Theo kết luận của Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), đã phát hiện hai trường hợp có hành vi bán thầu tại Dự án Đầu tư xây dựng Quốc lộ 91B. Ý kiến của ông về vần đề này như thế nào?
Theo kết luận của Đoàn thanh tra Bộ GTVT, Công ty Cơ khí vận tải đứng đầu liên danh để thực hiện Gói thầu số 3, nhưng lại giao Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Thăng Long (thành viên thứ 2 trong liên danh) thực hiện toàn bộ gói thầu, mà chủ đầu tư không đánh giá lại năng lực của nhà thầu, cam kết tín dụng và bảo đảm dự thầu.
Tại Gói thầu 6A, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 3 trúng thầu, nhưng không thực hiện, mà giao Công ty cổ phần Xây dựng công trình Trường Lộc - đơn vị không có tên trong hồ sơ dự thầu thi công, trong khi chưa có văn bản chấp thuận của chủ đầu tư.
Hai vụ việc trên, chủ đầu tư chỉ biết được sau khi Thanh tra của Bộ phát hiện. Khi thực hiện, tất cả hồ sơ nghiệm thu, thanh toán đều do Giám đốc và Chỉ huy trưởng của nhà thầu chính ký chịu trách nhiệm. Do nhà thầu chính không báo cáo việc thuê mướn thầu phụ, nên Ban Quản lý không nắm được, chứ không phải là chấp thuận cho nhà thầu chính bán thầu.
Đối với trường hợp hai đơn vị liên doanh mà chỉ có một thực hiện như kết luận thanh tra thì cũng khó phát hiện, vì theo quy định của Luật Đấu thầu, nhà thầu liên doanh trong quá trình thực hiện có quyền cử đại diện pháp luật sử dụng một con dấu, chữ ký để làm việc với chủ đầu tư. Nhưng ở gói thầu này, Ban vẫn yêu cầu cả hai đơn vị liên doanh đều phải ký và đóng dấu chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc chỉ có một đơn vị thi công có thể là thỏa thuận ngầm, nên Ban không nắm được.
Cho đến thời điểm này, đã đơn tập thể, cá nhân nào bị quy trách nhiệm xử lý khi để xảy ra những sai sót trong quản lý, tư vấn, giám sát, thi công dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo chưa, thưa ông?
Với các đơn vị tư vấn, giám sát, thi công để xảy ra sai sót, Ban phải chờ kết luận thanh tra của Bộ để tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý. Đối với Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Cần Thơ - đơn vị giám sát gói thầu đường, thì toàn bộ chi phí giám sát đang được giữ lại, đợi sau khi có kết luận thanh tra mới giải quyết. Tổng chi phí sửa chữa hơn 8,5 tỷ đồng và chi phí thuê đơn vị phúc tra độc lập hơn 3 tỷ đồng sẽ do các nhà thầu thi công không đạt chất lượng chi trả.
Về xử lý đội ngũ cán bộ quản lý, Ban đã kỷ luật bằng hình thức kiểm điểm đối với một chuyên viên trực tiếp quản lý Dự án. Ban cũng đã tiến hành củng cố bộ máy, thay thế, luân chuyển cán bộ để đáp ứng nhiệm vụ mới.
Thưa ông, sau khi tốn thêm chi phí hơn 8,5 tỷ đồng để sửa chữa, hiện trạng tuyến đường có đảm bảo chất lượng?
Hiện nay, những đoạn nhà thầu sửa chữa đã ổn định, 22 cầu trên tuyến được thi công đảm bảo đúng thiết kế nên chưa phát hiện hư hỏng, các mố cầu cũng đã được bù lún. Riêng đoạn đầu là đường gần đô thị, mật độ dân cư đông, nhưng không thiết kế cống thoát nước, nên thường xuyên bị ngập, làm đường hư hỏng rất nhanh.
Đây là tuyến vận chuyển hàng hóa chính từ các khu công nghiệp tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang về TP.HCM, nhưng thiết kế tính toán thiếu, vì chỉ tính đáp ứng xe tải trọng 20 tấn, thay vì đáp ứng xe 30 tấn. Hơn nữa, mặc dù kết cấu mặt đường giữ nguyên, nhưng do trong thiết kế không có xử lý nền đất yếu, nên có hiện tượng lún so với cao độ thiết kế ban đầu.
Nhìn chung, hiện nay, tuyến đường này đảm bảo giao thông, nhưng về mặt mỹ quan thì chưa tốt, vì dặm vá nhiều lần và thi công chưa đồng bộ.