Tuần qua, VN-Index tiếp tục chinh phục đỉnh mới, bùng nổ về thanh khoản. Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu lo ngại nên đã hiện thực hóa lợi nhuận, nhưng điều này không thay đổi sắc xanh của thị trường. Theo ông/bà, tín hiệu này có rủi ro không?
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)
Tín hiệu kỹ thuật vẫn ở mức tích cực, nhưng có sự phân hóa nhất định giữa các chỉ số. HNX-Index đang thể hiện sự suy yếu sớm khi đóng cửa phía dưới đường MA5 ngày. VN-Index, VN30 dù vẫn đóng cửa phía trên đường MA5, tuy vậy tín hiệu cảnh báo rủi ro đang ngày một có xác suất cao hơn.
Chỉ số VNMidcap cũng cho thấy sự yếu đi khi quay trở lại phía trong dải Bollinger, chỉ còn lại duy nhất VNSmallcap vẫn ở phía ngoài dải này để duy trì tín hiệu rất tích cực.
Dự báo, các chỉ số chứng khoán sẽ tiếp tục giằng co và sẽ sớm xuất hiện một nhịp điều chỉnh kỹ thuật vào đầu tuần tới. VN-Index trước mắt có thể kiểm định hỗ trợ tại 1.040 điểm, trong khi hỗ trợ mạnh hơn của chỉ số nằm tại 1025 điểm, nơi có đường MA10.
Ông Trần Đức Anh, Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Bảo Việt (BVSC)
Thị trường mặc dù vẫn duy trì sắc xanh trong cả 5 phiên giao dịch trong tuần qua trên sàn HOSE, nhưng quan sát diễn biến thực tế có thể nhận thấy áp lực bán chốt lời là rất lớn và chỉ số tăng điểm nhờ diễn biến tích cực ở một số nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn (ngân hàng, dầu khí…).
Ông Trần Đức Anh
Việc thanh khoản thị trường bùng nổ cùng với sự phân hoá cao giữa các nhóm cổ phiếu và biến động trồi sụt của chỉ số trong phiên không phải là tín hiệu tốt cho xu hướng đi lên của thị trường.
Qua đó, tôi cho rằng, thị trường sẽ trải qua nhịp điều chỉnh nhẹ trong tuần tới để giải toả áp lực bán trước khi bước vào giai đoạn tích luỹ đi ngang. Nhịp điều chỉnh này cũng sẽ có diễn biến phân hoá mạnh, phụ thuộc kết quả kinh doanh 2017 và kế hoạch kinh doanh 2018 của doanh nghiệp dần được công bố.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu dầu khí, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng ghi nhận giao dịch mạnh và phân hóa mạnh mẽ. Cuộc đua đang dành cho HDB, STB, SHB và LPB khi nhóm này đang hút lượng tiền rất lớn, trong đó SHB vừa thiết lập kỷ lục về giá trị giao dịch. Ông bà đánh giá như thế nào về cơ hội và rủi ro đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm này?
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)
Năm 2017 dự kiến hầu hết các ngân hàng báo cáo lãi lớn, tình hình các ngân hàng đều có bước cải thiện rõ rệt cùng với cú hích của ngân hàng VPB lên sàn và giao dịch OTC trước đó, tiếp theo là cổ phiếu HDBank, đã tạo ra sự quan tâm lớn của nhà đầu tư đối với ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu các ngân hàng cũng là trụ cột trong chỉ số VN-Index, do vậy cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn còn lớn ở thời điểm này. Dự đoán 2018, xu hướng cổ phiếu ngân hàng vẫn còn tiếp diễn.
Về rủi ro, nhà đầu tư cần chú ý đến trong làn sóng đầu tư cổ phiếu ngân hàng, ngân hàng nhỏ, to, OTC hay lên niêm yết đều tăng mạnh bất kể ngân hàng đó tình hình kinh doanh có cải thiện hay không, do vậy nhà đầu tư cần chú ý chọn lọc các cổ phiếu nào để đầu tư.
Ngoài ra, việc đang xử án các vụ án liên quan đến các ngân hàng vẫn chưa dứt điểm và vẫn còn có thể liên quan đến các ngân hàng khác , do vậy nhà đầu tư cần thận trọng trong chọn lựa cổ phiếu ngành ngân hàng.
Ông Trần Đức Anh, Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Bảo Việt (BVSC)
Với các yếu tố thuận lợi về mặt vĩ mô như chu kỳ nền kinh tế, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến vấn đề nợ xấu, sự nổi lên của lĩnh vực tài chính tiêu dùng và việc chuyển dịch dần sang mảng dịch vụ… là những yếu tố chính khiến tôi đánh giá cao triển vọng hoạt động của ngành này trong các năm tới.
Bên cạnh đó, hoạt động IPO, niêm yết sôi động của các ngân hàng trong thời gian qua (HDB, VPB, VIB, KLB, BAB) cũng đã tạo được những hiệu ứng tích cực đến diễn biến của ngành, yếu tố này dự kiến vẫn được duy trì với các ngân hàng đang có kế hoạch rục rịch lên sàn có thể kể đến Techcombank, TPBank…
Mặc dù đánh giá lạc quan với nhóm cổ phiếu này, nhưng tôi cũng cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng khó có thể tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn, khi mà các thông tin cơ bản về kết quả kinh doanh 2017 của các ngân hang đã xuất hiện khá sớm và phần nào đã phản ánh vào mặt bằng giá cổ phiếu qua nhịp tăng mạnh gần đây.
Nhìn tổng thể chung về thị trường, chỉ số P/E của VN-Index đã vượt qua mốc 20 và nhiều cổ phiếu trụ cột cũng có hệ số P/E cao đột biến. Ngoài dòng vốn ngoại tăng mạnh trong thời gian gần hỗ trợ về mặt tâm lý, thì dòng vốn nội đang giữ vai trò chủ đạo, giúp thị trường “giữ nhiệt”. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng của dòng tiền trong thời gian tới?
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)
Giá trị giao dịch trên sàn HOSE trong những phiên gần đây khá cao, đặc biệt phiên cuối tuần với 442 triệu USD, bao gồm lượng mua ròng 47 triệu USD bởi khối ngoại, cao hơn nhiều so với mức trung bình năm ngoái là 194 triệu USD. Tuy nhiên, dòng tiền mua ròng của khối ngoại có vẻ chững lại so với dòng vốn nội.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh.
Trong thời gian tới, với các đợt IPO dồn dập (Bình Sơn, PVoil, PVPower, Genco3..), một lượng tiền lớn sẽ bị hút vào các đợt IPO cũng như margin của các công ty chứng khoán đang ở mức cao, thị trường sẽ có xu hướng điều chỉnh. Tuy nhiên, với tâm lý tích cực từ khối ngoại lẫn khối nội, dòng tiền vẫn còn trong thị trường, chỉ là dịch chuyển tạm thời sang các đợt IPO...
Ông Trần Đức Anh, Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Bảo Việt (BVSC)
Mức P/E hiện tại trên 20 của chỉ số VN-Index là mức cao nếu so với cả trong quá khứ hay so với các nước trong khu vực. Theo đó, P/E Việt Nam hiện nay đã vượt qua hầu hết các thị trường mới nổi khác như Trung Quốc, Thái Lan, Pakistan, Malaysia… và đang tiệm cận 2 nước Indonesia, Philippine, vốn vẫn luôn được định giá cao trong quá khứ.
Điều đáng mừng là mức P/E cao của thị trường ở thời điểm hiện tại được hỗ trợ vững chắc bởi những yếu tố nền tảng vĩ mô cơ bản (sức khoẻ nền kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp…), bên cạnh các yếu tố về dòng tiền (lực cầu khối ngoại, hoạt động IPO, thoái vốn nhà nước, chính sách nới lỏng của NHNN…).
Nhìn chung, mặc dù đã tăng mạnh lên mức giá cao, nhưng với việc các yếu tố hỗ trợ vẫn đang duy trì tốt, tôi cho rằng, xu hướng thị trường trong trung hạn vẫn tiếp tục đi lên với sự hỗ trợ từ cả dòng tiền khối ngoại lẫn nhà đầu tư nội, mặc dù các nhịp điều chỉnh ngắn phân hoá có thể xảy ra để giải toả áp lực bán ở một vài thời điểm.
Trở lại với điểm số, chỉ số VN-Index vượt qua mốc 1.000 điểm được đánh giá là kỳ tích. Ông bà thị trường sẽ sớm quay trở lại để test mốc này?
Ông Trần Đức Anh, Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Bảo Việt (BVSC)
Với mức độ biến động mạnh của chỉ số VN-Index qua từng phiên ở thời điểm hiện tại, tôi sẽ không quá bất ngờ nếu chỉ số này giảm về mốc 1.000 điểm trong 1 - 2 tuần tới. Tuy nhiên, tôi không thực sự đánh giá cao kịch bản này và thiên về khả năng thị trường sẽ chỉ phải trải qua nhịp điều chỉnh nhẹ mang tính phân hoá, trước khi tiếp tục đi lên.