Cuối tuần qua, Navibank cho biết, Ban điều hành Ngân hàng vừa đề xuất các phương án xử lý nợ, trong đó có phương án bán một phần nợ theo giá trị sổ sách cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC).
Tuy nhiên, việc bán bao nhiêu nợ cho VAMC vẫn chưa được HĐQT Navibank quyết định. Hiện Ngân hàng có số nợ thuộc diện quá hạn, khó đòi là 6,1%.
Trước đó, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB chia sẻ, Ngân hàng sẽ bán 1.500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, song chưa quyết định bán bao nhiêu, bán lúc nào. Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2013, tại thời điểm 30/6, ACB có tổng cộng 3.302 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,5% so với con số 2.570 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái và chiếm 2,99% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Trong đó, có 946 tỷ đồng nợ nghi ngờ và 1.782 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, tăng lần lượt 40,6% và 55% so với cuối năm 2012.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, OCB sẽ tính toán để bán nợ cho VAMC, dù tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tính đến 30/6/2013 ở mức 2,5%, không nằm trong diện phải bán nợ cho VAMC.
Các ngân hàng như Navibank, ACB, OCB muốn bán nợ xấu cho VAMC
Theo lãnh đạo một NHTM, các ngân hàng đang muốn chứng tỏ thiện chí trong việc bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, việc bày tỏ thiện chí là một chuyện, còn bán được hay không, bán bao nhiêu nợ xấu cho VAMC vẫn còn một chặng đường xa. Bởi lẽ, những món nợ đạt được các điều kiện của VAMC thì ngân hàng lại không có nhu cầu bán, mà giữ lại tự xử lý; ngân hàng chỉ muốn bán những món nợ gần như không có khả năng đòi được.
Báo cáo Kinh tế vĩ mô-Triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 9/2013 của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC cho biết, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm, nhưng tỷ lệ nợ xấu hiện tại khó có thể phản ánh đầy đủ những hướng dẫn ngày càng chặt chẽ, gắt gao hơn về việc phân loại tài sản theo quy định tại Thông tư 02/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (hiệu lực thi hành của Thông tư này đã được lùi từ 1/6/2013 sang 1/6/2014).
Một chuyên gia kinh tế nhận định, nợ xấu ít khi được các ông chủ ngân hàng công bố cụ thể, bởi e ngại sẽ “lộ” việc cho vay cổ đông của chính ngân hàng, hay cho vay chéo đối với các công ty con của ông chủ. Trường hợp ngân hàng công bố nợ xấu lớn thường là do họ không tạo nên những khoản nợ này và muốn “giải quyết”. Do vậy, việc bán nợ cho VAMC là một hướng tốt khi VAMC mua lại nợ xấu theo giá trị sổ sách, không phải theo giá trị thị trường.
“Việc bán nợ cho VAMC sẽ giúp các ngân hàng nhanh chóng làm ‘sạch’ bảng cân đối tài sản, tăng khả năng thanh khoản cho ngân hàng, từ đó tăng khả năng cung tín dụng với lãi suất rẻ hơn ra thị trường. Hơn thế, ngân hàng còn có thể cầm cố trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành khi mua nợ để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước mỗi khi cần vốn”, vị chuyên gia trên nói.
Bà Karin Finkelston, Phó chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, VAMC là một bước tiến lớn giúp các ngân hàng tạm thời dỡ được gánh nặng nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán. Từ đó, thắp lên hy vọng cho các ngân hàng có thể huy động thêm vốn. Đồng thời, nếu các ngân hàng cải thiện được những tiêu chuẩn về quản trị, quản lý rủi ro thì ngân hàng sẽ trở thành những động lực đi đầu để giúp tăng trưởng kinh tế và phân bổ nguồn vốn tốt hơn.
“Bán nợ xấu cho VAMC là giải pháp hữu hiệu hiện nay, tuy nhiên, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn”, bà Karin nhấn mạnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình tại phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 8 vừa qua cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị xong 4 thông tư hướng dẫn và VAMC đã làm việc với các NHTM để mua lại các khoản nợ qua hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt. Dự kiến, VAMC sẽ xử lý được khoảng 30.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay, thay vì 70.000 tỷ đồng như dự tính ban đầu, do vận hành chậm so với kế hoạch hơn 2 tháng.