Bàn thêm về bán bảo hiểm qua ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi đăng tải bài báo “Bàn chuyện hợp tác độc quyền bảo hiểm - ngân hàng”, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được nhiều đề xuất liên quan tới việc kiểm soát kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Kênh bancassurance quan trọng với cả công ty bảo hiểm lẫn ngân hàng Kênh bancassurance quan trọng với cả công ty bảo hiểm lẫn ngân hàng

Cấm bán đối với ngân hàng bán bảo hiểm sai

Theo ông Phan Quốc Tuấn, CEO HDI Institute, việc hợp tác với bao nhiêu công ty bảo hiểm là quyền kinh doanh của từng ngân hàng, Nhà nước không thể can thiệp thô bạo vào quyền này. Để kiểm soát cũng như bảo vệ người mua bảo hiểm, chỉ có một cách là ban hành quy định riêng cho kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng như một số thị trường phát triển tại châu Âu hay Trung Quốc đang áp dụng.

Có ý kiến cho rằng, nên cho phép ngân hàng hợp tác với tối thiểu 4-5 công ty bảo hiểm để giúp khách hàng có nhiều lựa chọn gói phù hợp hơn, chất lượng tư vấn bảo hiểm cũng nhờ đó được cải thiện.

Cũng có quan điểm từ công ty bảo hiểm cho biết, về nguyên tắc, độc quyền là hạn chế cạnh tranh, có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong khi đó, phí bảo hiểm (giá cả) do Bộ Tài chính phê duyệt, còn cạnh tranh thì trên thị trường có hàng loạt sản phẩm thay thế giống nhau, do đó hợp tác độc quyền giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm thực chất là một cam kết ưu tiên phân phối sản phẩm.

Chưa kể, trước khi ra quy định cấm độc quyền, cần phải đánh giá xem khách hàng có lựa chọn không, có bị thiệt hại hay không, vì chống độc quyền đồng nghĩa với chống hạn chế cạnh tranh phi lành mạnh cũng là vì khách hàng. Chưa kể, chống độc quyền còn nhằm mục đích chống lại việc lạm dụng vị thế chi phối thị trường, trong khi ở Việt Nam không có doanh nghiệp bảo hiểm nào có vị thế chi phối cả, tính cả 2 mảng là phi nhân thọ hay nhân thọ.

Dù thực tế, khoản tiền tạm ứng của doanh nghiệp bảo hiểm dành cho ngân hàng là rất lớn, có thể dẫn đến bán bảo hiểm bất chấp, nhưng từ phía người trong cuộc, cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, không một công ty bảo hiểm nào có chính sách “ép” bán bảo hiểm bằng mọi giá, nên vấn đề chỉ là làm thế nào để kiểm soát hiệu quả việc phân phối sản phẩm qua các đại lý, bao gồm cả ngân hàng.

Trong trường hợp bán sai, cần có chế tài xử phạt đủ mạnh để xử lý. Theo một số luật sư và phụ trách pháp chế của một số công ty bảo hiểm, nếu ngân hàng nào bán sai thì sẽ chịu hình phạt là bị cấm bán bảo hiểm trong một khoảng thời gian nhất định. Để hiện thực hóa điều này, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần phải phối hợp chặt chẽ để đưa ra quy định chi tiết, rõ ràng.

“Nói chung, đây là việc khó. Nếu bán qua đại lý bảo hiểm cá nhân, đại lý nào bán sai thì công ty bảo hiểm sẽ xử nghiêm ngay, nhưng với ngân hàng lại không dễ vì vị thế của ngân hàng rất khác, do đó cần bổ sung quy định chi tiết về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), phải đặt ra điều kiện bán qua tổ chức một cách cụ thể, chi tiết nhất và giám sát chặt chẽ việc thực thi thì mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng cần quy định tiêu chuẩn thế nào đối với ngân hàng bán bảo hiểm, còn doanh nghiệp bảo hiểm phải có cơ chế giám sát như thế nào đối với các ngân hàng vi phạm”, phụ trách pháp chế một doanh nghiệp bảo hiểm lớn phân tích.

Chia sẻ với báo giới mới đây, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, kiểm soát tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ 2 (K2) là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng hoạt động bancassurance, bởi nếu tỷ lệ này thấp một cách bất thường cũng đồng nghĩa với việc có nhiều khách hàng không thực sự có nhu cầu mua bảo hiểm, việc tham gia chủ yếu là để dễ dàng hơn trong việc phê duyệt tín dụng. Do đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế đánh giá, giám sát tỷ lệ này, ngân hàng nào có tỷ lệ duy trì hợp đồng thấp hơn mức chuẩn (do cơ quản lý nhà nước đặt ra) thì phải cảnh báo, trường hợp không đảm bảo thì có thể hạn chế tăng trưởng kênh này, thậm chí không cho bán nữa để củng cố lại.

“Cần nâng cao ý thức kỷ luật được quy định tại bộ quy tắc ứng xử đạo đức hành nghề đại lý bảo hiểm. Chẳng hạn, đại lý nào vi phạm sẽ bị cấm hành nghề trong 3 năm liên tục. Khi bị cấm hành nghề sẽ không xin được vào bất cứ doanh nghiệp bảo hiểm nào, đó là sự trừng phạt vì công việc mang lại thu nhập chính mà họ cố tình vi phạm”, ông Dũng nói và nhấn mạnh rằng, khi có các giải pháp cũng như chế tài xử lý vi phạm cụ thể, đồng bộ sẽ hạn chế được những bất cập trong hoạt động bancassurance.

Bố trí quầy bán bảo hiểm riêng tại phòng giao dịch ngân hàng

Kiểm Soát Tỷ Lệ Duy Trì Hợp Đồng Bảo Hiểm Năm Thứ 2 (K2) Là Một Trong Những Tiêu Chí Quan Trọng Nhất Để Đánh Giá Chất Lượng Hoạt Động Bancassurance.

Góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị bổ sung quy định phải bố trí quầy bán bảo hiểm riêng tại phòng giao dịch của ngân hàng để tránh tình trạng nhầm lẫn sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm tài chính của ngân hàng; bổ sung quy định người mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng có cam kết việc tham gia là tự nguyện.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ quy định ngân hàng phải có chính sách chi trả thưởng, hỗ trợ cho các nhân viên ngân hàng được xây dựng trên các tiêu chí đánh giá chất lượng khai thác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành, trong đó bao gồm tỷ lệ duy trì hợp đồng tối thiểu, nhằm tránh việc ngân hàng áp chỉ tiêu bán bảo hiểm cao cho các nhân viên ngân hàng.

Cũng liên quan đến các khoản chi, thưởng bảo hiểm, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề xuất rà soát các khoản chi hoa hồng, thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi khác qua kênh ngân hàng để đảm bảo phù hợp với kênh đại lý truyền thống, có sự thống nhất giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, tránh chạy theo chỉ tiêu để “ép” nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm.

“Cần hạn chế sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng, đặc biệt là các sản phẩm phức tạp như bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm liên kết chung. Đối với các sản phẩm đơn giản hơn như bảo hiểm sức khỏe, hưu trí..., có thể đẩy mạnh bán qua kênh ngân hàng”, đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay.

Tiếp thu ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về điều kiện đối với tổ chức tín dụng thực hiện chức năng đại lý bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Nghị định sẽ bãi bỏ quy định “có chính sách chi trả thưởng, hỗ trợ cho các nhân viên ngân hàng”, đồng thời bổ sung quy định “tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, phải thiết lập một quầy riêng để tiến hành tư vấn bảo hiểm và phải có biển hiệu thể hiện rõ đây là quầy tư vấn sản phẩm bảo hiểm”.

Đối với dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Bộ Tài chính cũng bổ sung quy định “chi phí cho kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng được chi trả trên doanh thu phí bảo hiểm thực thu và không phân biệt chi phí giữa kênh đại lý tổ chức và đại lý cá nhân”.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục