Bán quyền khai thác hạ tầng: Cơ chế nào minh bạch?

(ĐTCK) Nhà nước vừa có một chủ trương đáng chú ý trong việc cho phép bán/chuyển nhượng cơ sở hạ tầng hoặc tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, quyền khai thác do Nhà nước đầu tư xây dựng.
Quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không

Đây là một xu thế hoàn toàn mới so với các khái niệm và tư duy trước đây về vấn đề sở hữu và liên quan trực tiếp đến chuyển đổi cơ cấu sở hữu từ Nhà nước sang một chủ thể khác. Hàng loạt câu hỏi, sự lo ngại và cả hoài nghi xung quanh câu chuyện này, đòi hỏi cần được đánh giá một cách kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, lợi ích xã hội và đặc biệt là việc quản lý không để thất thoát tài sản của Nhà nước hay tham nhũng có thể xảy ra.

Bộ Giao thông và Vận tải (GTVT) là đơn vị tiên phong trong chủ trương này với hàng loạt dự án đã và đang chuẩn bị được đưa ra bán theo hình thức chuyển nhượng quyền khai thác hoặc chuyển nhượng cho doanh nghiệp cùng quyền khai thác dự án, mà bản chất là thoái toàn bộ hoặc một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp với mục đích bán hạ tầng để tiếp tục có vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng mới.

Điển hình như dự án quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng. Ngoài ra, hàng loạt dự án đường bộ khác đã được Nhà nước bỏ vốn đầu tư bao gồm dự án đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Hà Nội - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình… dự kiến cũng sẽ được đưa ra chào bán khi đã hoàn thành xây dựng, thậm chí đang trong quá trình xây dựng, nhằm thu hồi vốn nhanh để tiếp tục đầu tư vào các dự án giao thông khác đang cần vốn.

Trong lĩnh vực cảng biển, một số cảng lớn như cảng Hải Phòng, Quảng Ninh và có thể là cảng Sài Gòn tới đây cũng dự kiến được đưa ra chào bán dưới hình thức chuyển nhượng phần vốn sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp đi kèm quyền khai thác.

Còn ở lĩnh vực hàng không, động thái gần đây của Bộ GTVT trong việc tích cực kêu gọi các nhà đầu tư tham gia mua quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài, cảng hàng không Phú Quốc để tạo vốn đầu tư xây sân bay Long Thành đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, trong đó có VietJet và cả “gã khổng lồ” Việt Nam Airlines.

Đây đều là những dự án lớn, có nguồn vốn đầu tư của Nhà nước lên tới hàng chục, hàng trăm triệu USD, thậm chí lên tới hàng tỷ USD, và đều là những dự án có vai trò trọng yếu về an ninh, quốc phòng cũng như phục vụ xã hội.

Do đó, theo các chuyên gia, việc đưa ra chuyển nhượng, dù là quyền khai thác hay dưới hình thức bán vốn, nếu không được đưa vào vòng kiểm soát của khung pháp lý cũng như có sự giám sát và quản lý chặt chẽ của Nhà nước, có thể sẽ tạo ra những hậu quả tiêu cực khó lường, làm thất thoát tài sản nhà nước.

Đặt vấn đề về tính an toàn và cân nhắc lợi ích hơn thiệt của câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra e ngại. Theo bà Lan, bản chất của các cơ sở hạ tầng là đầu tư công từ tiền thuế của dân, phục vụ người dân chứ không phải đem bán. Không ai đảm bảo các nhà đầu tư mới sẽ không tăng giá, chi phí đó lại đè lên doanh nghiệp, người dân, vì thế Quốc hội cần đưa ra khuôn khổ giám sát, không thể tùy nghi. Cơ sở pháp lý cho việc này phải đặt trên cơ sở pháp lý bán tài sản công chứ không như bán tài sản tư.

“Ngay cả đối với quá trình cổ phần hóa DNNN. Lẽ ra khi bán đi một phần vốn trong doanh nghiệp, thì phải có tiếng nói và vai trò giám sát của cơ quan cao nhất quyết định về tài sản công là Quốc hội. Đây đều là tài sản công, theo luật là của toàn dân, do đó, Quốc hội phải xem cho bán đến đâu, như thế nào.

Một số người cho rằng, thực chất không phải là bán mà chỉ là chuyển nhượng quyền khai thác, song theo tôi, bán quyền cũng vậy, các hạ tầng là tiền thuế do người dân đóng góp xây dựng nên, để Nhà nước cung cấp dịch vụ công cho mọi người được tiếp cận như nhau với giá cả tương đối”, bà Lan nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong trường hợp xem xét chuyển nhượng thì phải đảm bảo người được khai thác cũng sẽ cung cấp dịch vụ như dịch vụ công, không được quyền đưa ra thêm các yêu cầu bất hợp lý, đồng thời phải chịu trách nhiệm duy tu bảo dưỡng cho hạ tầng trong toàn bộ quá trình được quyền khai thác.

“Bản thân công trình khi xây dựng đã bị đội giá lên, nên không có gì đảm bảo người mua phải mua lại với giá cao mà không thu phí với giá cao hơn giá Nhà nước để nhanh chóng thu hồi vốn. Thứ hai là trách nhiệm duy tu bảo dưỡng, cũng không có gì chắc chắn nhà đầu tư sẽ thực hiện việc này hay sẽ tận dụng khai thác tối đa mà không duy tu bảo dưỡng”, bà Lan nói.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục