Bán khống không phải là "tội đồ"

(ĐTCK-online) Bán khống hay bản thân các dịch vụ cho vay chứng khoán không ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của TTCK, mà chính là sự bất bình đẳng và thiếu minh bạch giữa các CTCK và NĐT tham gia thị trường.
Ảnh minh họa: Corbis Ảnh minh họa: Corbis

>> "Nhiều nguy hại khi lan tràn bán khống"

TTCK Việt Nam đã trải qua nửa đầu năm 2011 đầy những khó khăn, thanh khoản kém, nhiều NĐT thất vọng. Đã có nhiều chuyên gia đưa ra các ý kiến khác nhau lý giải về sự xuống dốc triền miên này và một trong những ý kiến được đề cập nhiều thời gian gần đây là do hành động bán khống chứng khoán. Có những quan điểm cho rằng, đây là một hoạt động xấu cần phải được ngăn chặn. Tuy nhiên, vấn đề này không hẳn đã như vậy.

Bán khống chứng khoán (short sell) là một dịch vụ đã xuất hiện từ lâu và hiện vẫn đang thịnh hành tại các nước có TTCK phát triển. Đây là một nhu cầu có thật của các NĐT và chính vì vậy, mặc dù ở Việt Nam chưa cho phép nhưng các dịch vụ này vẫn được triển khai theo các hình thức khác nhau để đáp ứng nhu cầu này. Một câu hỏi đặt ra là tại sao các nước khác chấp nhận các dịch này, còn Việt Nam thì lại không cho phép và được coi là dịch vụ có thể gây nguy hại tới sự phát triển của TTCK?

Bán khống chứng khoán có hai dạng. Dạng thứ nhất là bán khống khi không có chứng khoán và dạng thứ hai có thể hiểu nôm na là vay chứng khoán để bán.

Với dạng thứ nhất thì có thể gây nguy hiểm cho thị trường nếu hành vi bán khống xảy ra ồ ạt nhưng trên thực tế lại không có cổ phiếu thực để bù đắp, nên nó có thể phát sinh những sự cố lớn khó giải quyết và hoạt động này đang bị các nước hạn chế hoặc cấm.

Còn đối với dạng thứ hai thì về cơ bản không gây rủi ro cho thị trường, bởi muốn có chứng khoán để bán thì phải có người cho vay chứng khoán, những người vay chứng khoán phải có trách nhiệm mua trả lại chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định, người cho vay chứng khoán thường là những đối tượng không quan tâm tới sự biến động giá trong một khoảng thời gian nhất định.

Việc giá cổ phiếu tăng hay giảm đều tác động tới những đối tượng nhất định. Với những người muốn mua cổ phiếu, việc cổ phiếu giảm là cơ hội mua vào, còn với những người đang nắm giữ cổ phiếu thì họ chỉ muốn giá cổ phiếu tăng lên. Do vậy, một thị trường có tăng, có giảm là bình thường và triển khai hoạt động cho vay chứng khoán không phải là một dịch vụ tồi.

Một chứng khoán tốt, nếu giảm giá mạnh sẽ thu hút các NĐT giá trị và nắm giữ cổ phiếu lâu dài, dù có những hoạt động làm giá để đẩy cổ phiếu xuống giá mạnh hơn đi nữa thì những NĐT giá trị luôn xác định được mức giá nào họ có thể chấp nhận để đầu tư. Cho dù xu hướng có tiếp tục giảm hay không, ít nhất họ có thể so sánh cổ tức với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng, ngoài việc mong chờ cổ phiếu tăng giá để hưởng chênh lệnh mua bán.

Vậy điều gì thực sự ảnh hưởng tới sự phát triển của TTCK nếu xảy ra bán khống? Đó không phải là bản thân các dịch vụ như cho vay chứng khoán gây nên, mà chính là sự bất bình đẳng và thiếu minh bạch giữa các CTCK và NĐT tham gia thị trường. Nếu có những NĐT có thể có được những thông tin nội gián, được sử dụng các dịch vụ T+0, có thể bán khống, còn những NĐT khác thì không được, sẽ gây ra những bất bình đẳng và một sự cạnh tranh không bình đẳng luôn gây ra cho thị trường những tác động xấu. Do vậy, thay vì trách cứ dịch vụ của các CTCK thì cần phải xây dựng một TTCK đầy đủ dịch vụ, công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các NĐT có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận dịch vụ và tiếp cần nguồn thông tin DN.

Nguyễn Hồng Hải, DoBF
Nguyễn Hồng Hải, DoBF

Tin cùng chuyên mục