Bán ngoại tệ cho dân, siết và không siết!

(ĐTCK) Thông tư số 11/2016/TT-NHNN ban hành ngày 29/6/2016 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/8/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đại lý đổi ngoại tệ đang được nhìn nhận tiếp tục làm khó người dân trong việc mua - bán USD.
Từ trước tới nay, các đại lý đổi ngoại tệ không được phép bán ngoại tệ cho khách hàng Từ trước tới nay, các đại lý đổi ngoại tệ không được phép bán ngoại tệ cho khách hàng

Đã cấm từ lâu!

Thông tư số 11 ghi rõ: các đại lý đổi ngoại tệ chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng VND mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân và không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy VND hoặc ngoại tệ khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Do đó, có những quan ngại cho rằng từ 13/8/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết chặt việc mua - bán USD thông qua quy định chấm dứt bán USD tại các điểm thu đổi ngoại tệ.

Về vấn đề này, ông Đinh Đức Quang, Phó Tổng giám đốc OCB cho biết, trên thực tế, Điều 4 Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN ban hành ngày 11/7/2008 về ban hành quy chế đại lý đổi ngoại tệ đã quy định: (1) các đại lý đổi ngoại tệ chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng VND mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân và không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy VND (trừ các đại lý đổi ngoại tệ đặt tại các khu cách ly ở cửa khẩu quốc tế) và các đại lý đổi ngoại tệ đặt tại các khu cách ly ở cửa khẩu quốc tế được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân mang hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp theo quy định tại Điều 8 Quy chế này.

“Từ trước đến nay chưa bao giờ cho phép các đại lý đổi ngoại tệ được bán ngoại tệ cho khách hàng. Với những đại lý đổi ngoại tệ ký hợp đồng với ngân hàng, OCB cũng ghi rõ ràng là mua ngoại tệ của khách rồi bán lại cho ngân hàng”, ông Quang chia sẻ.

Một lãnh đạo tại Vụ Pháp chế, NHNN cho biết, Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN ngày 11/7/2008 đã ra đời hơn 10 năm, trong khi Luật Các tổ chức tín dụng hay Pháp lệnh Ngoại hối ra đời gần đây cho thấy, có những từ ngữ không còn phù hợp về điều kiện kinh doanh tại thời điểm hiện tại. Điều này buộc các quy định về pháp luật như thông tư đi theo hướng dẫn thực hiện phải sửa đổi nếu không sẽ vênh về mặt câu chữ.

“Có thể nói, Thông tư số 11 là bước điều chỉnh văn bản dưới luật nhằm triển khai hoạt động sát hơn với thực tế từ câu chữ, hình thức, nội dung bám sát các văn bản pháp luật”, vị lãnh đạo trên nói.

Ở khía cạnh thị trường, Thông tư số 11 ra đời có lẽ còn do một nguyên nhân nữa là hoạt động của đại lý đổi ngoại tệ không những không mở rộng mà còn giảm sút mạnh mẽ. Ông Quang cho biết, theo đúng Pháp lệnh Ngoại hối, chỉ các ngân hàng thương mại được cấp phép hoạt động ngoại hối mới được triển khai hoạt động mua – bán ngoại tệ, tuy nhiên trước đây, các ngân hàng do hạn chế về mạng lưới, không có cánh tay nối dài tới nhiều địa bàn để thực hiện dịch vụ này nên chọn các tiệm vàng là nơi thu đổi ngoại tệ.

“Giờ đây, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc mở rộng vùng phủ sóng, với mạng lưới chi nhánh lớn, đặc biệt tại các thành phố trọng điểm, thành phố du lịch - những nơi phát sinh hoạt động thu - đổi ngoại tệ lớn, nên đây đã là địa điểm chính thức có đầy đủ nghiệp vụ, cơ sở vật chất để phục vụ khách hàng mua - bán ngoại tệ”, ông Quang nói. 

Đến thực tế dân sinh

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, chị Hồng Lan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, không dễ dàng gì khi mua ngoại tệ tại ngân hàng. Khi chuẩn bị đi công tác nước ngoài, chị đến ngân hàng được thị trường đánh giá có nguồn vốn ngoại tệ lớn nhất hệ thống mua 5.000 USD. Tại đây, chị được hướng dẫn nhiều thủ tục, giấy tờ. Sau nhiều lần đi lại, chị đã quyết định ra mua ngoại tệ bên ngoài với mức giá cao hơn một chút nhưng, nhanh, tiện lợi, gọn gàng.

Câu chuyện này không phải quá hiếm, bởi khá nhiều người chia sẻ, khi cần mua ngoại tệ nhờ nhân viên ngân hàng hỗ trợ thì nhân viên này đã gợi ý ra ngoài mua ngoại tệ bởi: “chính nhân viên ngân hàng khi có nhu cầu mua ngoại tệ cũng gọi dân buôn ngoại tệ tự do đến ngân hàng bán ngoại tệ”.

Về vấn đề này, ông Quang cho biết, dù OCB và các ngân hàng khác đều nỗ lực chào mời khách hàng từ các công ty du lịch, du học... đến mua ngoại tệ, nhưng nhà băng cũng chỉ nắm giữ các ngoại tệ mạnh phổ biến như USD, EUR bởi các đồng tiền này có sức chuyển đổi cao.

“Đúng là hiện còn tồn tại tình trạng không phải cứ qua ngân hàng mua đồng tiền của nước nào đều được đáp ứng, trong khi hiện tại, nhu cầu du lịch không chỉ gói gọn trong một vài quốc gia, mà mở rộng ra nhiều địa bàn khác nhau, nên không phải ngân hàng nào cũng đủ tiền mặt để cung cấp đủ”, ông Quang cho biết

Mặc dù các ngân hàng thương mại đã và đang nỗ lực tiếp tục mở rộng mạng lưới, gia tăng sản phẩm dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhưng việc thỏa mãn hoàn toàn các nhu cầu đa dạng trong mua bán ngoại tệ vẫn còn nhiều việc phải làm và cải thiện.     

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục