi sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, về mặt thị trường thì tôi nhận thấy có một dòng tiền đầu cơ khá lớn vào nhóm cổ phiếu này trong giai đoạn đầu năm đang bị kẹt ở mức giá cao và sau đợt sụt giảm mạnh trước Tết thì lượng cổ phiếu kẹt ở mức giá cao này cần thêm khá nhiều thời gian để có thể phục hồi bền vững.

Vì vậy, tôi cho rằng nhịp tăng này của nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ mang tính chất hồi phục về mặt kỹ thuật (giảm sâu thì bật mạnh trong ngắn hạn) chứ chưa thể có 1 nhịp tăng bền vững để vượt đỉnh cũ đã tạo lập trước tết. Do đó, nhóm cổ phiếu này chỉ phù hợp cho việc trading ngắn hạn.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt

Giá dầu Brent lẫn WTI đang hồi phục nhẹ trong chừng 2 tuần gần đây, tuy nhiên nếu nhìn xa hơn khoảng 1 tháng nữa thì thấy giá dầu mới chỉ đang hồi lại 1 phần sau khi đã giảm khá mạnh khoảng 10% từ đỉnh năm nay. Tôi vẫn giữ quan điểm là rất khó dự báo giá dầu thế giới sẽ như thế nào trong thời gian tới, kể cả phân tích kỹ thuật.

Về ngắn hạn, tôi cho rằng, cần cẩn trọng khi lướt sóng nhóm cổ phiếu dầu khí

Ông Hoàng Thạch Lân

Về nhóm cổ phiếu dầu khí, cụ thể là các mã vốn hóa lớn họ PVN thì số liệu thống kê cho thấy có vẻ như biến động giá khá sát so với diễn biến giá dầu thế giới, dù mức độ biến động giá một số mã mạnh hơn, ví dụ như PVB, PVC, PVD, PVS… Tuy nhiên, nếu so sánh tương quan với biến động chỉ số VN-Index thì lại không hề đồng dạng.

Hôm thứ Sáu (23/2), những mã vốn hóa lớn này đều tăng giá mạnh, điều này càng củng cố quan điểm giá cổ phiếu luôn neo theo giá dầu thế giới hơn là theo thị trường chứng khoán trong nước. Như vậy về ngắn hạn, tôi cho rằng, cần cẩn trọng khi lướt sóng nhóm cổ phiếu này, nhất là nhưng phiên như thứ Sáu, khi cổ phiếu tăng trần hay sát trần.

Có ý kiến cho rằng, nhà đầu tư ngắn hạn quan sát diễn biến thị trường và có thể tận dụng đà hồi phục này để bán chốt lời dần một phần danh mục. Quan điểm của ông/bà?

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Sau phiên hôm nay thì khá là khó để dự đoán mốc đỉnh tiếp theo của VN-Index mặc dù nhiều cổ phiếu chủ chốt như nhóm ngân hàng đã tăng rất mạnh kể từ sau khi thiết lập đáy. Vì vậy, dù việc mở vị thế mua mới ở thời điểm hiện tại là khá mạo hiểm, nhưng chiến lược nắm giữ những cổ phiếu đang thu hút dòng tiền thị trường vẫn là một sự lựa chọn không tồi.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Khu vực miền Bắc CTCK MBS

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay được đánh giá vẫn còn rất tiềm năng nhưng không còn quá rẻ so với các nước trong khu vực như cách đây vài năm. Vì vậy, tôi cho rằng, thị trường trong 2018 sẽ là 1 năm có nhiều biến động khá mạnh do các nhà đầu tư sẽ tích cực trading hơn trước thay vì hành vi mua và nắm giữ dài hạn.

Bàn tròn chứng khoán: Liệu có sóng dầu khí? ảnh 3

 Ông Dương Văn Chung

Do đó, chiến lược mua khi giảm sâu và bán dần ra khi thị trường hồi phục cũng là một chiến lược hợp lý. Mốc VN-Index mà nhà đầu tư cần quan tâm trong tháng 3 là 1.182 điểm đến tối đa là 1.225 điểm.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ quan điểm đó là có, nhất là đối với những ai có kinh nghiệm “chinh chiến” 10 năm trở lên ở cái thị trường này. Thị trường tăng mạnh nhưng không đều, chỉ số VNIndex tăng nhanh nhưng không đại diện cho đa số cổ phiếu, mà “thiên vị” với số ít trụ là largecap vốn hóa rất lớn và định giá cũng cao ngất ngưởng. Do đó, nó không bền vững, cần 1 thời gian điều chỉnh.

Với đà tăng lần này, tôi cũng nghĩ nên xem xét chốt lời bớt trên tài khoản, có thể sau khi VN-Index vượt đỉnh cũ 10 năm. Hoặc có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư an toàn hơn (cổ phiếu cơ bản tốt, định giá thấp).

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục