Nhóm cổ phiếu Bluechips (VCB, VHM, SAB…) đồng loạt giảm điểm là tác nhân đẩy chỉ số VN-Index về dưới mốc 980 điểm. Tuần tới, chỉ số VN-Index có tiếp diễn xu hướng biến động với biên độ rộng như những phiên vừa qua không, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Chỉ số VN-Index tuần qua đã điều chỉnh khá mạnh sau khi một số trụ lớn bị bán ra liên tục. Không có tin gì xấu đặc biệt ngoại trừ nhà đầu tư có một số e ngại về tình hình biến động tại Hong Kong có thể ảnh hưởng đàm phán thương mại Mỹ Trung và CPI tháng 11 có thể tăng cao sau khi giá thịt heo tăng mạnh do thiếu nguồn cung. Những thông tin này thật ra không đủ độ mạnh để có thể làm thị trường chao đảo như vậy.
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Vấn đề ở đây là phiên chốt hợp đồng phái sinh cộng với việc bán ròng mạnh của khối tự doanh chứng khoán rõ ràng đã gây một sức ép lớn thị trường và làm cho phía cầu vào chùn tay. Việc chỉ số index mất hơn 50 điểm chỉ trong 2 tuần là một điều hiếm thấy và khi đường chỉ số chung rơi càng dốc xuống thì khả năng hồi phục cũng sẽ nhanh hơn.
Về tín hiệu kỹ thuật thị trường có ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh 950 nhưng tôi cho rằng các dấu hiệu dòng tiền vào thị trường đã trở lại ngay trong phiên cuối tuần và chỉ số sẽ sớm hồi phục trong tuần giao dịch mới.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)
TTCK Việt Nam tuần qua giảm mạnh với điểm nhấn diễn ra trong phiên đáo hạn phái sinh ngày 21/11, với diễn biến lao dốc của hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn về cuối phiên, đẩy chỉ số VN-Index rời xa mốc 1.000 điểm.
Bên cạnh nguyên nhân áp lực bán mang tính kỹ thuật gia tăng khi hợp đồng phái sinh đáo hạn, trên thực tế áp lực chốt lời đã nhen nhóm xuất hiện từ các phiên trước đó, trong bối cảnh chỉ số VN-Index đã trải qua nhịp tăng trưởng mạnh giai đoạn cuối tháng 10, đầu tháng 11 và thông tin vĩ mô thế giới gần đây chuyển biến xấu xoay quanh việc đàm phán Mỹ - Trung, hay phong trào dân chủ ở HongKong (Trung Quốc), ít nhiều có tác động tiêu cực đến TTCK trong khu vực nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng.
Trong tuần tới, tôi cho rằng diễn biến thị trường sẽ cân bằng trở lại và nghiêng về chiều hướng tích cực, khi mà nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn đã rơi về vùng giá hấp dẫn, trong khi các điều kiện cơ bản của thị trường trong nước chưa xuất hiện dấu hiệu tiêu cực.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, CTCK VNDriret
Thị trường đã có 3 tuần giảm điểm trước sức ép bán chủ đạo của khối nhà đầu tư tổ chức ở các cổ phiếu vốn hoá lớn. Điều này khiến cho các chỉ số bị bẻ gãy xu hướng tăng từ đầu năm tới nay. Hiện xu hướng thị trường đã chuyển sang giảm điểm nên các phiên hồi phục kỹ thuật có thể xảy ra nhưng đà giảm điểm sẽ vẫn là chủ đạo
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Thị trường giảm điểm nguyên tuần qua và dưới mốc hỗ trợ quan trọng 980 do đó khả năng tuần mới xu hướng sẽ là hồi lại nhưng điều này sẽ không có ý nghĩa là quay lại xu hướng tăng mà mang tính chất phục hồi kỹ thuật nhiều hơn.
Ông Phan Dũng Khánh
Việc biến động trong biên độ rộng vậy trong năm 2019 này là khá hiếm và cũng khó mà diễn biến 2 tuần liên tiếp nên theo tôi phục hồi về gần mức 1.000 điểm trước khi sẽ rõ xu hướng tiếp theo.
Diễn biến của thị trường đang cho thấy, áp lực bên bán khá mạnh. Dường như nhà đầu tư đang muốn thoát ra bằng mọi giá, điều này có phù hợp với thị trường ở giai đoạn này?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường giai đoạn trước đó đi ngang một thời gian rất lâu và không thể phá vỡ ngưỡng 1000 điểm. Đột nhiên chỉ trong 1,2 phiên chỉ số đã vượt qua rất dễ dàng và bỏ xa ngưỡng kháng cự cũ hơn 20 điểm. Điều này tạo tâm lý hưng phấn và tự tin rằng thị trường đã vượt cột mốc mới và đi vào giai đoạn tăng trưởng mạnh dẫn đến trạng thái nhà đầu tư gia tăng mua vào và dư nợ margin tăng cao.
Đây có thể là lý do những phiên vừa qua lực bán rất mạnh một phần do nhà đầu tư mất bình tĩnh thu hồi tài khoản về các mức an toàn. Kinh nghiệm ở những cổ phiếu FTM, TTB cũng là vấn đề dẫn đến nhiều công ty chứng khoán thu hẹp các tỷ lệ cho vay và tăng cường thu hồi nợ phòng ngừa rủi ro.
Dĩ nhiên tình hình margin thị trường hiện tại chưa quá căng thẳng vì vậy tôi cho rằng tâm lý chung thị trường sẽ sớm ổn định trở lại.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Xuyên suốt biến động thị trường trong năm 2019, chỉ số VN-Index đã được hỗ trợ mạnh bởi đà tăng ở nhóm cổ phiếu trụ cột thuộc các ngành bất động sản, ngân hàng, công nghệ, hàng tiêu dùng… Bởi vậy, khi nhóm cổ phiếu này đột ngột đảo chiều và chuyển biến tiêu cực, tôi không ngạc nhiên khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh và quyết tâm bán ra bằng mọi giá ở một số thời điểm.
Việc thận trọng là cần thiết khi mà chỉ số đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi biến động ở 1 nhóm cổ phiếu, tuy nhiên tôi đánh giá thị trường đã phản ứng có phần thái quá trong tuần qua và sẽ có diễn biến cân bằng hơn trong tuần tới.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, CTCK VNDriret
Hiện các chỉ số vĩ mô của Việt nam vẫn rất tốt và các thông tin như giảm lãi suất và đàm phán thương mại khá tích cực. Diễn biến của thị trường quốc tế cũng thuận lợi nên việc giảm điểm mạnh là khâ bất ngờ. Hoạt động bán ra chủ yếu của khối nhà đầu tư tổ chức rất quyết liệt cho thấy họ đang tranh thủ giảm tỷ trọng cổ phiếu ở vùng điểm hiện tại.
Tôi cho rằng, tâm lý thận trọng với triển vọng kinh tế thế giới năm sau thúc đẩy việc khối này hành động sớm để dự phòng rủi ro và khi những điều xấu chưa xảy ra thì áp lực bán như vậy vẫn khiến thị trường chịu áp lực giảm trong ngắn hạn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Việc bán bằng mọi giá là điều hoàn toàn không nên bởi khi sàn giảm mạnh thường sẽ có sự phục hồi kỹ thuật dù có thể giảm tiếp hoặc quay về xu hướng tăng. Nhưng tựu chung lại thường luôn có sự phục hồi. Do đó các nhà đầu tư nào cần bán thì nên canh những lúc này để giảm bớt tỷ trọng sẽ phù hợp hơn, đặc biệt ở những lúc thị trường giảm mạnh về vùng hỗ trợ.
Ở khía cạnh khác, ông/bà nghĩ sao việc nhà đầu tư tính dần tích lũy trong một vài tuần tới với những nhóm ngành triển vọng quý IV tốt như ngân hàng, bất động sản, ngành dịch vụ bán lẻ...)?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Vào cuối năm hoạt động ngân hàng và các ngành thương mại bán lẻ được đẩy mạnh vì vậy nhà đầu tư hướng sự tập trung vào cổ phiếu các ngành này. Khá nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm ngành này đã điều chỉnh trong đợt vừa rồi vì vậy đây là cơ hội tích lũy khá tốt. Tuy nhiên chỉ một số doanh nghiệp đang dẫn đầu và có lợi thế ở phân khúc kinh doanh chính mới có nhiều dư địa tăng trưởng.
Ở nhóm ngân hàng thì một số ngân hàng thuộc nhóm cổ phần chi phối nhà nước vẫn hấp dẫn hơn so với phần còn lại. Một số chính sách mới về ngân hàng trong đó kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn vào bất động sản, siết lại hoạt động tài chính tiêu dùng là những điểm đáng chú ý nhất.
Những chính sách này trong ngắn hạn có thể làm giảm tỷ lệ NIM và hạn chế đầu ra của nhiều ngân hàng nhưng về lâu dài giúp kiểm soát hiệu quả dòng vốn và hạn chế rủi ro trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Riêng nhóm bất động sản, nhà đầu tư đặt trọng tâm trở lại vào nhóm doanh nghiệp có quỹ đất lớn, sẵn sàng triển khai dự án, không vay nợ lớn và đặc biệt nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn có nhiều tiềm năng hơn phần còn lại.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Ông Trần Đức Anh
Nhìn chung, tôi cho rằng thời điểm hiện tại sẽ là hơi sớm để bản thân nhà đầu tư hay các chuyên viên phân tích đưa ra số dự phóng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trong quý IV một cách tương đối chính xác.
Hay nói cách khác, việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư dựa vào triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh quý IV của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại sẽ là khá rủi ro, và chỉ nên được áp dụng nếu nhà đầu tư có cơ sở vững chắc trong việc đánh giá doanh nghiệp hoặc các ngành nghề triển vọng tăng trưởng tốt trong quý IV.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, CTCK VNDriret
Từ năm 2018 tới nay thị trường đã xảy ra nhiều đợt bán tháo tương tự như hiện tại mà rõ rệt nhất là tháng 4/2018 và tháng 10/2018. Sau những đợt như thế này thị trường sẽ dần cân bằng và đi lên.
Điều này cho thấy rõ ràng các đợt giảm do tâm lý quá đà trong ngắn hạn thường là cơ hội tốt để chọn lọc mua vào bởi không phải doanh nghiệp nào triển vọng kinh doanh cũng đi xuống kể cả khi suy thoái hay khủng hoảng xảy ra.
Do đó, tôi cho rằng đợt giảm này cũng là cơ hội tốt cho nhà đầu tư trung hạn như đã diễn ra nhiều lần trong hai năm qua
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Theo tôi khi thị trường đã mất các mốc hỗ trợ quan trọng là 1.000 và 980 điểm thì việc bật lên lúc này, ít nhất trong ngắn hạn là cơ hội bán ra để tái cơ cấu, cân bằng danh mục và đặc biệt với các nhà đầu tư có sử dụng margin lớn để giữ an toàn cho danh mục. Do đó, việc tích lũy thêm cổ phiếu cần phải đợi xu hướng giảm này kết thúc (có dấu hiệu mua trở lại) thì độ an toàn mới cao.
Thị trường hợp đồng tương lai cũng tỏ ra bi quan theo chiều hướng của thị trường cơ sở. Chọn chiến lược canh Long để tận dụng các nhịp hồi phục kỹ thuật liệu có phù hợp?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Chỉ số VN30 đã tạo một gap lớn trên đồ hình kỹ thuật và đi xuống vùng đáy sâu dưới 30 của đường RSI. Vùng 880 của VN30 đang là hỗ trợ mạnh và khả năng theo tín hiệu kỹ thuật đường chỉ số sẽ phục hồi với mục tiêu ngắn hạn từ 890 - 905. Do đường giá VN30 đang dốc mạnh xuống, vì vậy xác xuất phục hồi sẽ mạnh hơn so với cổ phiếu, vì vậy nhà đầu tư có thể tận dụng để giao dịch ngắn hạn.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Tôi kỳ vọng thị trường sẽ có diễn biến tích cực, hồi phục phần nào số điểm đã mất trong tuần tới. Do đó, chiến lược Long trên TTCK phái sinh hay mua chứng khoán cơ sở ở nhóm cổ phiếu đã giảm mạnh được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, CTCK VNDriret
Ông Nguyễn Trung Du
Thị trường phái sinh khá rủi ro bởi diễn biến của nó ngoài việc phụ thuộc vào diễn biến thị trường cơ sở còn có thêm yếu tố tâm lý và kỳ vọng. Do đó, nó tăng thêm mức độ rủi ro và khó đoán định hơn nhiều so với thị trường cơ sở và trong giai đoạn tâm lý dao động mạnh như hiện tại thì rủi ro càng cao. Trong khi đó, nguyên tắc quan trọng nhất là hạn chế bớt rủi ro và tăng khả năng phòng thủ trong giai đoạn như thế này.
Theo kinh nghiệm của tôi thì không phải khi nào nguyên tắc “High risk, high return” cũng đúng nên cá nhân tôi ủng hộ nguyên tắc phòng thủ và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội bởi thị trường luôn có những cú sốc ngoài sức tưởng tượng.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Thị trường Phái sinh luôn có thể tham gia bất cứ lúc nào và không bị T+ nên có thể tham gia ngắn hạn tốt với điều kiện phải canh ra vào rất chuẩn nếu không có thể thua lỗ nặng nề do tỷ lệ margin của Phái sinh rất lớn. Do đó, việc canh mua bán cần phải chờ đợi dấu hiệu mua để mở vị thế Long (mua) và ngược lại với vị thế Short (bán) chứ không nên thấy giảm là mua sẽ rất rủi ro.