>> Bài 1: Cổ đông thiểu số và cơ chế bảo vệ >> Bài 2: Điều lệ công ty: Quan trọng đến đâu? >> Bài 3: Hiểu đúng về các loại cổ phiếu >> Bài 4: Bầu dồn phiếu và tỷ lệ thông qua nghị quyết ĐHCĐ >> Bài 5: Hội đồng quản trị - Giới hạn trách nhiệm đến đâu? >> Bài 6: ĐHĐCĐ: Tổ chức quyền lực bị xâu xé bởi các nhóm lợi ích
Với tư cách là cơ quan thực hiện giám sát HĐQT, giám đốc/tổng giám đốc (GĐ/TGĐ) trong việc quản lý và điều hành công ty; chịu trách nhiệm trước ĐHĐCĐ trong thực hiện các nhiệm vụ được giao…, vị trí của ban kiểm soát (BKS) trong công ty là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, sự tồn tại chỉ mang tính hình thức hay “tồn tại trên giấy” của BKS tại nhiều DN hiện nay, do sự chi phối của cổ đông đa số, là một thực tế không thể phủ nhận.
Có luật nhưng khó áp dụng
Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, BKS có từ 3 - 5 thành viên với nhiệm kỳ không quá 5 năm (có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế). Luật cũng có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên BKS.
Về mặt quyền hạn, BKS được Luật Doanh nghiệp quy định rất nhiều quyền hạn như: thực hiện giám sát HĐQT, GĐ/TGĐ trong việc quản lý và điều hành công ty; chịu trách nhiệm trước ĐHCĐ trong thực hiện các nhiệm vụ được giao; thẩm định báo cáo tài chính, báo cáo tình hình kinh doanh; quyền được thông tin của BKS; quyền kiến nghị HĐQT/ĐHCĐ về quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh; phát hiện sai phạm và kiến nghị HĐQT xử lý đối với những người quản lý và điều hành của công ty … (xem bảng 1).
Với công ty đại chúng, do yêu cầu cao về quản trị, thành viên BKS có quyền tiếp cận tất cả các thông tin và tài liệu liên quan đến tình hình hoạt động của công ty. Thành viên HĐQT, GĐ/TGĐ điều hành và cán bộ quản lý khác có trách nhiệm cung cấp các thông tin theo yêu cầu của các thành viên BKS. Ngoài ra, công ty phải xây dựng cơ chế nhằm hỗ trợ thành viên BKS hoạt động và thực thi nhiệm vụ một cách có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Còn hình thức đến bao giờ?
Mặc dù được Luật Doanh nghiệp 2005 quy định nhiều quyền hạn như vậy, nhưng trên thực tế, vị trí và vai trò của BKS trong cơ cấu quản trị và điều hành của các công ty phần lớn chỉ mang tính hình thức, do sự chi phối quá lớn của cổ đông/nhóm cổ đông đa số (nhất là cổ đông/nhóm cổ đông nắm giữ một tỷ lệ đủ để thông qua các quyết định có lợi hoặc phủ quyết các quyết định gây bất lợi cho mình). Những cổ đông/nhóm cổ đông đa số này chi phối HĐQT, BKS thông qua quyền đề cử, ứng cử, giới thiệu ứng cử viên tại ĐHCĐ; hoặc giới hạn số lượng thành viên BKS ở mức thấp để loại bỏ ứng cử viên của nhóm cổ đông thiểu số...
Bên cạnh đó, quy định tiêu chuẩn thành viên BKS: “không phải là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác”, không bao quát hết với trường hợp nhờ người khác đứng tên hộ nắm cổ phần chi phối, cổ đông lớn (trên 5%). Hay nói rộng hơn, khái niệm “người có liên quan” tại Luật Doanh nghiệp 2005 chưa bao quát hết thực tế “biến tướng” của việc đứng tên hộ để sở hữu cổ phần tại DN, từ đó chi phối các quyết định trong DN.
Nhóm cổ đông đa số thường chi phối HĐQT, BKS thông qua quyền ứng cử, đề cử ứng viên tham gia HĐQT, BKS
Một thực tế phổ biến khác xuất phát từ thực tiễn tranh chấp trong nội bộ công ty đó là, ở đâu có tranh chấp, ở đó vai trò của BKS rất mờ nhạt, thậm chí không tồn tại, hoặc nếu có thì cũng chỉ “tồn tại trên giấy”. Quy định cho phép BKS khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, GĐ/TGĐ cũng bất khả thi, bởi những thành viên này cũng là cổ đông đa số/cổ đông lớn hoặc do HĐQT để cử/tuyển dụng. Chính vì vậy, dưới áp lực “một cổ hai tròng” (ĐHCĐ và HĐQT), BKS tại nhiều công ty hoạt động kiểu “cầm chừng” hoặc “gió chiều nào, theo chiều đó”. Những nơi có BKS muốn làm mạnh theo thẩm quyền đã được Luật định thì thành viên BKS (thậm chí cả trưởng ban) sẽ rất dễ bị thay thế. Cho nên mới có tình trạng, tại nhiều CTCP, dưới áp lực của nhóm cổ đông thiểu số yêu cầu triệu tập họp ĐHCĐ bất thường hoặc khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, GĐ/TGĐ thì BKS chọn phương án “từ chức tập thể” hoặc “im lặng không có ý kiến” (?!).
Liên quan đến quyền tiếp cận các thông tin và tài liệu liên quan đến tình hình hoạt động của công ty của BKS cũng như cơ chế để thực thi quyền này, thì hiện chỉ có quy định chi tiết với công ty đại chúng. Vì vậy, khuyến nghị cần luật hóa những quy định này trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi để áp dụng rộng rãi thay vì chỉ áp dụng riêng với công ty đại chúng, công ty niêm yết như tại Thông tư 121/2012.