Theo Dự án QLNC đang được Bộ Tài chính xây dựng thì nợ công chỉ bao gồm các khoản nợ trong và ngoài nước được ký kết, phát hành hoặc bảo lãnh nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ; do Bộ Tài chính ký kết, phát hành hoặc uỷ quyền phát hành; do UBND cấp tỉnh ký kết, phát hành hoặc uỷ quyền phát hành. Nợ của DNNN được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp theo nguyên tắc DN được tự chủ trong các quyết định huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
"Theo nguyên tắc này, DNNN được tự chủ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và tham gia vào các quan hệ kinh tế. Nếu DN không trả được nợ vay sẽ được xử lý bằng phần vốn Nhà nước có tại DN, Ngân sách Nhà nước không bố trí thêm vốn để trả nợ thay cho bất cứ DN nào", Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết và giải thích thêm, nếu đưa nợ tự vay tự trả của khối DN này vào nợ công có nghĩa là Nhà nước thừa nhận trách nhiệm của mình đối với các khoản nợ đó, sẽ làm tăng trách nhiệm, gây bất lợi cho Nhà nước trong các quan hệ khi xảy ra tranh chấp, nhất là trong quan hệ kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, không ít ý kiến của các thành viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (Cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án Luật QLNC) lại không đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng, về bản chất, nợ của DNNN cũng là nợ công vì trên thực tế, DNNN đi vay nợ, nhất là vay nợ trực tiếp nước ngoài xét cho cùng thì vẫn là Nhà nước đi vay nợ về phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế. Vì vậy, nếu không điều chỉnh khoản nợ này vào Luật QLNC sẽ tạo ra "khoảng trống" pháp lý đối với quản lý nợ của khu vực DNNN, tất yếu dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, gây hậu quả cho nền kinh tế, tác động xấu đến ổn định Ngân sách Nhà nước.
"Thực tế cho thấy, Nhà nước đã phải chi trả, xử lý tài chính đối với không ít DNNN khi giải thể, phá sản. Vì vậy, để phản ánh chính xác thực trạng nợ của khu vực công, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, nhất là nghĩa vụ báo cáo, cung cấp thông tin, điều kiện vay, trả nợ… thì mọi khoản vay nợ của DNNN đều phải coi là nợ công", một thành viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách bày tỏ quan điểm.
"Trên thực tế, các DNNN, đặc biệt là tổng công ty và tập đoàn kinh tế vẫn hoạt động theo cơ chế "đặc thù": Chính phủ bổ nhiệm nhân sự cao cấp, phê chuẩn điều lệ, thông qua chiến lược hoạt động sản xuất - kinh doanh… Rất nhiều dự án của DNNN đều do Chính phủ quyết định, thậm chí với những dự án quy mô lớn, tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành, lĩnh vực hoặc tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng đều được Chính phủ trực tiếp giao cho DNNN thực hiện. Để triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ giao, DNNN phải đi vay nợ hoặc phát hành trái phiếu huy động vốn thì khoản nợ này thực chất là nợ công", Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, TS. Vũ Viết Ngoạn phân tích.
Ông Ngoạn cho biết, các chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra khuyến cáo, Việt Nam nên coi nợ của khu vực DNNN là nợ công để có biện pháp quản lý, giám sát tốt hơn. Theo IMF, khu vực nợ công bao gồm cả nợ Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý tiền tệ (thường là ngân hàng trung ương) và nợ của các công ty công. Còn theo WB, khu vực nợ công ngoài nợ của Chính phủ và các cơ quan trực thuộc, nợ của chính quyền địa phương, ngân hàng trung ương còn bao gồm cả các khoản nợ của tổ chức kinh tế khác như DN công, công ty công ích… nếu ngân sách của các tổ chức này được Chính phủ phê duyệt hoặc Chính phủ sở hữu trên 50% vốn, hay có đại diện chiếm trên 50% thành viên ban giám đốc.
Nhận định về những khuyến cáo trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, các tổ chức tài chính quốc tế muốn đưa khoản nợ của DNNN vào nợ công và muốn Chính phủ đứng bảo lãnh cho DNNN huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế thực ra là họ muốn "nắm đằng chuôi" khi cho vay. Khuyến cáo này thực chất là các tổ chức tài chính quốc tế muốn Chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của DNNN nếu xảy ra rủi ro trong việc sử dụng vốn. Thông lệ quốc tế kể trên không sai, nhưng không phù hợp với thực tế của Việt Nam, bởi DNNN hay DN công của các nước rất ít và có quy mô nhỏ nên việc đưa khoản nợ của đối tượng này vào nợ công không ảnh hưởng nhiều đến an ninh tài chính. "DNNN đi vay thì phải theo nguyên tắc tự vay tự trả, đồng thời phải hạn chế việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho DNNN huy động vốn để bảo đảm sự an toàn cho Ngân sách Nhà nước, tránh tình trạng bảo lãnh tràn lan", ông Hiển đề xuất.
Theo quan điểm của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nếu DNNN đi vay hoặc phát hành trái phiếu huy động vốn để đầu tư vào các dự án, công trình hạ tầng quan trọng như đầu tư vào ngành hàng không, năng lượng, dầu khí, xi măng… mà được Quốc hội cho chủ trương thì Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh và khoản nợ này phải được coi là nợ công, còn các khoản huy động khác mà DNNN "tự quyết" thì phải trao quyền cho DN để họ thực hiện nguyên tắc tự vay, tự trả và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc vay, quản lý, sử dụng vốn, trả nợ.