Băn khoăn về việc đúng, sai của lịch 2019

(ĐTCK) Thời gian qua, nhiều người gửi thắc mắc đến Báo Đầu tư Bất động sản hỏi căn cứ khoa học nào để phân định sự đúng sai khi các lịch không đồng nhất về ngày Âm. Với sự sai lệch này, nên dùng ngày Âm nào để ứng dụng vào các bộ môn khoa học phương Đông?

Sai ngày và những băn khoăn

Tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019, theo các ấn phẩm lịch in chỉ có 29 ngày, nhưng theo lịch Vạn niên, thì lại có 30 ngày. Năm trước Mậu Tuất 2018 cũng có lệch ngày (tháng 9 theo lịch Vạn niên chỉ có 29 ngày, nhưng lịch in đủ 30 ngày). Điều này khiến nhiều người dân băn khoăn không biết lịch nào đúng, lịch nào sai, nên theo lịch nào. Vì khi có sự sai lệch về số ngày (1 ngày) như vậy từ tháng Giêng, sẽ dẫn đến sự khác biệt về các ngày khác trong cả 11 tháng còn lại.

Ngoài ra, việc sai lịch cũng dẫn đến việc kiêng kỵ theo quan niệm dân gian bị thay đổi (sai ngày). Ví dụ như với ngày Tam nương, theo chiết tự nghĩa là 3 bà: Muội Hỷ, Đát Kỷ, Bao Tự và 3 bà này được sử sách biết đến là 3 tác giả dẫn đến sự sụp đổ của 3 triều đại huy hoàng trong lịch sử Trung Quốc. Do đó, những ngày được người ta kiêng kỵ làm các việc đại sự như cưới xin, làm ăn... chính là ngày sinh và ngày mất của 3 bà này. Cụ thể, những ngày Tam Nương là ngày mùng 3, 7, 13, 18, 22, 27 Âm lịch hàng tháng. Việc sai dù chỉ một ngày của tháng trước cũng khiến các tháng tiếp theo hoàn toàn bị sai khác.

Hay với ngày Nguyệt kỵ, cũng là một ngày mà dân gian thường kiêng kỵ, tránh làm việc quan trọng. Một năm có 12 tháng, và mỗi tháng đều có 3 ngày được coi là ngày Nguyệt kỵ là mùng 5, ngày 14 và 23. Theo quan niệm từ xưa, trong mỗi tháng luôn có 3 ngày mà cộng vào bằng 5 đó là ngày mùng 5, ngày 14 (1+4), ngày 23 (2+3). Thời xưa thường gọi đây là ngày nửa đời nửa đoạn, xuất hành, đi đâu, làm gì cũng sẽ gặp khó khăn, vất vả, mất việc, mất tiền, mất công, mất sức.

Câu nói: "Mồng năm, mười bốn, hai ba/Làm gì cũng bại chẳng ra việc gì" hay "Mồng năm, mười bốn, hai ba/Đi chơi còn thiệt, nữa là đi buôn" cũng xuất phát trừ quan điểm này. Việc sai ngày cũng sẽ dẫn đến những tính toán sai cho ngày Nguyệt kỵ.

Chủ yếu liên quan đến chọn ngày

Trong lĩnh vực khoa học phương Đông có rất nhiều bộ môn vận hành dựa trên ngày Âm lịch, điển hình là Kinh dịch, Tử vi, Phong thủy… Nếu ngày Âm lịch bị sai thì sẽ không thể nào xem Tử vi cho một người được, lập quẻ theo “năm tháng ngày giờ” của kinh dịch cũng bị sai, xem ngày tốt xấu cũng bị lệch.

Chẳng hạn, xem ngày tốt để cưới hỏi, thì tuổi Dần và Thân có tháng 2 là tháng Đại lợi, nhưng cũng phải tránh các ngày Tam nương và Nguyệt kỵ, nhưng nếu ngày Âm bị dịch chuyển một ngày, thì kết quả xem ngày bị sai hoàn toàn.

Xem lá số Tử vi cũng được lập theo ngày sinh Âm lịch, nếu ngày Âm bị lệch một ngày, thì lá số sẽ hoàn toàn khác, kết quả dự đoán sẽ khác.

Ngoài ra, còn ảnh hưởng tới nhiều việc trọng đại khác là chọn ngày động thổ - nhập trạch - khai trương...

Theo kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông, trên thực tế, không chỉ năm 2018 và 2019 là có sự sai lệch về ngày Âm, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra đã có nhiều năm lịch biên soạn giữa Việt Nam và các nước phương Đông cũng không trùng khớp, có điều trước đây mạng internet chưa phát triển nên ít người biết.

Theo ông Trà, các bộ môn khoa học phương Đông đều vận hành dựa trên 10 Thiên can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) và 12 Địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi).

Thiên can dịch chuyển tuần hoàn theo chu kỳ và cứ 10 ngày thì Thiên can được lặp lại. Địa chi dịch chuyển theo chu kỳ và cứ 12 ngày thì Địa chi trùng lặp. Sự kết hợp giữa Thiên can và Địa chi tạo thành một chu kỳ gọi là vòng giáp tý, cũng có tên gọi là Lục thập hoa giáp: là sự kết hợp 6 chu kỳ hàng can với 5 chu kỳ hàng chi thành hệ 60 và cứ sau chu kỳ 60 lại lặp lại Can Chi giống nhau.

Cách tính năm, tháng, ngày, giờ đều theo hệ số đó, gọi là lịch can chi. Bất kể năm tháng, ngày, giờ nào đều được thể hiện bằng Thiên can và Địa chi. Cụ thể, 0h ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2019 là năm Kỷ Hợi - tháng Bính Dần - ngày Quý Dậu - giờ Nhâm Tý.

Thiên can và Địa chi hàng ngàn năm nay không thay đổi và biến dịch tuần hoàn, luôn đồng nhất giữa các quốc gia ở phương Đông. Vì vậy, việc xem ngày, xem lá số, Kinh dịch, phong thủy dựa trên cơ sở của Thiên can và Địa chi không bao giờ thay đổi và đó mới là căn cứ chính xác. Còn việc lấy theo số ngày Âm theo tháng Âm rất hay xảy ra tình trạng không đồng nhất giữa các nước, vì các nhà xuất bản lịch của các nước không kết nối với nhau; từ đó, làm sai lệch các phép tính của khoa học phương Đông khi ứng dụng ở từng nước. 

Vận dụng lịch trong khoa học phương Đông

Lịch là một hệ thống để đặt tên cho các chu kỳ thời gian, quy định thời gian, đo thời gian, tính thời gian… Trước đây, mỗi quốc gia có một cách tính lịch khác nhau, theo dòng lịch sử và thuận theo quy luật của trời đất, các quốc gia trên thế giới thống nhất dùng chung một loại lịch là Dương lịch để quy định sự chuyển giao một năm, các nước phương Đông có thêm lịch Âm để quy định thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Từ đó, phương Đông dùng cả hai lịch, gọi là lịch Âm - Dương như hiện nay chúng ta đang dùng.

Lịch Dương (lịch Tây) trước cũng trải qua nhiều lần thay đổi về số ngày và số tháng của một năm. Điển hình là trước đây tháng 2 dương có 29 ngày, sau này vì tháng 2 là tháng đen tối cho nên mới chuyển tháng 2 thành 28 ngày và thay đổi một số tháng thành 31 ngày, nên chúng ta mới thấy một năm có nhiều tháng có 31 ngày, mà không dồn vào cho tháng 2 đủ 30 ngày. Nhưng vì tổng thời gian một năm có 365,25 ngày, cho nên cứ 4 năm lại có một năm là tháng 2 có 29 ngày.

Lịch Âm được tính theo các pha trong chu kỳ của Mặt Trăng. Vì quy luật biến dịch của Mặt Trời và Mặt Trăng không đồng nhất, nên để phù hợp theo mùa, lịch Âm phải có thêm tháng nhuận, sao cho khớp thời gian.

Chính vì vậy, số ngày trong một tháng, số tháng trong một năm là do con người quy định theo từng vùng lãnh thổ và theo từng quốc gia. Do đó, lấy số thứ tự của ngày để áp dụng vào các bộ môn khoa học phương Đông là không có độ chính xác cao và không đủ sự thuyết phục là vì thế. Điển hình là khi xem ngày đẹp mà kiêng ngày Tam nương và Nguyệt kỵ tính theo số thứ tự ngày cố định trong một tháng là vô lý.

Có một lịch liên quan đến khoa học phương Đông được tính theo Thiên can và Địa chi vận hành theo “12 tiết lệnh và 24 tiết khí”. Một năm mới được tính từ thời điểm lập Xuân. Đặc biệt, được áp dụng trong Phong thủy và Tứ trụ, người sinh sau lập Xuân là được tính sang tuổi năm sau, kể cả là ngày đó là trước ngày mồng 1 Tết. Ngày lập Xuân rất ít khi trùng với ngày mồng 1 Tết, nên khi xem Phong thủy và Tứ trụ thường xảy ra rất nhiều nhầm lẫn. Đó cũng là sự khác biệt giữa xem Tứ trụ và xem Tử vi, vì Tử vi vẫn tính theo số thứ tự của ngày theo tháng Âm, nên sự chính xác khi xem lá số cũng khác nhau.

Điển hình, ngày lập Xuân của năm 2018 vào ngày 19 Âm lịch của tháng 12, tức là ngày 4 tháng 2 năm 2018 Dương lịch. Như vậy, những người sinh ra từ ngày 19 đến 30 tháng 12 Âm lịch của năm 2018 được tính tuổi xem phong thủy và tứ trụ sang năm 2019. Nhưng tuổi để làm lễ cúng, hay viết sớ… thì vẫn tính theo 2018. Bởi theo tâm linh, thời khắc giao thừa là thời điểm bàn giao giữa Ngài Cựu niên và Ngài Tân niên.

Nhưng cũng có những năm ngày lập Xuân lại sau ngày mồng 1 Tết, điển hình là năm 2020, ngày lập Xuân là ngày 11 Âm lịch tháng Giêng. Như vậy, những người sinh ra trước ngày 11 Âm tháng Giêng thì tính tuổi xem Phong thủy và Tứ trụ vẫn thuộc năm 2019, nhưng tuổi để làm lễ cúng, hay viết sớ… là năm 2020.

Tóm lại, tuổi Âm được phân định từ ngày mồng 1 Tết, để tính tổng số tuổi liên quan đến việc tâm linh, còn tuổi tính Phong thủy và Tứ trụ được tính từ ngày lập Xuân.

Ở phần trên đã phân tích 10 Thiên can và 12 Địa chi được biến dịch tuần hoàn và hàng ngàn năm nay không thay đổi. Chính vì vậy, các bộ môn của khoa học phương Đông tính toán từ 10 Thiên can và 12 Địa chi vận hành theo “12 tiết lệnh và 24 tiết khí” sẽ không bị thay đổi hay sai lệch do số ngày Âm trong tháng Âm lịnh.

Từ những kiến giải trên, theo ông Trà, việc số ngày tính theo tháng Âm không trùng khớp giữa Việt Nam và Trung Quốc hay các nước khác cũng chẳng quan trọng, chẳng ảnh hưởng tới “sự đúng sai khi vận hành các bộ môn khoa học phương Đông”. Từ đó, chúng ta cũng thấy những bộ môn lấy “số ngày theo tháng Âm” để tính cũng sẽ có độ chính xác không cao, mà phải căn cứ theo “Thiên can và Địa chi” và “12 tiết lệnh, 24 tiết khí”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thành Nguyễn
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục