Băn khoăn quản lý vốn nhà nước…

(ĐTCK-online) khi ban hành chính sách, việc lưu ý đến những điều kiện thực tế để chính sách thực sự "sống" được và đóng góp hữu ích cho công tác quản lý vốn nhà nước mới là cái cần hướng đến.
Việc công ty mẹ bảo lãnh cho công ty con vay vốn ngân hàng diễn ra rất thường xuyên.

Cơ quan Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán tại 224/318 DN thành viên thuộc 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo đó, phần lớn DN được kiểm toán đều có hoạt động đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính ở các mức độ và tỷ lệ khác nhau, nhiều đơn vị có tỷ lệ đầu tư ra ngoài rất lớn như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đầu tư ra ngoài 775,39 tỷ đồng, bằng 128,21% vốn chủ sở hữu; Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn đầu ra ra ngoài 1.311 tỷ đồng, bằng 17,86% vốn chủ sở hữu; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư ra ngoài 1.786,4 tỷ đồng… Đặc biệt, thống kê cho thấy, việc đầu tư ra ngoài của nhiều đơn vị chưa mang lại hiệu quả, tiềm ẩn nhiều rủi ro, do tham gia thị trường muộn và chưa có kinh nghiệm quản lý. Một số khoản đầu tư tài chính của các tổ chức tài chính - ngân hàng được kiểm toán cũng chưa có hiệu quả hoặc mang lại hiệu quả rất thấp…     

Chính vì vậy, dự thảo Thông tư hướng dẫn Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN khác ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009 của Chính phủ trở nên có ý nghĩa thời sự và được nhiều đối tượng quan tâm. Thông tư này được kỳ vọng là một "đường ray" đưa hoạt động đầu tư ra ngoài của các công ty nhà nước vào khuôn khổ. Tuy nhiên, khi dự thảo Thông tư được cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi, lại có một số ý kiến băn khoăn rằng, khi "thả" thì quá lỏng, khi "bó" lại quá chặt…

Điển hình như quy định công ty mẹ chỉ được thực hiện bảo lãnh đối với công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ (Khoản 3, Điều 3 dự thảo Thông tư) là không phù hợp với thực tế hiện nay, vì số lượng DN có 100% vốn nhà nước thuộc công ty mẹ là không nhiều, đa số đã được cổ phần hóa theo chính sách sắp xếp, chuyển đổi sở hữu của Nhà nước. Tùy từng điều kiện của mỗi DN, số vốn nắm giữ của công ty mẹ là trên 50% (công ty con), từ 20 - 50% (công ty liên kết) hoặc thấp hơn. Đối với những nhóm DN do công ty mẹ nắm giữ trên 36% thì công ty mẹ vẫn giữ được quyền chi phối hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN thông qua cử người đại diện xuống đảm nhiệm các chức danh trong ban quản lý, điều hành DN.

Ngoài ra, giữa công ty mẹ với các DN này vẫn có quan hệ gắn bó, hỗ trợ nhau phát triển, gắn bó khá mật thiết với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ khác; công ty mẹ vẫn hỗ trợ công nghệ, tổ chức sản xuất - kinh doanh cho DN thành viên. Do đó, việc công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty bảo lãnh cho các DN thành viên vay vốn ngân hàng là rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu vốn của các DN thành viên trong khi chưa huy động được các nguồn vốn phù hợp, hoặc chưa đủ điều kiện như về tài sản đảm bảo để vay từ các tổ chức tín dụng.

Đối với việc khống chế tổng mức đầu tư vào lĩnh vực như: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm trong trường hợp công ty mẹ và các công ty con trong tổng công ty, tập đoàn cùng góp vốn không vượt quá 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp như quy định tại Khoản 3, Điều 5 dự thảo Thông tư là không có nhiều tác dụng đối với các quyết định đầu tư. Lý do là các tập đoàn, tổng công ty vẫn có thể kêu gọi các đơn vị thành viên là công ty liên kết (có vốn đầu tư từ trên 20 - 50% vốn điều lệ) cùng góp vốn đầu tư.

Quy định công ty con không được đầu tư góp vốn vào công ty mẹ (Khoản 4, Điều 5 dự thảo Thông tư) cũng không phù hợp, vì công ty mẹ là công ty nhà nước do Nhà nước đầu tư 100% vốn nên sẽ không có chuyện công ty con đầu tư góp vốn vào công ty mẹ. Trong trường hợp công ty mẹ chuyển sang hoạt động dưới hình thức CTCP thì công ty mẹ sẽ không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp nhà nước và thông tư này, khi đó việc cấm công ty con đầu tư trở lại công ty mẹ là không thể thực hiện được vì đây là hai pháp nhân hoàn toàn độc lập nhau, việc đầu tư trở lại công ty mẹ thuộc quyền quyết định của công ty con và được pháp luật cho phép, nhất là khi công ty mẹ thực hiện niêm yết trên sàn tập trung, hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM thì việc có đầu tư hay không đầu tư trở lại công ty mẹ là do công ty con quyết định.

Ngoài ra, việc quy định công ty con, công ty 100% vốn của công ty mẹ, DN phụ thuộc công ty mẹ không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hóa đơn vị trong cùng tập đoàn, tổng công ty hoặc tổ hợp mẹ - con là đi ngược lại với chính sách về cổ phần hóa của Nhà nước, mà cụ thể tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP quy định, nhà đầu tư trong nước là các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo luật pháp Việt Nam được quyền mua cổ phần của DN cổ phần hóa với số lượng không hạn chế. Do vậy, vô hình trung, quy định của dự thảo Thông tư lại đi vô hiệu hóa quy định của văn bản cao hơn.

Rò ràng, việc siết lại công tác quản lý vốn nhà nước tại các công ty nhà nước là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi ban hành chính sách, việc lưu ý đến những điều kiện thực tế để chính sách thực sự "sống" được và đóng góp hữu ích cho công tác quản lý vốn nhà nước mới là cái cần hướng đến.

Phan Hoài Hiệp
Phan Hoài Hiệp

Tin cùng chuyên mục