Bán khống: chỉ nên cấm một phần

(ĐTCK) Quan điểm của ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB).
Bán khống: chỉ nên cấm một phần

Trao đổi với Báo ĐTCK, ông Nguyễn Thanh Kỳ cho biết, VASB đã kiến nghị và đang phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xem xét để hoàn thiện nhiều quy định để thúc đẩy tính thanh khoản trên TTCK, hỗ trợ nhà đầu tư tham gia giao dịch. VASB cũng đang bổ sung, hoàn thiện Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp để sớm đưa vào áp dụng trên thị trường.

Dư luận gần đây có phần lo lắng khi có khoảng 50% nhân sự hành nghề chứng khoán hiện chưa có chứng chỉ hành nghề. Ông nghĩ gì về tình trạng này và làm thế nào để khắc phục được, theo ông?

Như các bạn cũng biết, TTCK Việt Nam từng có giai đoạn phát triển rất mạnh, mở ra cơ hội cho khối tổ chức tài chính trung gian như các CTCK mở rộng hoạt động, tuyển dụng nhân sự để phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư. Vài năm trở lại đây, TTCK suy giảm sâu, lực lượng nhân sự tại các CTCK vì thế cũng suy giảm, nhưng số nhân sự hành nghề tại các CTCK hiện nay vẫn tới con số vài nghìn người. Trong số này, có một lực lượng nhân sự hành nghề ở những vị trí cần phải có chứng chỉ của UBCK nhưng lại chưa được trang bị đủ. Lý do có thể từ bối cảnh khó khăn chung của thị trường, cộng với áp lực bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề từ cơ quan quản lý chưa quá mạnh, đã lâu cơ quan chức năng không tổ chức thi lấy chứng chỉ hành nghề, nên còn một khoảng trống về điểm này.

Tuy nhiên, VASB vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo UBCK và được biết, thông điệp từ UBCK là trong thời gian tới sẽ tổ chức nhiều cuộc thi để cấp chứng chỉ hành nghề cho các nhân sự trong ngành. Sau quá trình này, UBCK cũng sẽ có sự kiểm tra sát sao hơn chất lượng người hành nghề tại các CTCK.

 

Liên quan đến VASB, nhiều ý kiến cho rằng, vì các lỗi sai phạm trên TTCK diễn ra rất nhanh, rất tinh vi, nên rất khó bắt về lý, vì thế TTCK rất cần một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp để tạo hành lang đạo đức trong hành nghề của nhân sự trong ngành. Nhưng hình như VASB chưa xây dựng xong bộ quy tắc này, thưa ông?

Nói chúng tôi chưa có Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp là không đúng, vì thực tế, từ năm 2006, VASB đã xây dựng văn bản này với sự trợ giúp của một số tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, từ đó đến nay cũng đã gần 7 năm, nên nhiều điểm trong Bộ quy tắc hiện hành cần được bổ sung, sửa đổi, vì thế, chúng tôi đang tìm sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế để hoàn chỉnh Bộ quy tắc đạo đức hành nghề. Bộ quy tắc này cũng rất cần sự tham vấn ý kiến của các thành viên thị trường để khi hoàn chỉnh và đưa vào áp dụng sẽ phù hợp với TTCK Việt Nam.

 

Sau khi UBCK ban hành quyết định xử phạt một số CTCK (HSC, Đại Nam) về hành vi bán khống, một số ý kiến cho rằng, ở Việt Nam, khái niệm bán khống chưa rõ ràng, không thể gọi việc nhà đầu tư vay chứng khoán từ một nhà đầu tư khác để bán là bán khống, vì thực tế, chứng khoán đặt bán vẫn là chứng khoán thật. Quan điểm của ông thế nào?

Trước hiện tượng tại một số CTCK có tình trạng nhân viên môi giới đứng ra tạo cầu nối giữa người có chứng khoán muốn cho vay và người cần chứng khoán vay để bán, VASB và UBCK đang có những tranh luận, bàn thảo để tìm ra một hướng xử lý cho phù hợp. Nếu hiểu bán khống là tạo ra chứng khoán ảo để bán thì hành vi này hết sức nguy hiểm cho thị trường, cần cấm tuyệt đối. Ngay cả các TTCK phát triển như Mỹ hay châu Âu mới đây, trong những giai đoạn nhất định, họ đã ra thông điệp cấm bán khống.

Tuy nhiên, hình thái bán khống tại TTCK Việt Nam lại hơi khác so với thế giới. Nhà đầu tư vay mượn nhau trên cơ sở thỏa thuận dân sự để đặt bán chứng khoán, nên chứng khoán đặt bán vẫn là chứng khoán thật, vẫn bị phong tỏa trên tài khoản người đặt bán thì có gọi là bán khống hay không? Câu hỏi này cần suy nghĩ kỹ và cần lắng nghe các ý kiến đa chiều từ thị trường.

Theo tôi, bán khống là nên cấm, nhưng chỉ nên cấm một phần. Trong từng giai đoạn, UBCK có thể xem xét nới một chút, đi kèm với việc phải có quy định chặt chẽ và phải kiểm soát được để tránh rủi ro chung cho thị trường và tạo sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh của các CTCK nói chung.

 

Một số vấn đề khác mà các CTCK từng mong VASB sẽ kiến nghị đến UBCK là quy định về tỷ lệ margin hiện nay còn thấp và cứng nhắc; mức phí mà 2 Sở và Trung tâm Lưu ký thu từ CTCK, từ nhà đầu tư nên xem xét giảm xuống trong lúc khó khăn này… Vậy VASB đã xử lý những mong đợi trên từ các thành viên của mình như thế nào, thưa ông?

Tất cả những gì thành viên kiến nghị chúng tôi đã đề đạt đến UBCK trong cuộc làm việc cuối tuần qua. UBCK cũng đã có những tranh luận trở lại, nhưng nhìn chung là thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn chung của các thành viên VASB, nhất là khối CTCK, với nhà đầu tư. Chúng tôi đã kiến nghị UBCK và đang được UBCK xem xét khả năng sẽ nới rộng hơn tỷ lệ cho phép margin trong từng giai đoạn nhất định, nới theo chất lượng từng nhóm cổ phiếu (hiện nay, CTCK chỉ được cho vay tối đa 40% giá trị mua), để tạo điều kiện cho CTCK mở rộng cung cấp dịch vụ và hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch. Bên cạnh đó, VASB cũng đề xuất UBCK xem xét giảm phí lưu ký cho nhà đầu tư, để giữ họ ở lại với thị trường.

Tường Vi thực hiện
Tường Vi thực hiện

Tin cùng chuyên mục