Băn khoăn nghĩa vụ, quyền lợi người đại diện

(ĐTCK-online) Thông tư số 242/2009/TT-BTC ngày 30/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN khác ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP đã có hiệu lực thực tế hơn 2 tháng.
Các CTCP, đặc biệt là các đơn vị đang niêm yết đang gấp rút chuẩn bị tổ chức ĐHCĐ trong tháng này và tháng tới. Các CTCP, đặc biệt là các đơn vị đang niêm yết đang gấp rút chuẩn bị tổ chức ĐHCĐ trong tháng này và tháng tới.

Tuy nhiên, một số nội dung trong thông tư này chưa được hướng dẫn rõ ràng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thực hiện các quyền của cổ đông nhà nước tại CTCP, đang đặt ra những tranh cãi về quyền lợi của người đại diện phần vốn nhà nước và cán bộ được công ty nhà nước cử tham gia ban kiểm soát tại DN khác, đã làm cho các công ty nhà nước lúng túng trong thực hiện. Đặc biệt, hiện cũng là thời điểm các CTCP chuẩn bị ĐHCĐ thường niên năm 2009 nên những khúc mắc này càng trở nên nóng hơn.

Thứ nhất, đối với vấn đề tiền thưởng, chi phí hỗ trợ hoạt động cho người đại diện phần vốn tại DN khác. Hiện nay, vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về việc người đại diện kiêm nhiệm các chức danh trong HĐQT và ban điều hành khi nhận tiền thưởng, chi phí hỗ trợ hoạt động từ DN họ đang đại diện có phải nộp về công ty nhà nước hay không, bởi theo quy định tại Thông tư số 242/2009/TT-BTC thì người đại diện chỉ phải nộp về tiền thù lao do DN khác chi trả.

Trên thực tế, việc DN thưởng cho người đại diện kiêm nhiệm các chức danh trong HĐQT hoặc ban điều hành là điều dễ hiểu, vì họ cũng đóng góp vai trò quan trọng trong thành công của DN, việc chia thưởng cho người đại diện có kiêm nhiệm chức danh khác là sự ghi nhận những đóng góp, lợi ích mà những người này mang lại cho DN và cũng là quyền lợi chính đáng của họ.

Do đó, hiện nay đang hình thành 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Thứ nhất là nếu chế độ không quy định phải nộp lại khoản tiền này thì người đại diện đương nhiên được hưởng. Thứ hai là khi người đại diện nhận được tiền thưởng thì phải nộp toàn bộ về công ty nhà nước cử đi. Điều này đã gây ra những lúng túng, chậm trễ cho công ty nhà nước khi quyết định thông qua những nội dung xin ý kiến của người đại diện để thực hiện các quyền tại HĐQT, ĐHCĐ, trong đó có việc chia thưởng cho người đại diện và gây khó khăn cho DN khác khi quyết định thông qua việc chi thưởng, vì sợ không đảm bảo công bằng giữa các thành viên HĐQT.

Thứ hai là việc tính thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thù lao của người đại diện. Khoản thù lao này xác định theo từng đối tượng chi trả và được trả trực tiếp cho người đại diện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Do xác định thù  lao người đại diện là một dạng thu nhập trả cho cá nhân, nên trong năm 2009 nhiều DN đã thực hiện trích thuế thu nhập cá nhân ngay tại nguồn đối với khoản tiền này…

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2, Điều 15 Thông tư 242 (áp dụng cho năm tài chính 2009) thì khoản thù lao của người đại diện phải được nộp về công ty nhà nước và công ty nhà nước có trách nhiệm hạch toán khoản thù lao này vào thu nhập khác. Do đó, đối tượng nhận thù lao người đại diện do DN chi trả là công ty nhà nước nên không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân và không phải khấu trừ thuế tại nguồn.

Đồng thời, hiện nay cũng chưa có hướng dẫn đối với việc trong năm 2009 các DN đã trích tiền thuế thu nhập cá nhân của người đại diện tại DN thì phần thuế đã trích có phải hoàn trả cho công ty nhà nước hay không. Nên chăng, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Thứ ba, trong Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN khác ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP và Thông tư 242 thì các quy định liên quan đến quản lý người đại diện phần vốn nhà nước tại DN khác được hướng dẫn khá cụ thể. Tuy nhiên, các văn bản này lại "quên" một đối tượng có vai trò rất quan trọng tại DN khác là người được công ty nhà nước cử tham gia ban kiểm soát. Họ giúp công ty nhà nước và Đại hội đồng cổ đông thực hiện các quyền kiểm tra, giám sát HĐQT, tổng giám đốc DN trong việc quản lý và điều hành DN, trong chấp hành các Điều lệ, Nghị quyết ĐHCĐ, HĐQT và các quy định của pháp luật; thực hiện kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp trong công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của DN, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính của DN... Do đặc thù công việc trên nên họ có điều kiện nắm sâu sát nhất tình hình hoạt động, tình hình tài chính của DN và có thể giúp công ty nhà nước thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát tại DN khác. Tuy nhiên, hiện nay, các chế độ hiện hành chưa có hướng dẫn về xử lý thù lao, tiền thưởng được DN khác chi trả cho đối tượng này; chưa có quy định chức năng nhiệm vụ, chế độ báo cáo của cán bộ tham gia ban kiểm soát DN khác...

Các CTCP, đặc biệt là các đơn vị đang niêm yết đang gấp rút chuẩn bị tổ chức ĐHCĐ trong tháng này và tháng tới. Để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm người đại diện cũng như người được cử tham gia ban kiểm soát, qua đó đảm hiệu quả hoạt động đầu tư của công ty nhà nước tại DN khác, những khoảng trống pháp lý này rất cần được bổ khuyết, hoàn thiện.

Phan Hoài Hiệp
Phan Hoài Hiệp

Tin cùng chuyên mục