Thực tế cho thấy, việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động môi giới bất động sản là rất cần thiết, bởi hoạt động này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao dịch bất động sản, giúp gia tăng ràng buộc pháp lý của nhà môi giới trong các giao dịch bất động sản, thúc đẩy hoạt động môi giới đi vào chuyên nghiệp hóa.
Theo các chuyên gia, thời gian tới sẽ có nhiều hơn môi giới bất động sản chân chính, xây dựng thị trường dịch vụ bất động sản chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam nói chung. Đồng thời, dần dần thay đổi sự nhìn nhận của xã hội đối với nghề môi giới bất động sản. Điều này cũng giảm bớt tình trạng “cò mồi”, gây nhiễu loạn thị trường.
Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty EZ cho hay, việc luật mới đưa ra quy định này có thể hiểu là một giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động môi giới bất động sản, thế nhưng chưa có gì chắc chắn khi các môi giới phải “chạy đua” thi chứng chỉ hành nghề thì ngành này sẽ được nâng cao sau ngày 1/8/2024 (thời điểm Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chính thức có hiệu lực).
Theo ông Toản, nghề môi giới bất động sản không đòi hỏi quá nhiều học thuật lý thuyết, mà dựa vào kinh nghiệm là chính. Điều này giống như một người dù học giỏi, nhưng nếu không có kinh nghiệm sẽ khó làm việc hiệu quả.
Ngược lại, có những người làm môi giới lâu năm, hay còn gọi là “cò già”, với kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn với thị trường, họ vẫn có thể chốt được giao dịch ngay cả khi thị trường khó khăn nhất, thậm chí trội hơn những người có bằng cấp đàng hoàng.
Khi luật đã được ban hành thì buộc phải tuân thủ, song với số lượng đơn vị được phép cấp chứng chỉ đếm trên đầu ngón tay như hiện nay, việc học và thi là vấn đề rất lớn. Ngoài ra, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng “mua bằng, mua chứng chỉ”.
“Hiện nay, các quy định về kiểm tra, giám sát việc học và thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản còn chưa rõ ràng. Tôi lo ngại sẽ xuất hiện tình trạng chỉ cần nộp tiền là có bằng, là có chứng chỉ”, ông Toản nói.
Giám đốc một doanh nghiệp môi giới tại TP.HCM cũng nhìn nhận, quy định là vậy nhưng rất khó có thể quản lý được những người “vừa bán café, vừa làm môi giới bất động sản”, bởi sản phẩm của nhóm môi giới này chủ yếu là nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư hiện hữu hoặc những sản phẩm của cá nhân đầu tư “gửi gắm”, chưa kể cũng chưa có quy chế về việc nếu không chấp hành thì sẽ bị xử phạt như thế nào, cơ quan nào sẽ làm nhiệm vụ giám sát và xử lý khi phát hiện vi phạm…
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý môi giới bất động sản từ những thị trường phát triển, TS. Phạm Anh Khôi - chuyên gia nghiên cứu bất động sản cho biết, ở Úc, Anh, Mỹ…, người làm môi giới bất động sản không chỉ cần có chứng chỉ hành nghề, mà còn phải thường xuyên tham gia các chương trình đào tạo nghiệp vụ bắt buộc, nếu không sẽ bị cấm hành nghề.
Đặc biệt, tại Singapore, nếu môi giới bị bắt gặp hành nghề mà không có chứng chỉ thì sẽ bị phạt lên đến 100.000 đô-la Singapore (tương đương hơn 1,8 tỷ đồng), thậm chí còn có thể bị phạt tù khoảng 3 năm.
“Do đó, Việt Nam cũng cần có quy chế cụ thể để kiểm soát chặt hoạt động môi giới bất động sản, như vậy sẽ làm môi trường kinh doanh minh bạch, chuyên nghiệp hơn, đồng thời phòng ngừa, hạn chế các bất ổn thị trường do các hoạt động môi giới, kinh doanh dịch vụ bất động sản thiếu sự kiểm soát hiệu quả”, ông Khôi nêu quan điểm.
TS. Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho rằng, khi luật đã “ép” các môi giới vào khuôn khổ thì các cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm trong việc xây dựng lộ trình nâng tầm cho các môi giới.
“Chúng ta phải làm thật, làm nghiêm túc, chứ không nên làm cho có. Ngoài đào tạo lý thuyết, cần tạo điều kiện cho môi giới thực hành kỹ năng trong môi trường thực tế để đảm bảo chất lượng và tính chuyên nghiệp của chương trình đào tạo”, ông Lượng nói và nhấn mạnh rằng, đào tạo không phải là việc chỉ làm một lần, mà là quá trình liên tục.