Mâu thuẫn với Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Phí, lệ phí
Tại phiên họp mở rộng của Thường trực Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội sáng 27/3 để thẩm tra dự án Luật Phá sản (sửa đổi), nhiều ý kiến băn khoăn về quy định lấy ngân sách chi trả, tạm ứng cho quá trình phục hồi doanh nghiệp trước khi phá sản và mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.
Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) do Toà án Nhân dân Tối cao chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội khoá XV tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025 và được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vào cuối năm nay.
Điểm mới của dự án Luật là đã bổ sung một chương về phục hồi doanh nghiệp trước khi mở thủ tục phá sản, nhằm mục đích khuyến khích, ưu tiên phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi, phá sản từ sớm...
Trong đó, tại Điều 20 của dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) - sửa đổi, bổ sung Điều 23 của Luật Phá sản 2014, cơ quan soạn thảo đề xuất và xin ý kiến về việc quy định "Chi phí phục hồi, phá sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã".
"Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi, phá sản phải nộp chi phí phục hồi, phá sản..."; trong trường hợp người nộp yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp là người lao động, công đoàn (sau khi bị chậm lương 6 tháng) hoặc khi mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản thì chi phí phá sản "được lấy từ nguồn lệ phí đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của Chính phủ" (nghĩa là lấy từ ngân sách - PV).
Về nội dung này, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Tài chính của Quốc hội cho rằng, không khả thi vì mâu thuẫn với Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Phí, lệ phí.
Theo đó, Luật Ngân sách nhà nước quy định các khoản phí nộp về ngân sách, sau đó được chi ra theo dự toán kèm phương án cụ thể. Luật Phí, lệ phí thì quy định nguồn lệ phí đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã dùng cho 4 trường hợp: để chi cho quản lý hành chính; chi phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chi phí dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ hoạt động giám sát, kiểm tra doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo bà Mai, khoản phí, lệ phí này cũng khá là thấp. Hiện nay, theo Thông tư 47 của Bộ Tài chính, mức lệ phí đăng ký kinh doanh chỉ là 50.000 đồng/trường hợp; đối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì có quy định là có thể điều chỉnh tăng thêm, hiện hai thành phố này đang thu mức 100.000 đồng/trường hợp.
Mặt khác, nếu quy định tạm ứng lệ phí phục hồi, phá sản thì phải có hoàn trả. Trong khi đó, Tờ trình của ban soạn thảo có ghi nhận trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tiền thì áp dụng tạm ứng. "Vậy trường hợp này lấy từ nguồn gì để hoàn trả?", bà Mai nêu câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh, nếu lại lấy từ ngân sách để hoàn trả thì cũng không hợp lý với so với quy định của Luật ngân sách.
|
Toàn cảnh phiên họp |
Đồng thuận với tinh thần Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã khó khăn để phục hồi, trước khi phải giải quyết phá sản; tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Tài chính của Quốc hội cho rằng đã là chính sách thì phải có nội hàm.
"Việc hỗ trợ này sẽ là chính sách gì và tiêu chí như thế nào để được áp dụng, nó có phù hợp với nguyên tắc thị trường hay không?", bà Mai nêu câu hỏi.
Theo vị này, trong nền kinh tế thị trường, việc phá sản doanh nghiệp nên được coi là chuyện bình thường chứ không phải chuyện gì quá trầm trọng và trong nhiều trường hợp phá sản lại là việc tốt, để mở ra giai đoạn phát triển mới.
"Do đó, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ những cái thuộc về cơ chế chính sách, còn việc hỗ trợ nguồn lực (hỗ trợ trực tiếp) để phục hồi thì trong nhiều trường hợp cũng cần cân nhắc", bà Mai đề nghị.
Nhà nước cần hỗ trợ đúng cách
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu hoạt động chuyên trách tại Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội cho rằng, bản chất của Luật Phá sản là để chấm dứt nhanh một hoạt động mà nó không có hiệu quả, phá sản là thực hiện sự văn minh của trách nhiệm hữu hạn trong doanh nghiệp.
|
ông Phan Đức Hiếu, đại biểu hoạt động chuyên trách tại Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội |
Có nghĩa là khi doanh nghiệp kinh doanh thì được hưởng trách nhiệm hữu hạn, nếu không hoàn thành thì phải chấm dứt cơ hội này để chuyển sang cơ hội khác. Phá sản phải là biện pháp hiệu quả để kích hoạt chế độ trách nhiệm hữu hạn trong công ty.
"Do đó, các biện pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp trong trường hợp này là không nên. Nếu có thì chỉ nên khuyến khích về mặt thủ tục hoặc một số cơ chế ưu đãi nào đó để cho các quỹ, các công ty đầu tư mua cổ phần, phần vốn góp để đầu tư vốn thêm vào doanh nghiệp", ông Hiếu nêu quan điểm.
Mặt khác, theo đại biểu, quá trình phục hồi này phải đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra bình thường, chịu sự giám sát để tránh tẩu tán tài sản. Khi đó, các hỗ trợ về thủ tục, cơ chế nhằm giúp doanh nghiệp có cơ hội thu hút thêm nguồn lực từ các quỹ và các nhà đầu tư khác.
Việc này khác hoàn toàn với việc Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp với tư cách cổ đông, điển hình là trường hợp bơm ngân sách cứu Vietnam Airlines vừa qua.
Về vấn đề này, khi phát biểu kết luận phiên họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội nhấn mạnh, ông cũng không ủng hộ quan điểm dùng ngân sách để cứu doanh nghiệp trước thềm phá sản, vì phá sản là câu chuyện bình thường trên thương trường.
|
Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội |
Nếu có, ông sẽ ủng hộ việc Nhà nước dùng ngân sách hỗ trợ cho hai nhóm: một là chi một phần hỗ trợ trực tiếp như một tiện ích để giải phóng nguồn lực xã hội, với mục đích này thì chi phí như vậy vẫn là thấp; hai là hỗ trợ cơ chế chính sách để doanh nghiệp được phục hồi hoạt động nhằm tiếp cận các nguồn lực từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư khác, khi đó phục hồi sẽ được coi là bước đầu của quá trình phá sản.
Phát biểu tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao cho rằng, quan điểm của cơ quan soạn thảo là nếu coi việc phục hồi trước khi phá sản của doanh nghiệp là giải phóng nguồn lực xã hội, có ích cho quốc gia thì mong Nhà nước giúp cho về chi phí, hỗ trợ việc làm cho người lao động...
"Cái này Toà án không quyết được mà phải xin ý kiến", ông Tiến nói và cho biết, cơ quan soạn thảo thống nhất quan điểm là mọi thủ tục phục hồi, phá sản phải đơn giản, phải gọn, thời gian phải rút ngắn hết mức có thể, cái gì chưa gọn chưa ngắn thì sẽ lắng nghe, tiếp thu để điều chỉnh.