Chiều 19/9/2012, Toà án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt Trần Văn Minh (tức Minh “trời”, Tư Minh), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tân Tiến An Giang, 3 năm 6 tháng tù về tội mua bán trái phép hoá đơn theo điểm d, đ, Khoản 2, Điều 164a Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009. Trần Văn Minh bị bắt và xét xử sau 11 năm trốn lệnh truy nã.
Theo cáo trạng, vào tháng 8/1998, Trần Văn Minh thành lập Công ty Tân Tiến An Giang do Minh làm Giám đốc, với ngành nghề kinh doanh mua bán lương thực, nông sản, phân bón và gỗ. Minh đã thuê kế toán Nguyễn Ngọc Cương và một số công nhân làm thời vụ.
Đến giữa năm 2000, Cương trao đổi với Minh là có đơn vị cần hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) để hợp lý hàng hóa mua trôi nổi, nếu bán, đơn vị đó sẽ trả 0,2% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn GTGT chưa tính thuế. Với hàng đầu vào của Công ty Tân Tiến An Giang, Cương sẽ lập bảng kê mua hàng của nông dân để hợp thức hoá. Sau đó, Cương sẽ viết hóa đơn GTGT khống, Minh chỉ việc ký hóa đơn, phiếu thu và các giấy tờ liên quan khác để hợp thức hồ sơ.
Trng quá trình từ 1/6/2000 đến ngày 10/4/2001, thông qua Vũ Thị Kim Tuyến trú tại quận Bình Thạnh, TP. HCM, Minh và Cương đã bán cho Nguyễn Minh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Sông Phố 207 hóa đơn GTGT, nội dung ghi bán các loại hoa quả, hải sản, thuốc lá, máy điều hòa với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng (đã bao gồm thuế GTGT) và được Công ty Sông Phố trả hơn 171 triệu đồng.
Tương tự, trong tháng 7/2000, thông qua Nguyễn Minh Tùng, Minh và Cương đã bán cho Công ty Xuất nhập khẩu Hà Tây 6 hóa đơn GTGT với nội dung ghi bán hoa quả, trị giá hóa đơn hơn 1,3 tỷ đồng và được Công ty Xuất nhập khẩu Hà Tây trả hơn 2,6 triệu đồng.
Tổng số tiền mà Minh hưởng lời khi bán 213 hoá đơn là hơn 174 triệu đồng, Minh khai, đã dùng số tiền trên trang trải nợ nần cho Công ty và trả lương công nhân.
Hai đối tượng là Nguyễn Minh Tùng và Vũ Thị Kim Tuyến, được cơ quan điều tra xác định là người tiêu thụ và môi giới hoạt động mua bán khống hóa đơn. Với tội danh trên, năm 2004, Tùng và Tuyến bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) đưa ra xét xử và tuyên phạt lần lượt 6 năm và 5 năm tù giam. Còn bị cáo Cương chết trong giai đoạn điều tra nên cơ quan tố tụng đã ra quyết định đình chỉ điều tra.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ mua bán khống hóa đơn nhằm trục lợi tiền thuế của Nhà nước bị phát hiện. Đồng thời, phần chìm của hành vi này hiện đang diễn ra rất phổ biến. Trong đó, nhiều doanh nghiệp sau khi xin phép thành lập đã không hoạt động kinh doanh, mà chỉ có một mục đích sử dụng tư cách pháp nhân để bán khống hóa đơn.
Thực trạng này một phần do thực tế hiện nay, các cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế mới chỉ quản lý doanh nghiệp trên sổ sách, giấy tờ, báo cáo kết quả kinh doanh, mà ít khi đi kiểm tra thực tế hoạt động tại doanh nghiệp.
Mặt khác, tại vụ việc cụ thể này, trách nhiệm của Công ty Xuất nhập khẩu Hà Tây, đơn vị mua khống hóa đơn với mục đích chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước, cũng chưa được đặt ra. Rõ ràng, phải có cầu thì mới có cung, cả hai phía đều sai phạm và phải bị xử lý thì mới giữ được sự nghiêm minh của pháp luật.