Băn khoăn quản lý tiền đầu tư

(ĐTCK-online) Xung quanh việc thực hiện Quyết định 27 của Bộ Tài chính với yêu cầu CTCK phải uỷ quyền quản lý tiền của nhà đầu tư (NĐT) cho ngân hàng thương mại đang có nhiều ý kiến khác nhau, bởi nó phụ thuộc vào thời điểm thực hiện, khả năng đáp ứng, mức độ quản lý của cả ngân hàng và CTCK. ĐTCK ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.
Băn khoăn quản lý tiền đầu tư

Bà Bùi Thị Thanh Hương, Trưởng ban Quản lý Kinh doanh, UBCKNN

Quyết định 27 chỉ yêu cầu các CTCK không được trực tiếp nhận tiền mà phải uỷ quyền cho ngân hàng thương mại quản lý tiền của NĐT chứng khoán. Còn làm cách nào thì đó là sự thỏa thuận giữa CTCK và ngân hàng, có thể ngân hàng thiết lập hệ thống tài khoản quản lý đến từng NĐT, có thể tiền của NĐT tại cùng một CTCK được nộp chung vào một tài khoản do CTCK đại diện cho NĐT mở tại ngân hàng. Bản thân nhà quản lý chúng tôi cũng muốn ngân hàng quản lý tới tận tài khoản của từng NĐT nhưng làm gì cũng cần có thời gian, bước một là đưa tiền về ngân hàng quản lý, thời điểm này không thể ép CTCK và ngân hàng thực hiện quy củ ngay được. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho NĐT và cả CTCK, một mục tiêu lớn của Quyết định 27 là quản lý được nguồn gốc tiền nộp vào ngân hàng để đầu tư chứng khoán, giúp cơ quan quản lý nhà nước chống rửa tiền. Có ý kiến lo ngại rằng, để NĐT nộp tiền vào một tài khoản chung như vậy có thể dẫn tới sự lạm dụng của CTCK (nếu được ngân hàng tiếp tay), tuy nhiên đã có quy định CTCK không được sử dụng tiền của NĐT, chúng tôi sẽ có những cuộc kiểm tra ngẫu nhiên và nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý.

Về thời điểm thực hiện, chúng tôi đã nói rõ với các CTCK. Cụ thể, Quyết định 27 được ký ngày 24/4/2007, ngày 30/7 đăng công báo và có hiệu lực sau 15 ngày đăng công báo. Trong Quyết định ghi rõ, 6 tháng sau ngày Quy chế có hiệu lực, các CTCK mới phải thực hiện việc uỷ quyền và như vậy, phải tới ngày 16/2/2008 quy định trên mới bắt đầu được thực hiện.

 

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán

Hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa ngân hàng và CTCK còn yếu, do đó việc áp dụng ngay Quyết định 27 sẽ gây khó khăn cho cả CTCK, ngân hàng và NĐT. Hiện nay, ngay sau khi nộp tiền vào tài khoản tại sàn, NĐT có thể đặt lệnh mua chứng khoán luôn. Trường hợp nộp tiền tại ngân hàng, nếu hệ thống giữa hai bên không thông suốt, khách hàng nộp tiền vào cả tiếng đồng hồ sau tài khoản mới báo có tiền, lúc đó NĐT sẽ lỡ cơ hội giao dịch. Khi hệ thống không kết nối được, rủi ro có thể phát sinh, chẳng hạn NĐT khó thể thực hiện dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán, chưa kể trường hợp hệ thống trục trặc NĐT không rút được tiền tại ngân hàng vì hệ thống báo chưa kịp.

Nếu thực hiện theo hướng các ngân hàng mở quầy thu tiền của NĐT (thu hộ) tại CTCK thì NĐT đỡ phải đi lại, hệ thống tài khoản dữ liệu giữa CTCK và ngân hàng dễ dàng kết nối và kiểm tra, giao dịch thuận tiện hơn mà việc quản lý riêng biệt tiền và chứng khoán của NĐT vẫn được thực hiện, loại trừ được khả năng CTCK lợi dụng tiền trong tài khoản của NĐT để kinh doanh kiếm lời.

 

Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB

Việc ngân hàng quản lý tiền của NĐT đến từng tài khoản hay quản lý qua tài khoản tổng đứng tên CTCK còn phụ thuộc vào đàm phán giữa ngân hàng và CTCK, cũng như sự tương thích về công nghệ giữa hai bên. Bản thân ngân hàng muốn quản lý tiền của NĐT một cách thực sự nhằm đưa họ trở thành khách hàng với những tiện ích dịch vụ khác cũng như có thể hưởng một chính sách lãi suất hấp dẫn hơn. Cũng có CTCK tỏ ra lo ngại rằng, khi cho ngân hàng cập nhật vào hệ thống của mình thì cơ sở dữ liệu khách hàng không được bảo mật và có thể rủi ro khi ACB còn có CTCK trực thuộc là ACBS. Nhưng kinh doanh là phải có nguyên tắc và chúng tôi coi thành công của khách hàng là thành công của mình, đã bắt tay trở thành đối tác thì bản thân CTCK phải tin tưởng ở ngân hàng.

 

Ông Đinh Văn Hùng, Giám đốc khối Phân tích - Đầu tư CTCK APEC (APECS)

Hiện APECS đang phối hợp với một số ngân hàng như BIDV, Agriseco, ACB, MB… để nghiên cứu triển khai thực hiện ủy quyền cho ngân hàng quản lý tiền của NĐT. Tuy nhiên, Công ty gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện việc này. Hiện phần mềm quản lý giao dịch chứng khoán của APECS (BOSC) chưa đồng bộ với phần mềm của các ngân hàng, vì thế sẽ khó khăn trong việc quản lý các hành vi xảy ra đồng thời, ví dụ như khách hàng vừa đặt lệnh mua chứng khoán vừa rút tiền từ tài khoản… Trong trường hợp này, việc giao dịch của khách hàng chắc chắn sẽ bị chậm do hai bên phải tiến hành kiểm tra số dư tiền trên tài khoản. Ngoài ra, còn có khó khăn, hạn chế trong việc thanh toán bù trừ, nếu APECS chỉ liên kết với một ngân hàng thì khó khăn cho NĐT, trường hợp APECS liên kết với nhiều ngân hàng thì lại khó khăn cho Trung tâm Lưu ký và ngân hàng chỉ định (do phải đối chiếu dữ liệu). Với phương thức khớp lệnh liên tục, khó có thể quản lý tốt nếu lệnh không khớp hoặc khách hàng huỷ lệnh. Hiện có quá nhiều khó khăn cho các CTCK và ngân hàng trong việc quản lý tiền của NĐT (do yếu kém về công nghệ), do đó APECS đề xuất rằng, Quyết định 27 tạm thời chưa nên áp dụng.

 

Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Môi giới CTCK Tân Việt

Tân Việt chủ trương uỷ quyền cho ngân hàng quản lý (hiểu theo cách quản lý thực sự) tài khoản tiền mặt của NĐT chứ không chỉ dừng ở việc để ngân hàng thu chi hộ. Uỷ quyền cho ngân hàng quản lý tiền, Công ty không phải đầu tư bộ máy nhân sự tốn kém để quản lý số vốn ước khoảng 40 - 50 tỷ đồng thường xuyên có trên hệ thống tài khoản của NĐT tại Tân Việt.

Hiện Tân Việt đã có thoả thuận hợp tác với Vietcombank, theo đó hai bên sẽ thiết lập đường truyền trực tuyến để trao đổi dữ liệu thông qua tài khoản tiền gửi của từng NĐT mở tại Ngân hàng. Mọi giao dịch được thực hiện tự động trên tài khoản của từng NĐT, ngoài ra khách hàng còn được hưởng những tiện ích từ các dịch vụ mà Ngân hàng cung cấp theo quy định dành cho tài khoản tiền gửi thanh toán.

 

Ông Bùi Quốc Khánh, Giám đốc Công nghệ của VIB Bank

Chúng tôi vừa triển khai thành công hệ thống kiến trúc công nghệ hàng đầu của Oracle. Đó là hệ thống Core banking (ngân hàng lõi), phát triển trên nền tảng công nghệ hiện đại của Oracle, cho phép Ngân hàng dễ dàng tích hợp với hệ thống của các CTCK. Kiến trúc nền tảng của Oracle cho phép xử lý khối lượng dữ liệu giao dịch khổng lồ trong thời gian ngắn, khả năng nâng cấp dễ dàng, tính sẵn sàng cao, bảo mật… Ngân hàng có khả năng vận hành hệ thống liên tục, cung cấp dịch vụ một cách chính xác và kịp thời tại các chi nhánh và phòng giao dịch trên cả nước. Chúng tôi cũng đã xúc tiến làm việc với gần 10 CTCK và dự kiến sẽ bắt tay với 6 CTCK để tham gia quản lý tiền cho NĐT.

Phong Lan thực hiện.
Phong Lan thực hiện.

Tin cùng chuyên mục